Cơ hội nào để DVD không bị phá sản?
(Vietstock) - Dù uy tín giảm sút nhưng DVD vẫn còn tài sản rất đáng giá là các nhà máy sản xuất, vốn sẽ hấp dẫn người mua trong cùng ngành dược phẩm (industry buyers).
* DVD: Toàn cảnh về các tài sản và nợ phải trả
* Hàng loạt vấn đề cần đặt ra nếu DVD phá sản

Theo Luật Phá sản năm 2004, thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp sẽ bao gồm: (1) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; (2) Phục hồi hoạt động kinh doanh; (3) Thanh lý tài sản, các khoản nợ; và (4) Tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
Đáng lưu ý là Thẩm phán có quyền quyết định có thực hiện Bước (2) Phục hồi hoạt động kinh doanh hay không; và hoàn toàn có thể tuyên bố thực hiện Bước (3) Thanh lý tài sản, các khoản nợ hay (4) Tuyên bố phá sản.
Sau khi có quyết định mở thủ tục tài sản thì mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn sẽ tiến hành bình thường, nhưng với sự giám sát của Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Điều kiện tiên quyết để DVD không bị chuyển ngay qua Bước (3), tức là thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản là Hội nghị chủ nợ và Thẩm phán được thuyết phục về các phương án, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, khả năng và thời hạn thanh toán nợ do doanh nghiệp đề xuất.
Nói cách khác, trong trường hợp này DVD sẽ được đồng ý (dù ban điều hành có thể bị thay đổi) tiếp tục tồn tại với kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh, đương nhiên sẽ bao gồm các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.
Mặc dù không có báo cáo tài chính những kỳ gần đây, rất có thể DVD đã gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền, trong bối cảnh doanh thu sụt giảm và gánh nặng nợ vay đến hạn.
Với sự sứt mẻ về uy tín sau vụ việc thao túng giá cổ phiếu và hàng loạt nhân sự cấp cao bị khởi tố, có vẻ như việc khôi phục lại hoạt động kinh doanh, cải thiện doanh thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất có thể DVD cũng đã cố gắng thực hiện điều này trong thời gian qua và chưa thấy kết quả như mong đợi.
Vào tháng 3/2011, DVD đã từng công bố phương án bán tài sản (sau đó thuê lại đối với nhà máy) để trả bớt các khoản nợ. Tuy vậy, chủ nợ là ngân hàng ANZ vẫn nộp đơn xin mở thủ tục phá sản chứng tỏ việc bán tài sản đã không thể thực hiện.
Cơ hội lúc này có thể trông cậy vào các “hiệp sĩ trắng” (white knight), là những người trợ giúp nguồn vốn trong các hoàn cảnh ngặt nghèo. Các “hiệp sĩ trắng” có thể tham gia tài trợ bằng nợ hoặc vốn cổ phần.
Câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng có dám cho DVD vay thêm trong hoàn cảnh hiện nay của doanh nghiệp và điều kiện tín dụng thắt chặt mạnh mẽ như hiện tại? Hay có khả năng nào các chủ nợ hiện tại sẽ chuyển nợ thành vốn góp cổ phần và đồng hành cùng doanh nghiệp?
Việc mời gọi cổ đông “hiệp sĩ trắng” cũng là một phương thức, nhưng khả năng còn lại khá hạn hẹp.
Thực ra cho dù uy tín đã giảm sút thì DVD vẫn còn tài sản rất đáng giá là các nhà máy sản xuất, và trong chừng mực nào đó là các bản quyền, bằng sáng chế và bí quyết sản xuất dược phẩm. Những điểm này có thể hấp dẫn người mua trong cùng ngành dược (industry buyers).
Sẽ là may mắn hơn đối với DVD nếu thị trường bất động sản sớm phục hồi và có cơ hội bán đi các bất động sản đang sở hữu để trang trải dòng tiền, mà vẫn giữ được hoạt động sản xuất chính.
Như Lan



Xem bài viết: Cơ hội nào để DVD không bị phá sản?