-------------------------
Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 24/08/2011
Blog: http://hoangthachlan.wordpress.com/

--------------------------

(Xin nói trước rằng cách đặt tựa nói trên là do tui đang học lỏm cách câu khách của mấy tờ báo online nổi tiếng, chứ tui không có ý quy nạp như kiểu toán học cho tất cả cty NY)

Gần đây chuyện chênh lệch giữa BCTC do doanh nghiệp công bố với báo cáo soát xét của kiểm toán lại dấy lên thành chuyện. Ngoại trừ 1 số ít ban đầu báo lỗ, sau báo lãi, còn đa phần là ban đầu lãi nhiều sau lãi ít. Theo sự tưởng tượng của tui thì NĐT ban đầu hớn hở, vui mừng vì khó khăn vậy mà doanh nghiệp vẫn lãi lớn, thậm chí có thể mua thêm cp, nhưng sau chừng 1 tháng thì lại đâm ra hẫng, thậm chí tức vì có cảm giác giống như bị lừa. Tui chỉ dám nói là tưởng tượng, vì tui không thể lấy thống kê có bao nhiêu NĐT tức vì bị lừa như vậy, thậm chí nếu tui có nêu cái chuyện thằng bạn thân của tui ở HN văng mạng vào SG cho tui nghe mấy câu đại loại như “tại sao lại có chuyện báo cáo dỏm đến trước, báo cáo xịn ra sau khác nhau đến thế mà không có ai xử vậy”, “kiện bỏ mẹ mấy thằng DN báo cáo láo ấy đi” hay “chúng nó thừa biết sai mà vẫn lách chứ lỗ liếc gì”… thì cũng không đủ số dư để lấy mẫu.


Cũng vẫn thằng bạn tui kể ở trên, nó lập luận chắc như đinh đóng cột rằng: thứ nhất, chủ doanh nghiệp và đặc biệt kế toán trưởng luôn là những người đầu tiên và biết chính xác nhất tình trạng của cty mình, cũng như nắm rõ các quy tắc định khoản và chuẩn mực kế toán, do đó không thể thường xuyên sơ suất như vậy được; thứ hai, việc điều chỉnh các bút toán kế toán để làm đẹp BCTC không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không phải do hệ thống kế toán của xứ mình nó vậy, mà phải có chủ ý thì mới làm; thứ ba, kế toán và kiểm toán cùng 1 lò đào tạo mà ra, 2 người cùng lập 1 cái báo cáo thì sai số vài % lẻ còn chấp nhận được, chứ không có lý gì mà dẫn tới chênh lệch lớn hàng mấy chục % như các trường hợp VES, VHG, TAC… được. Tui không phải dân kế-kiểm nên tui cũng chả biết nói gì hơn, chỉ có cảm giác là nó nói rất có lý. Nếu thực sự doanh nghiệp có ý đồ cọ quẹt BCTC, nhà nước phải có cách xử lý, chế tài.


Báo ĐTCK sáng nay (đến giờ chưa thấy link) có đăng phát biểu của 2 gương mặt nổi tiếng trong ngành chứng (trên trang 14) là bác Huy Phó tổng của TLS và bác Chí của Trường Kinh tế HCM (nhưng cũng hay có ý kiến về chứng), mà tui đọc xong thì thấy… có nhu cầu viết blog này. Trước hết, phải cám ơn ý kiến của hai bác đó, vì tui luôn ủng hộ những người thích… hiến kế. Thêm nữa là chuyện vênh số liệu này đã diễn ra từ lâu, nhưng mọi giải trình hầu như chỉ là sơ suất, lỗi… xong rồi thôi, cái trò mèo này đến nay vẫn chưa có nơi nào đứng ra chấn chỉnh, NĐT bức xúc lắm rồi, báo chí nói mãi rồi thì cũng phải có người nêu cách xử lý chứ.


