Xây dựng lòng tin cho thị trường

Sự biến động của VN-Index vẫn tiếp tục là đề tài nóng hổi trên thị trường cùng với những ý kiến nhận định khác nhau, thậm chí trái chiều. GS André Farber (Trường đại học Libre de Bruxelles) cho rằng, sự tăng trưởng của VN-Index vừa qua hoàn toàn bình thường. Theo ông, nếu so sánh với các nền kinh tế khác, chẳng hạn như Hy Lạp, chỉ số chứng khoán năm 2005 tăng gấp đôi, thì không có gì đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng.

Đánh giá về TTCK, GS André cho rằng, Việt Nam cần thêm vài năm nữa để đưa khoảng 10 công ty có quy mô lớn lên niêm yết trên thị trường. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội hơn để đầu tư, còn hiện tại, sự lựa chọn của họ mới giới hạn ở Vinamilk và một vài doanh nghiệp khác. Việc giới đầu tư quốc tế lựa chọn TTCK Việt Nam để đầu tư là cơ hội rất tốt đối với TTCK còn non trẻ này, nhưng quan trọng nhất là cả 2 phía (nhà đầu tư nước ngoài và TTCK) phải xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau, mặc dù vẫn biết, lòng tin không thể xây dựng được ngay trong một sớm một chiều. "Điều tôi mong mỏi cho Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài đến đây với TTCK cùng những cam kết lâu dài, chứ không vì lợi nhuận ngắn hạn. Nhà đầu tư đến Việt Nam để hiểu về TTCK và đầu tư trong tầm nhìn dài hạn", GS André nói.
Trên quan điểm của một chuyên gia đầu tư, ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định, nhà đầu tư gián tiếp chỉ thực sự đầu tư khi hội tụ một số điều kiện, trong đó có thông tin và tính chuẩn hoá của thị truờng được cải thiện. Mức độ thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh với chất lượng cao, đúng lúc và sẵn có là thành phần cốt yếu trong tiến trình ra quyết định đầu tư. Theo ông Dominic, để bù đắp chi phí nghiên cứu và quản lý, một số nhà đầu tư lớn cho biết, họ chỉ đầu tư vào công ty có giá trị thị trường khá lớn. Về vấn đề này, GS André cũng cho biết, trong thời gian giảng dạy tại Việt Nam, ông cố gắng lấy ví dụ cho sinh viên về các công ty niêm yết của Việt Nam, nhưng việc tìm kiếm thông tin với ông rất khó khăn. Ông cho rằng, thị trường chưa đủ minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài, nên các công ty niêm yết của Việt Nam phải cố gắng minh bạch hơn về hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Tính chuẩn hoá của thị trường được ông Dominic nêu lên qua mong muốn các tiêu chuẩn về kế toán, kiểm toán và các sản phẩm trên thị trường tài chính được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế để nhà đầu tư có thể áp dụng thực tiễn quốc tế vào Việt Nam. Đồng thời, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định liên quan cũng cần được soạn thảo sao cho quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ, loại bỏ những cản trở và giảm thiểu chi phí đầu tư. Còn GS André cho biết, ông không dám chắc các số liệu được Merril Lynch tổng hợp trong báo cáo về Việt Nam mới đây có đầy đủ chất lượng, lý do là nguyên tắc kế toán ở Việt Nam có thể khác với các nước khác.
Tại Việt Nam hiện nay, thị trường OTC có quy mô lớn hơn, nhưng không được kiểm soát, đang tồn tại song song với thị trường chính thức. Theo ý kiến của GS André, điều này là không tốt, bởi nó không bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, có khi được nắm giữ cổ phiếu chỉ đơn giản bởi họ là công nhân làm việc trong công ty cổ phần hoá. Những nhà đầu tư nhỏ này không có được sự bảo đảm rằng, họ có thể bán cổ phiếu với giá tốt nhất. Sẽ tốt hơn, nếu Việt Nam tổ chức lại thị trường OTC theo hướng minh bạch hơn và đưa ra các biện pháp bảo vệ "nhà đầu tư bất đắc dĩ" tốt hơn. "Cách đây nhiều năm, tại Vương quốc Bỉ, cổ phiếu của công ty nhỏ không được giao dịch hàng ngày trên sàn chứng khoán, nhưng được giao dịch một tuần hoặc một tháng một lần trên một thị trường được tổ chức vào một ngày nhất định, theo những quy tắc có thể đưa ra sự minh bạch tối thiểu", GS André cho biết và gợi ý, Việt Nam có thể học hỏi cách làm này.
Thực tế, nhà đầu tư trên thị trường OTC Việt Nam hiện nay thực hiện nhiều giao dịch dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Việc mua bán trao tay bằng giấy xác nhận thường xuyên diễn ra, có thể do hạn chế về chuyển nhượng, do xa cách địa lý, hoặc thậm chí do doanh nghiệp chưa phát hành cổ phiếu. Đã có những nhà môi giới kiêm luôn cả việc chuyển tên trong danh sách cổ đông. Tuy nhiên, hệ luỵ của những giao dịch kiểu "chợ đen" vẫn phát sinh ra nhiều tranh chấp, chẳng hạn như đối với quyền mua ưu tiên cổ phiếu phát hành mới. Cổ phiếu luân chuyển qua tay nhiều người, nhưng tên trong sổ cổ đông vẫn là tên chủ sở hữu ban đầu. Nếu không có thoả thuận trước mà những quyền lợi như thế này phát sinh, theo lời một chuyên gia môi giới, thì chỉ có thể trông vào lòng tốt của người chuyển nhượng.

VIR
Số 18 (334) Ra ngày 01/5/2006

Anh Ngọc