Giá xăng dầu không minh bạch
Quyết định giảm giá 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu trong tối 26-8 đã khiến không ít người bất ngờ... Các chuyên gia cho rằng việc giảm giá xăng dầu có thể thực hiện ở nhiều thời điểm trước nếu các khoản chi phí cấu thành giá bán lẻ được minh bạch thật sự và quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm đúng mức.
* Giá xăng giảm 500 đồng/lít từ 21h ngày 26/08
* Người dân hụt hẫng với mức giảm giá xăng

Giảm giá bằng cách nào?
Quyết định giảm 300-500 đồng/lít xăng dầu của Bộ Tài chính đã khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc vì mức giảm quá ít. Nhiều người cho rằng khi giá thế giới tăng thì giá trong nước lập tức nhảy vọt theo, nhưng sau khi trì hoãn nhiều lần giá xăng mới chịu giảm nhưng lại giảm không đáng kể. Cụ thể, trong lần tăng giá ngày 29-3 và duy trì đến tối 26-8, giá xăng dầu các loại đã tăng tới 2.000-2.800 đồng/lít tùy loại. Lần trước đó, vào ngày 24-2, giá xăng A92 cũng tăng tới 2.900 đồng/lít và dầu diesel tới 3.550 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm.
Thế nhưng, ông Đặng Vinh Sang - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) - đã bày tỏ “ngạc nhiên” khi cho rằng cơ sở để giảm giá theo cách tính hiện hành của Bộ Tài chính là không có. Riêng với mặt hàng xăng A92, để giảm giá, doanh nghiệp (DN) sẽ phải giảm chiết khấu cho đại lý, bớt 400 đồng/lít từ mức chiết khấu hiện tại. Trong khi đó ông Vương Thái Dũng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), không bình luận gì về quyết định của Bộ Tài chính và cho biết liên bộ Tài chính - Công thương theo dõi biến động giá thế giới, quyết định điều chỉnh giá trong nước và DN buộc phải chấp hành.
Hiện nay, Bộ Tài chính quy định cơ sở để điều chỉnh tăng/giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước là giá xăng dầu nhập khẩu tại Singapore trung bình 30 ngày tính từ ngày chốt thời điểm trở về trước. Với cách tính này, giá cơ sở trung bình 30 ngày vẫn cao hơn giá bán lẻ trong nước. Những lần quyết định không giảm giá bán lẻ trước đây, đó cũng là lý do được đưa ra trong các thông cáo báo chí của Bộ Tài chính. Cụ thể, giá cơ sở trung bình 30 ngày tính đến ngày 23-8: xăng A92 là 21.644 đồng/lít, dầu hỏa là 21.145 đồng/lít và dầu diesel là 20.966 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán lẻ tại thời điểm trước khi giảm lần lượt là 21.300 đồng/lít, 21.100 đồng/lít và 20.800 đồng/lít.
Đầu tháng 8-2011, vấn đề giảm giá xăng dầu được đặt ra nhưng Bộ Tài chính đã quyết định không giảm. Đến nay phiên giao dịch ngày 24-8 xăng A92 có giá 120,5 USD/thùng. Tiếp đó, ngày 25-8 là 122,09 USD/thùng. Những ngày trước đó ở nửa sau tháng 8-2011, mức giá giao dịch chủ yếu trong khoảng 118-119 USD/thùng.
Nhiều ý kiến cho rằng với các điều kiện về giá thế giới như trên mà cơ quan điều hành giá xăng dầu có thể đưa ra được quyết định giảm giá chứng tỏ cơ sở giảm giá xăng dầu là hoàn toàn có được nếu dựa theo thực tế nhập khẩu, lời lỗ và điều chỉnh chi phí của DN. Hiện giá cơ sở đã bao gồm 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, 600 đồng/lít chi phí kinh doanh định mức, trong khi số chi thực tế của khoản này hiện thấp hơn 100 đồng/lít và DN còn có thể giảm tiếp.
Do đó, việc giảm giá chưa hẳn đã khiến các DN phải chịu lỗ như giới kinh doanh mặt hàng này thường than thở. Điều này cũng cho thấy một số quy định giá cơ sở trung bình 30 ngày hiện không còn phù hợp với thực tế.
Xem nhẹ quyền lợi người tiêu dùng
Lời lỗ phải theo thực nhập
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, không thể kết luận DN lời hay lỗ để đưa ra quyết định tăng/giảm giá chỉ dựa theo giá trung bình tại Singapore mà phải theo giá cả nhập khẩu thực tế của DN đầu mối. Nhập ở thời điểm nào, số lượng nhiều hay ít là do nhà nhập khẩu chủ động. Giới kinh doanh xăng dầu cũng thừa nhận không ai dại gì nhập ồ ạt ở thời điểm giá đang có xu hướng lên. Với mặt hàng dầu diesel, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6-2011 giá dầu diesel nhập khẩu nhiều thời điểm đã có lãi, các DN nhập tới 564.843 tấn, trong khi tháng 7-2011 giá tăng lên, lượng nhập chỉ 203.000 tấn. Nửa đầu tháng 8-2011 giá giảm lại nên lượng nhập khẩu tới 230.447 tấn.

Ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng việc giảm giá xăng dầu là tất yếu và diễn biến giá nhập khẩu cho thấy hoàn toàn có thể giảm được nếu điều hành linh hoạt, thay vì cứng nhắc theo quy định giá cơ sở mức trung bình 30 ngày.
Theo ông Long, với điều kiện giá thế giới trong thời gian gần đây mà cơ quan quản lý có thể giảm giá được, chứng tỏ nhiều thời điểm khác cũng có thể giảm. “Những thời điểm tốt hơn để giảm giá như trong tháng 6-2011 và đầu tháng 8-2011 mà không chịu giảm có nghĩa quyền lợi người kinh doanh được đặt nặng hơn quyền lợi người tiêu dùng” - ông Long nói.
Từ việc giảm giá xăng dầu ngày 26-8, dư luận đặt lại vấn đề tại sao trong tháng 6-2011 và nửa đầu tháng 8-2011 cơ quan điều hành lại không giảm? Cụ thể, theo số liệu từ Petrolimex, mức giá trung bình trong tháng 6-2011 của xăng A92 là 117,86 USD/thùng, nửa đầu tháng 8-2011 là 118,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá trung bình trong 30 ngày trở lại đây khoảng 120,2 USD/thùng.
Tại các thời điểm trên, DN vẫn luôn than lỗ. Nhưng chiết khấu trong tháng 6-2011 và nửa đầu tháng 8-2011 lại ở mức quá cao, chủ yếu trong khoảng 700-900 đồng/lít xăng dầu tùy loại. Trong khi hiện nay mức chiết khấu còn 500-600 đồng/lít xăng, đại lý vẫn sống tốt và DN cho biết còn có thể giảm thêm. Như vậy việc giảm giá bán lẻ trong nước đã có thể thực hiện trước tối 26-8 rất nhiều nếu mỗi khâu trong chuỗi nhập khẩu - bán lẻ chịu san sẻ một phần quyền lợi với người tiêu dùng.
Bình luận về cơ chế điều hành giá, ông Ngô Trí Long cho rằng có quá nhiều điểm khuất tất, không minh bạch trong giá bán xăng dầu. Cách tính giá trung bình 30 ngày theo giá thế giới thay vì giá thực nhập của DN, nhiều khoản không rõ ràng giữa quy định và thực tế, phân phối lợi nhuận định mức được tính trong giá cơ sở nhưng DN vẫn cứ than lỗ... đã khiến thông tin về giá xăng dầu mù mờ. Theo ông Long, cơ chế định giá, kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu cần phải được xem lại và sớm thực hiện kiểm toán giá bán mặt hàng này để công khai, minh bạch với người tiêu dùng.
Thái Lan: giá xăng giảm 5.500 đồng/lít
Theo báo Bangkok Post, bắt đầu từ 0g ngày 27-8, giá xăng bán lẻ ở Thái Lan giảm khoảng 8 baht (5.500 đồng)/lít vì chính phủ đồng ý dùng quỹ xăng dầu do các công ty lọc dầu đóng góp để trợ giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
Cụ thể, bằng nguồn tiền từ quỹ xăng dầu và việc giảm thuế giá trị gia tăng, giá bán lẻ của dầu diesel giảm hơn 2.000 đồng/lít, giá xăng A91 giảm 5.000 đồng/lít và giá xăng A95 giảm 5.500 đồng/lít. Sau khi giảm giá, giá xăng A91 còn 24.100 đồng/lít, xăng A95 là 27.500 đồng/lít và giá dầu diesel còn 18.700 đồng/lít.
Theo báo The Nation, Ủy ban Chính sách năng lượng quốc gia do Thủ tướng Yingluck Shinawatra làm chủ tịch đã thông qua quyết định giảm giá hôm 26-8 nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp. Các chuyên gia Thái Lan cho biết giảm giá dầu diesel sẽ giúp giảm áp lực tăng giá đối với nền kinh tế thông qua việc giảm giá thành vận chuyển. Ngành vận tải dự báo giá vé xe buýt và xe khách có thể sẽ giảm.
Ước tính khoảng 10 triệu xe máy sử dụng xăng A91, 7 triệu xe tải, xe khách sử dụng dầu diesel và 1 triệu phương tiện sử dụng xăng A95 được hưởng lợi từ chính sách này.
Hồng Vân

Bạch Hoàn
tuổi trẻ



Xem bài viết: Giá xăng dầu không minh bạch