PGS Trần Đình Thiên: Áp lực tái cấu trúc nền kinh tế đang rất lớn
Cơ cấu kinh tế mất cân đối, lạm phát cao kéo dài, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, niềm tin sụt giảm. Những điều này đang đặt Việt Nam đứng trước áp lực tái cấu trúc.
Phó Giáo sư Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Theo Phó Giáo sư Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn tái cấu trúc, phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên, sử dụng vốn dễ dãi cùng lao động cấp thấp. NCĐT đã trao đổi với ông Thiên xung quanh vấn đề này.
Ông đã đề cập đến việc tái cấu trúc nền kinh tế cách đây hơn 3 năm. Có phải bây giờ đang là giai đoạn kinh tế gặp quá nhiều khó khăn nên việc này càng trở nên cấp thiết hơn?
Nền kinh tế đang gặp những vấn đề nghiêm trọng như cơ cấu mất cân đối, lạm phát cao kéo dài khiến doanh nghiệp bị suy yếu. Lòng tin của người dân và nhà đầu tư giảm sút. Đó là những yếu tố cùng tác động một lúc, buộc chúng ta phải nghĩ đến việc tái cấu trúc nền kinh tế và phải làm quyết liệt.
Mô hình tăng trưởng lâu nay của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn dễ dãi và lao động chất lượng thấp. Vì vậy, sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế của chúng ta vẫn là nền kinh tế cấp thấp.
Theo ông, Việt Nam nên đi theo mô hình kinh tế nào?
Do đi sau nên cần phải nghĩ đến mô hình kinh tế nào có thể giúp chúng ta rút ngắn được khoảng cách với các nước khác. Mẫu hình Việt Nam nên tham khảo là Hàn Quốc, Đài Loan, những nền kinh tế đã có bước phát triển nhảy vọt. Tất nhiên, lựa chọn cụ thể như thế nào còn tùy thuộc vào thời cuộc và đặc điểm của Việt Nam.
Hàn Quốc và Đài Loan đang tập trung vào công nghệ thông tin, cả phần mềm lẫn phần cứng. Liệu hướng đi này có thích hợp cho Việt Nam?
Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển vượt bậc nhờ vào việc phát triển công nghệ cao mà nền tảng chính là công nghệ thông tin. Có lẽ Việt Nam nên chọn cách đi tương tự. Cách đây 1 tháng, tôi có sang thăm Hàn Quốc. Họ còn giới thiệu thêm mô hình khác: “tăng trưởng xanh”, tức công nghệ cao nhưng bền vững và sạch, không cần tăng trưởng nhanh.
Việt Nam là một nước nông nghiệp. Vậy nông nghiệp có vai trò gì không trong công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế?
Tôi cho rằng nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn này càng đóng vai trò quan trọng, nhất là khi xét nhu cầu tiêu thụ nông sản của thế giới.
Tuy nhiên, không thể nói nước nông nghiệp, xuất khẩu nhiều gạo thì cứ lấy đó làm trọng tâm. Mục tiêu nền kinh tế hướng đến phải là những ngành có giá trị gia tăng cao, trong đó nông nghiệp là một bộ phận. Nông nghiệp cũng phải dựa vào công nghiệp sử dụng công nghệ cao thì mới có thể phát triển bền vững được.
Hiện nay, chúng ta ngày càng xuất khẩu nhiều gạo. Thế nhưng do tăng sản lượng dựa trên tăng chi phí đầu vào như tăng phân bón, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật, nên chúng ta phải trả giá bằng những nguồn tài nguyên khác. Sản lượng tăng nhưng giá trị gia tăng không cao.
Ông có thấy cản ngại nào trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, như lợi ích nhóm hay quyền lợi địa phương?
Chúng ta chưa thể tái cấu trúc chính vì những cản ngại này. Mô hình tăng trưởng từ trước đến giờ chỉ để đạt được những thành tích dễ dãi, phục vụ cho lợi ích của một nhóm nhỏ nên rất ít nỗ lực cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt. Vì thế, cần thay đổi mô hình, tầm nhìn cũng như tư duy.
Cần thêm điều kiện gì để doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân có thể tham gia tích cực vào công cuộc tái cấu trúc kinh tế?
Trong 25 năm qua, lực lượng tư nhân đã phát triển nhanh nhưng vẫn lớn chậm. Tức họ có thể giàu nhanh nhưng năng lực cạnh tranh vẫn rất kém vì chỉ quen “ăn sẵn”. Do vậy cần tạo ra một môi trường cạnh tranh, thay đổi cả cách thức ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước.
Một điều quan trọng nữa là Việt Nam chưa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên doanh nghiệp không thể tham gia chuỗi phát triển của thế giới. Nghĩa là phải có một sự thay đổi căn bản và toàn diện trong lĩnh vực doanh nghiệp.
Liệu nền kinh tế Việt Nam có thể thay đổi được không?
Áp lực thay đổi đang rất lớn và những động thái gần đây đã cho thấy sự thay đổi về thể chế và cấu trúc kinh tế đang diễn ra.
Ông có thể cho biết đó là áp lực gì, đến từ đâu?
Đó là áp lực từ quốc tế, phải thay đổi để hàng hóa Việt Nam có thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Rồi là áp lực trong nước. Điều này thì đã rất rõ: nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, đầu tư công nhiều mà hiệu quả chỉ vừa phải, lãng phí. Hệ thống ngân hàng đang chứa đựng một số rủi ro. Các thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm. Khu công nghiệp, khu kinh tế mở ra quá nhiều, mà thu hút quá ít doanh nghiệp.
Còn động thái là động thái nào?
Quốc hội đã và đang thảo luận để hình thành các luật, chẳng hạn luật ngân sách hay luật đất đai. Điều đó là nhằm xây dựng nền tảng vững chắc, hướng đến lâu dài, chứ không ngắn hạn như lâu nay nữa. Giới học thuật cũng tích cực đưa ra những kiến nghị yêu cầu thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.
Và ông tin tưởng nền kinh tế sẽ thay đổi?
Vâng, tôi tin như thế.
Ngọc Trân
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ



Xem bài viết: PGS Trần Đình Thiên: Áp lực tái cấu trúc nền kinh tế đang rất lớn