Ở bài viết trên, bác Huy đề xuất thay vì doanh nghiệp gửi BCTC của riêng mình rồi sau đó lại 1 báo cáo nữa của bên kiểm toán thì thì “hợp nhất” luôn, tức là chỉ gửi 1 lần là cái báo cáo có chữ ký kiểm toán (nghe rất thẳng), còn bác Chí thì đề xuất là “cơ quan quản lý cần có giải pháp cũng như chế tài” (nghe hơi chung chung). Tui thấy ý kiến của bác Huy rất thực tế, nhưng ngẫm lại thì lại có vẻ vướng mấy vấn đề xin thưa ra ở đây:


Một, tui cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp luôn biết kết quả kinh doanh của cty mình từ rất sớm và trước người khác, thậm chí trong thời đại tin học này thì họ còn biết ngay khi vừa kết thúc kỳ báo cáo là tháng chứ đừng nói là quý hay nửa năm, trong khi kiểm toán thì thường vào cuộc chậm hơn, làm việc mất thời gian hơn. Ngoài ra, đã là báo cáo dành cho lãnh đạo, đố nhân viên nào dám vẽ vời, cho nên tui ủng hộ chuyện sớm công bố những gì họ biết đến các cổ đông khác cho công bằng. Nói ngắn gọn là không nên chậm trễ công bố thông tin, đặc biệt nên từ chối những kiểu lý do xin hoãn, xin gia hạn.


Hai, theo tui hiểu thì kiểm toán thường tập trung xử lý trên báo cáo hợp nhất nếu cty có nhiều cty con, cty liên kết (tất nhiên cũng có soi trên báo cáo cty mẹ). Giữa báo cáo của cty mẹ và báo cáo hợp nhất luôn có sự khác biệt, thậm chí có thể cty mẹ lỗ nhưng đến khi hợp nhất lại lãi (và ngược lại). Đã có lúc tui cũng cho rằng như thế thì doanh nghiệp cần gì phải công bố báo cáo của cty mẹ, cứ hợp nhất luôn thể, nhưng 1 anh bạn bên quỹ nói rằng không nên nghĩ như thế. Từ góc độ cổ đông hay NĐT, báo cáo nào cũng quan trọng… nói chung có thể hiểu giống như là NĐT ngoài việc biết cty lãi bao nhiêu tiền thì còn muốn biết lãi từ những mảng gì, từ sản phẩm nào. Như thế thì kiểu gì cty mẹ cũng vẫn phải công bố báo cáo của chính mình.


Ba, trước đây tui từng phán bừa rằng việc soát xét bán niên là giải pháp bất đắc dĩ khi mà số cty NY công bố sai lệch BCTC quý ngày càng nhiều (tui nhớ là những năm “xa xưa” thì ít hơn hẳn), và nếu tình trạng ” lỡ sai thì cứ… giải trình là xong” tiếp diễn hoài thì chắc phải soát xét từng quý mất. Quá mất công mà NĐT chưa chắc còn đủ niềm tin vào cty NY. Do đó thay vì tìm cách “ỷ lại” vào kiểm toán, tại sao không tìm biện pháp để dẹp cái nạn “báo cáo dỏm” này đi?


Tóm lại đối với chuyện này, với tư cách phó thường dân thì tui có góp ý rằng các bác quản lý nên rắn hơn đối với những sai phạm, kể cả là sai sót. Nên có chế tài quy ra tiền. Nên từ chối những lý do gia hạn nộp trễ, nộp chậm. Cty càng lớn, càng nhiều cty con cty cháu thì càng phải đầu tư cho hệ thống kế toán đủ sức tổng hợp số liệu để tuân thủ thời hạn công bố BCTC. Nên ngừng việc cho phép chủ doanh nghiệp và những người có khả năng tiếp cận thông tin nội bộ được mua bán cp trong thời hạn lập và công bố BCTC, có mua bán gì thì làm ơn đăng ký và GD trước các ngày 31/3, 30/6, 30/9 và 31/12, hoặc chờ đến khi công bố báo cáo đi (báo cáo quý cũng chỉ có 25 ngày thôi mà). Các Sở nên có bảng phong thần những cty NY có truyền thống sai sót, thậm chí đưa vào dạng cảnh báo những cp của cty này… Những cty nào làm nghề bán báo cáo tín nhiệm cũng nên đánh tụt hạng những cty NY loại này (không biết cty CRV vừa rồi lập bảng xếp hạng tín nhiệm có tính đến chuyện này chưa)


Còn những giải pháp nào khác xin mời bạn…