Bán khống chứng khoán: Cần thông điệp rõ ràng
Các quy định pháp luật hiện hành không hề có cụm từ “cho phép bán khống” chứng khoán, nhưng trên thực tế, những tranh luận, thậm chí kiện tụng liên quan đến hoạt động này vẫn diễn ra không ít.
Chân dung “tội đồ” bán khống
Hiện có 2 dạng bán khống, đó là bán khi không có chứng khoán và vay chứng khoán thật để bán. Đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, chủ yếu tồn tại dạng vay chứng khoán thật để bán, tức là bán chứng khoán thật, nhưng với sự cho phép và theo những thỏa thuận với người có chứng khoán (về mức phí vay cũng như thời gian phải hoàn trả chứng khoán về tài khoản). Do đó, nhiều người cho rằng, “bán khống” tại Việt Nam thực ra là “bán nhờ” (trên tài khoản của người có chứng khoán).
Những người ủng hộ hoạt động này lý sự rằng, việc đó có ích cho cả người vay và người cho vay, bởi khi thị trường giảm điểm mạnh, các nhà đầu tư (thường là nhà đầu tư dài hạn) đang nắm giữ cổ phiếu luôn mong muốn cổ phiếu của mình sẽ trở về giá trị thực, nên ít quan tâm tới giá cổ phiếu hiện thời, trong khi cho vay chứng khoán, họ thu được một khoản phí nhất định. Với người đi vay, dù không đủ chứng khoán trong tài khoản, nhưng chỉ với số tiền ký quỹ 25 - 35% giá trị chứng khoán, họ đã có thể tranh thủ cơ hội để giao dịch, thu lời.
Nhưng bán khống bị nhìn ở góc độ tiêu cực cũng có lý do của nó. Dù chưa có cơ sở nào xác định một cách chính xác mức độ “tội đồ” của bán khống với việc kéo thị trường đi xuống, thì cũng đã có không ít vụ tranh chấp, kiện tụng phức tạp trên thị trường liên quan đến hoạt động vay mượn, mua bán này. Thậm chí, năm 2009, khi vụ việc một công ty chứng khoán (CTCK) cho một khách VIP mượn tài khoản của các nhà đầu tư khác để bán khống bị vỡ lở, số tiền phải truy thu lên đến gần 50 tỷ đồng.
Nhưng vì sao hoạt động bán khống vẫn tồn tại trên thị trường, dù luật pháp không cho phép, dù có những hệ lụy đã xảy ra? Câu trả lời chỉ có thể là chuyện muôn thuở: có cầu thì có cung.
Thực tế, các nhà đầu tư đã “lách luật” để thỏa mãn nhu cầu đầu tư của mình. Theo giới đầu tư, bán khống và mua chứng khoán ký quỹ là hai công cụ của TTCK ở trình độ cao và nó là nhu cầu ở hai cực của thị trường (bên mua và bên bán). Cụ thể, nhà đầu tư có nhu cầu và được phép mua ký quỹ (tức là mua khi không có đủ tiền), thì cũng xuất hiện nhu cầu bán khống (bán khi không có đủ chứng khoán).
Trong khi đó, lách luật là chuyện quá cũ. Chẳng hạn, luật không cho CTCK đem tiền cho vay, thì giữa hai bên có hợp đồng “hợp tác đầu tư”...
Những cách thức “lách luật”, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đã và sẽ bị xử lý theo quy định. Vài năm qua, đã có một số CTCK bị phạt hành chính vì cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán (bán khống).
Nhưng mặt khác, nhu cầu của thị trường, của nhà đầu tư đang tồn tại khách quan và điều đó cũng rất đáng để cơ quan chức năng quan tâm nhằm phát huy những mặt tích cực hay hạn chế những hệ lụy của nó.
Cần thông điệp rõ ràng
Khoản 9, Điều 71, Luật Chứng khoán quy định, CTCK “thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”. Như vậy, Luật Chứng khoán không ghi rõ cấm bán khống chứng khoán, mà yêu cầu phải làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực (ngày 1/1/2007) đến nay, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào của Bộ Tài chính về việc CTCK được phép triển khai dịch vụ này. Đến ngày 24/8/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Công văn 1748/UBCK-QLKD do Phó chủ tịch Nguyễn Đoan Hùng ký, nêu rõ: “Trong khi chưa có quy định thực hiện nghiệp vụ này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các CTCK không thực hiện nghiệp vụ nói trên” và cho biết sẽ kiểm tra và xử lý các công ty vị phạm theo quy định hiện hành.
Đây là một trường hợp Luật không cấm, nhưng vẫn không được làm vì thiếu hướng dẫn, mà nhiều người cho rằng, do cơ quan quản lý lo ngại rủi ro có thể xảy ra sẽ không có hướng giải quyết.
Thông tin trên báo chí mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho hay, trong quá trình thanh tra các CTCK, Ủy ban Chứng khoán sẽ làm rõ có hay không việc các CTCK bán khống chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp bán khống. Đó là thông điệp mạnh mẽ, cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý, nhưng nhà đầu tư mong chờ một thông điệp rõ ràng hơn.
Một là, cơ quan quản lý cần xác định rõ “bán khống” thực sự ở thị trường Việt Nam, những hậu quả cũng như những hành vi tiếp tay cho hoạt động này.
Có quan điểm rằng, hành vi cần ngăn chặn là những hành vi kiểu “đánh cắp” cổ phiếu của nhà đầu tư khác đem kinh doanh, như trường hợp một nhà đầu tư VIP nói ở trên. Một trong những nguyên nhân của hành vi đó, là do các CTCK đã lách luật, tìm mọi cách giữ chân những nhà đầu tư VIP, giúp họ giao dịch ngầm.
Hai là, cần có các phản ứng kịp thời, theo kịp thực tế phát triển đa dạng của thị trường.
Trên thực tế, đã xuất hiện các CTCK đứng ra gom, mượn cổ phiếu “nhàn rỗi” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cho các nhà đầu tư có nhu cầu vay cổ phiếu để giao dịch. Hoạt động này liệu có vi phạm luật, có tiếp tay cho bán khống chứng khoán hay không?
Vấn đề này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc thỏa thuận giữa hai bên để mượn cổ phiếu là thỏa thuận dân sự, dựa trên sự tin tưởng giữa hai bên, nên rất khó ngăn cấm. Hơn nữa, phải có sự đồng ý của người cho vay và về mặt kỹ thuật, cũng phải chính người cho vay thực hiện lệnh bán cổ phiếu.
Dù vậy, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan quản lý lên tiếng về tính hợp pháp, hợp lý của hoạt động bán khống. Rõ ràng, sau tất cả những tranh luận, bàn cãi, nhà đầu tư cần một thông điệp rõ ràng, nhất quán về hoạt động này, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay
Huy Kiên
đầu tư



Xem bài viết: Bán khống chứng khoán: Cần thông điệp rõ ràng