Tác giả: Quân Nguyễn


Trước thềm Hội nghị Jackson Hole

Ngày 25-27/8 tới đây, Hội nghị Kinh tế hàng năm Jackson Hole sẽ diễn ra tại thành phố Kansas, Mỹ, nơi mà đại diện các ngân hàng trung uơng, các bộ trưởng tài chánh, học giả và các chuyên gia kinh tế toàn cầu sẽ nhóm họp để bàn về tình hình kinh tế chung, đồng thời đề ra những chính sách và hướng đi phù hợp cho từng nền kinh tế. Tại hội nghị năm ngoái, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã làm bất ngờ những đại biểu có mặt taị hội nghị và các nhà đầu tư toàn cầu khi tuyên bố dự định cuả Fed về việc áp dụng chương trình nới lỏng định luợng (quantitative easing) lần 2 (QE2) đối với nền kinh tế. Mục đích của chương trình này là vực dậy nền kinh tế đang phục hồi yếu ớt sau cuộc suy thoái 2007-2008.

Sau 8 tháng được thực hiện (11/2010 – 6/2011), với những hiệu quả đem lại không như kỳ vọng, chương trình này bị xem là “sự thất bại về mặt định nghĩa” của ngân hàng trung ương Mỹ. Nay trước tình hình nợ công và sự ì ạch của nền kinh tế Mỹ, liệu ông Ben Bernanke có dự định tung ra một chương trình “nới lỏng định lượng” lần nữa hay không? Đó là câu hỏi mà các nhà đầu tư trên thế giới quan tâm hiện nay, trước thời điểm hội nghị diễn ra vào thứ Năm tới đây.

QE2: 8 tháng nhìn lại

Tháng 11/2010, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu chương trình QE2, hay “kế hoạch 600 tỷ dollar”, trong đó Fed sẽ tiến hành mua các Trái phiếu Kho bạc dài hạn của Mỹ trong thời hạn 8 tháng, chia đều từng tháng. Động thái này đồng nghĩa với việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế, đẩy lãi suất cơ bản vốn đã gần bằng 0% xuống thấp hơn, tạo cơ hội kích cầu. Bằng hình thức này, họ hy vọng khi một lượng tiền nhiều hơn được lưu thông trong nền kinh tế, người dân sẽ mạnh tay hơn trong việc chi tiêu, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hoá và giúp cho nền kinh tế bớt ì ạch. Đồng thời, thông tin về việc Fed mua lại các Trái phiếu Kho bạc dài hạn sẽ làm cho lãi suất của chúng xuống thấp, khiến cho việc đầu tư vào các loại Trái phiếu này trở nên kém hấp dẫn hơn so với hình thức đầu tư vào thị trường cổ phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đẩy lãi suất cơ bản xuống cũng tạo cơ hội để đẩy lãi suất cho vay xuống, hy vọng sẽ mang lại sự tăng cao trong nhu cầu đầu tư trong thị trường nội địa.

Hãy cùng điểm qua những tác động hiệu quả của QE2 đối với nền kinh tế Mỹ (từ Hội nghị Jackson Hole tháng 8 năm ngoái đến hết tháng 6/2011, thời điểm kết thúc của QE2):



1/ Lãi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ:

Lãi suất Trái phiếu Kho bạc thời hạn 10 năm giảm sau lời phát biểu của Ben Bernanke tại Hội nghị Jackson Hole năm ngoái, bắt đầu tăng trở lại khi QE2 chính thức bắt đầu vào tháng 11/2010, chạm đỉnh vào tháng 2/2011. Đà tăng được lý giải qua việc rời bỏ các loại Trái phiếu dài hạn của các nhà đầu tư khi họ chuyển sang các kênh đầu tư khác.


(Nguồn: US Department of the Treasury)

Sau khi chạm đỉnh, lãi suất của loại trái phiếu này theo chiều hướng giảm trong suốt khoảng thời gian còn lại của QE2. Các nhà đầu tư đã trở lại với kênh đầu tư này để tránh rủi ro, trước tình hình lạm phát ở châu Á và nhất là sau thời điểm thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào khoảng đầu tháng 3/2011.

