Cái khôn của doanh nghiệp FDI
Với giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm hơn nửa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế. Nhưng sau nhiều năm, những gì Việt Nam nhận được từ các doanh nghiệp FDI không chỉ là “hoa hồng” mà còn rất nhiều “gai”.
Lắp giáp ô tô tại một doanh nghiệp FDI
Theo chính sách của Chính phủ, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam được khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất và xuất khẩu. Nhưng vài năm trở lại đây, xu hướng này đang ngược lại. Nhiều doanh nghiệp FDI có chiến lược ngừng sản xuất, xuất khẩu và tập trung chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Kế sách tồn tại và phát triển
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 60,8 tỷ USD, tăng tới 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Sản xuất dường như đang kéo dòng vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng. Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2011 đạt 7,3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với đặc thù sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu…Việt Nam khó tránh khỏi nhập siêu từ khối FDI. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa xuất và nhập của khu vực này đã ở mức báo động. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên trong một cuộc họp gần đây đã cảnh báo, hoạt động của khối doanh nghiệp FDI trong xuất nhập khẩu của Việt Nam là vấn đề rất đáng quan tâm.
Trên thực tế, giá nhân công, giá thuê đất đai…không rẻ như trước. Vì vậy, doanh nghiệp FDI lập tức ngưng sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, mặt bằng, kho bãi…và chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, bán ngay tại thị trường Việt Nam với mức thuế ưu đãi. Lợi nhuận từ phương thức sau đã cao hơn hẳn. Phải thừa nhận các doanh nghiệp FDI có cái nhìn rất tinh, khi chuyển hướng chiến lược kinh doanh. Thị trường gần 87 triệu người với mức thu nhập dân cư và nhu cầu hàng hoá ngày càng tăng đang thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ vậy, với trình độ, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp FDI họ có thể tính ngay được bài toán so sánh lợi nhuận giữa hoạt động sản xuất và thương mại.
Doanh nghiệp FDI đã chuyển hướng từ nhập khẩu-sản xuất hoặc lắp ráp-xuất khẩu thành nhập khẩu sản phẩm-tiêu thụ nội địa, thay vì đầu tư máy móc thiết bị, nguyên liệu cho sản xuất để phục vụ cho việc làm hàng xuất khẩu như trước đây. Ngành sản xuất điện tử, đồ gia dụng là ví dụ cụ thể. Trong khi mức thuế nhập khẩu linh kiện điện tử từ 3-20% thì thuế nhập khẩu nguyên chiếc chỉ có 5%, hiệu quả của ngưng sản xuất là rõ rệt. Trong các siêu thị, cửa hàng điện máy, đồ gia dụng hiện nay, các sản phẩm công nghệ cao như laptop, ti vi LCD, máy quay kỹ thuật số… đến những thiết bị gia dụng tủ lạnh, điều hoà, máy giặt... với đủ thương hiệu từ lớn đến bé như Samsung, Sony, Toshiba, LG, chiếm phần lớn diện tích trưng bày.
Chật vật giữ sân nhà
Một trong những mục tiêu chính của thu hút đầu tư FDI là doanh nghiệp nước ngoài là chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý cho Việt Nam. Tuy nhiên, với việc ngưng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất một vài công đoạn trong chuỗi sản phẩm của các doanh nghiệp FDI hiện nay, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ không được nâng cao như kỳ vọng. Về nhân lực, các doanh nghiệp FDI thường sử dụng nguồn lao động phổ thông giá rẻ. Các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp chủ yếu vẫn do người nước ngoài nắm giữ. Bởi vậy, kinh nghiệm quản lý điều hành được nâng cao không nhiều.
Doanh nghiệp FDI chuyển hướng kinh doanh khiến doanh nghiệp trong nước không kịp trở tay. Hiện, phần lớn thị phần các ngành công nghiệp giá trị sản xuất lớn, từ công nghiệp ô tô đến hàng tiêu dùng, phần lớn đều do các doanh nghiệp FDI chi phối.
Ngay trong ngành thép hiện nay, “nhiều doanh nghiệp FDI của Nhật và Hàn Quốc với 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, với ưu thế công nghệ hiện đại, công suất lớn lại được các công ty mẹ hỗ trợ về vốn, quản lý…, nên khi các công ty này quay vào thị trường trong nước, doanh nghiệp thép nội bị chèn ép, khó lòng cạnh tranh về giá. Như vậy, nhà sản xuất thép của Việt Nam sẽ khó lòng tồn tại và phát triển được ngay trên sân nhà”, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ. Do đó, Hiệp hội Thép Việt Nam thường phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp FDI xuất khẩu khi sản lượng của họ rất lớn. Tuy nhiên, không phải Hiệp hội ngành hàng nào cũng đủ sức mạnh để làm việc đó.
Thị trường nội địa là “hậu phương” cho doanh nghiệp Việt lớn mạnh. Làm chủ và lớn mạnh ngay tại sân nhà là con đường vững chắc nhất cho doanh nghiệp VN tiến ra thị trường thế giới. Nhưng với cách hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI và khả năng quản lý của Nhà nước như hiện nay, dường như trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, Việt Nam vừa không tiếp cận được các công nghệ mới, vừa mất thị phần ngay tại chính nước mình.
Đầu tư FDI vẫn rất cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước. Song để thực sự đảm bảo lợi ích của quốc gia, Việt Nam cần đánh giá và nhìn lại hoạt động đầu tư nước ngoài trong suốt những năm qua, đặc biệt từ khi gia nhập WTO. Từ đó, tăng tính chặt chẽ trong việc thẩm định các dự án, chỉ ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam chưa làm được hoặc có hàm lượng chất xám cao để vừa đảm bảo mục đích thu hút đầu tư vừa bảo vệ chiến lược phát triển doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, để phát huy khả năng cạnh tranh, không nên quá trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Nguyễn Mạnh Cương
Quân đội nhân dân



Xem bài viết: Cái khôn của doanh nghiệp FDI