2/ Chỉ số S&P 500:


(Nguồn: Bloomberg) Chỉ số cổ phiếu S&P 500 của Mỹ tăng gần 30% từ tháng 8/2010, thời điểm ông Bernanke tuyên bố dự định của Fed về QE2 tại Hội nghị Jackson Hole. Chỉ số này tăng đến đỉnh điểm vào tháng 4/2011. Đây là một hệ quả tích cực của QE2.

3/ Chỉ số US Dollar:

Như dự đoán, đồng dollar suy yếu sau thời điểm tháng 8/2010, mất gần 10% giá trị, chạm đáy vào đầu tháng 5/2011.





(Nguồn: Fxstreet.com)



Đây một trong những yếu tố dẫn đến sự chỉ trích QE2 từ các nền kinh tế khác. Họ chỉ trích ông Bernanke đã để đồng dollar mất giá quá sâu qua việc thực hiện QE2, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ đối với hàng hoá các nước khác giảm xuống và nguy cơ dẫn đến một cuộc “chiến tranh tiền tệ”. Hơn nữa, việc mất giá của đồng Mỹ sẽ dẫn đến vấn đề lạm phát và sự “lan truyền” lạm phát từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này sang các nền kinh tế khác. Vàng và dầu thô gián tiếp tăng giá do đồng Mỹ suy yếu, dẫn đến sự tăng giá trong thị trường hàng hóa và là một nhân tố quan trọng tạo nên tình hình lạm phát Châu Á trong từ đầu năm 2011.

Tuy nhiên, thực tế sau 8 tháng thực hiện QE2, theo số liệu xuất-nhập khẩu mới nhất từ Bereau of Economics thì nhập siêu của Mỹ đối với hàng hoá và dịch vụ theo từng quý không những giảm mà còn tăng lên, cụ thể quý 1/2011 lượng nhập siêu của Mỹ đã tăng 18.5% so với quý 4/2010.

Mặt khác, đồng dollar giảm giá đã dẫn đến sự chuyển hướng của các nhà đầu tư từ đồng dollar sang những hình thức đầu tư khác như cổ phiếu hoặc vào thị trường các nước đang phát triển. Theo thống kê của EEM ETF, chỉ số cổ phiếu các nước mới nổi ở châu Á nói chung tăng 24%, chạm đỉnh vào tháng 4/2011.

4/ Tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng:

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ thì từ giai đoạn cuối năm 2010 đến cuối tháng 6/2011, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm đáng kể từ 9.8% vào tháng 12/2010 còn 8.8% vào tháng 4/2011, nhưng sau đó tăng trở lại. Đây là hệ quả tích cực từ chương trình QE2 của Fed.
(Nguồn: Cục Thống kê Lao động Mỹ)



(Nguồn: Forbes)

5/ Tốc độ tăng trưởng GDP thực hàng năm:

Sau khi QE2 bắt đầu, tốc độ tăng trưởng GDP thực của Mỹ vẫn tiếp tục đà giảm sâu vào quý 1/2011 khi chỉ còn 0,4% / năm. Sang quý 2, con số này bật lên 1.3% / năm, tuy nhiên nếu so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Mỹ thì rõ ràng ta thấy QE2 về mặt định nghĩa đã không tạo ra được sự thay đổi rõ rệt trong sự tăng trưởng kinh tế như mong đợi.

Trong đó, lượng tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ của người dân – một trong những yếu tố mà QE2 nhắm đến và là một thành phần tất yếu trong tổng sản lượng nội địa – trong 8 tháng QE2 được thực hiện không những không tăng mà còn giảm sâu.




% Thay đổi trong lượng tiêu thụ hàng hóa thiết yếu và dịch vụ của người dân từng quý so với quý trước đó, đã loại bỏ yếu tố lạm phát



(Nguồn: Bureau of Economic )



Có thể thấy mặc dù một lượng tiền lớn đã được lưu thông trong nền kinh tế, nó vẫn không tạo được sự kích cầu trong dân chúng như mong đợi. Điều này còn thể hiện sự bi quan của người dân đối với nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn gần đây với tình hình công nợ của Mỹ và tình hình kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái lần hai.

Tình hình địa ốc cũng không mấy khả quan, nếu không muốn nói là ảm đạm. Mặc dù sau tháng 2/2011, lãi suất vay thế chấp 30 năm của các ngân hàng theo chiều hướng giảm của lãi suất Trái phiếu Kho bạc thời hạn 10 năm nhưng theo thống kê mới nhất của Cục Thống kê Mỹ thì số lượng nhà mới bán ra trong quý 2/2011 tăng lên không đáng kể so với quý 1/2011, tăng mạnh nhất ở loại nhà có mức giá $150,000 - $200,000 và nếu tính theo từng tháng thì từ tháng 4 đến cuối tháng 6, lượng nhà bán được mỗi tháng theo xu hướng giảm. Nếu so với lượng nhà mới bán quý 2,3/2009, lúc mà lãi suất vay thế chấp vẫn còn trên 5% / năm thì lượng nhà bán trong quý 2/2011 thấp hơn đến 15%.

QE3: có nên hay không?

“To QE or not to QE”, nhại theo lời mở đầu vở kịch Hamlet “To be or not to be” của Shakespeare, là câu hỏi lớn đặt ra từ các nhà đầu tư thế giới trước thềm Hội nghị Jackson Hole năm nay. Sau thời điểm kết thúc chương trình “nới lỏng định lượng” lần 2 của Fed, tình hình kinh tế Mỹ vẫn không mấy khởi sắc hơn. Nếu xét về mục tiêu cuối cùng của QE2 là kích cầu kinh tế thì về định nghĩa, chương trình này là một sự thất bại của ông Ben Bernanke. Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của nó trong việc thúc đẩy việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống đáng kể.

Theo CNNMoney, trong một bài thu thập ý kiến từ 16 nhà kinh tế học hàng đầu, 12 người trong số họ tin rằng ông Bernanke sẽ không đề xuất gói “nới lỏng định lượng” thứ 3 (QE3) tại Hội nghị sắp tới, mặc dù nhiều nhà đầu tư trong thị trường tin rằng ông ta sẽ làm như vậy. Một vài đề xuất được đề ra từ các nhà kinh tế học: thứ nhất, FED có thể hạ lãi suất chi trả trên lượng tiền dự trữ dư thừa của các ngân hàng, điều này sẽ tạo động lực cho vay những khoản tiền thừa ấy ra thị trường từ các ngân hàng, hơn là giữ những khoản tiền ấy và nhận tiền lãi từ Fed. Đề xuất thứ hai là chuyển từ việc mua các Trái phiếu Kho bạc sang Trái phiếu Chính phủ dài hạn.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc thúc đẩy tăng trưởng là việc của Quốc hội Mỹ với chính sách Tài khóa chứ không phải bổn phận của Fed. Bên cạnh những rủi ro về mặt kinh tế, một số chuyên gia lo cho uy tín của Fed nếu ông Bernanke đề ra QE3 vào hội nghị tới, nhất là khi đã có 3 ngân hàng ở 3 quận bỏ phiếu chống với bài phát biểu của Fed trong việc Fed muốn giữ lãi suất ở mức thấp cho đến giữa năm 2013.

Thị trường mong đợi gì từ QE3

Thị trường chứng khoán Mỹ rất hy vọng Fed sẽ đề ra gói kích cầu thứ 3 vì quyết định này đồng nghiã với các chỉ số chứng khoán một lần nưã sẽ được đẩy lên cao. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại nếu bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ dẫn đến những hệ quả gián tiếp như đẩy các loại hàng hóa tăng cao như giá dầu và thực phẩm.

Đối với thị trường kim loại, việc Fed xúc tiến kế hoạch QE3 sẽ lại đẩy giá vàng vào một đà tăng mới khi đồng dollar mất giá. Tính từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng hơn 30% giá trị, đạt đỉnh mới nhất trên $1,900/ounce, sau đó chịu áp lực chốt lời và hiện giao dịch lừng khừng ở biên độ $1,840 - $1,855/ounce vào thời điểm bài này được viết.

Thị trường châu Á cũng khá mong đợi QE3 từ ông Bernanke, vì điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư rời đồng dollar và tìm kiếm các kênh đầu tư khác, trong đó có việc đầu tư vào thị trường các nước đang phát triển, tuy nhiên mối lo ngại lạm phát vẫn còn đó.