Threaded View
-
25-08-2011 09:53 AM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Nhà đất ế, sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hàng loạt
Nhà đất ế, sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hàng loạt
Thị trường vắng khách, giao dịch thưa thớt, phần lớn các sàn giao dịch bất động sản được lập ra trên địa bàn Hà Nội trong vài năm trở lại đây đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.
Khảo sát mới nhất của VnEconomy về thị trường bất động sản Hà Nội cho thấy, hầu hết các phân khúc từ căn hộ chung cư, đất dự án, đất liền kề, biệt thự đều chững lại, tỷ lệ khách hàng có nhu cầu mua vào giảm rõ rệt so với hồi đầu năm.
Các sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương vốn tấp nập kẻ mua người bán giờ đều lâm cảnh đìu hiu.
Sàn đóng cửa hàng loạt
Giá đất dự án tại hầu hết các khu vực trên địa bàn Hà Nội hiện đang giảm mạnh, trong đó nhiều khu vực như Nam An Khánh, Vân Canh, Trung Văn... đều giảm từ 20 -25%. Do giá đất giảm mạnh, giao dịch thưa thớt nên phần lớn các sàn giao dịch bất động sản vốn tất bật, ăn nên làm ra trong vài năm nay bỗng trở nên vắng hoe, nhân viên được cho nghỉ việc hàng loạt.
Tại khu vực dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài – khu vực vốn được mệnh danh là “thiên đường của môi giới bất động sản”, nếu như đến tận cuối năm ngoái, nơi đây tập trung ngót dăm bảy chục sàn giao dịch, văn phòng môi giới nhà đất, thì nay, số đó cũng đã “rơi rụng” đi hơn nửa.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vạn Phúc trên đường Lê Văn Lương cho hay, chỉ cách đây vài tháng, khu vực xung quanh sàn của ông cũng có đến trên 10 sàn giao dịch bất động sản, thì nay chỉ còn lại 4 sàn và cũng không thèm cạnh tranh, giành giật gì với nhau nữa.
Theo ông, sở dĩ số ít các sàn giao dịch còn sống được đến thời điểm này là do hội tụ được hai yếu tố, một là có vốn dắt lưng kha khá và cùng với đó là có khá nhiều mối quan hệ bao gồm cả khách hàng gửi bán và khách nhờ mua. Còn nếu chỉ trông chờ vào khách vãng lai như thời gian trước thì các sàn này cũng đã đóng cửa từ lâu.
“Đến đầu năm nay, chúng tôi vẫn phải cạnh tranh với hàng chục sàn giao dịch mọc lên chỉ trên một đoạn đường ngắn chưa đầy một cây số. Thế nhưng, do thị trường tuột dốc, không ai mua bán gì nên hầu hết các sàn là “tân binh” đã phải tự đóng cửa vì không trụ nổi chi phí thuê mặt bằng, trả lương, điện nước... lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng”, đại diện một sàn giao dịch tại Dương Nội cho hay.
Ngay cả với những sàn giao dịch trụ lại được đến thời điểm này cũng gặp không ít khó khăn. Một phần do khách hàng nhờ mua, bán giảm mạnh, nguồn thu từ phí môi giới cũng giảm rõ rệt nên chi phí trang trải cho hoạt động cả sàn cũng eo hẹp hơn.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là do thị trường khó khăn, trong khi hầu hết các hàng hóa được gửi phần lớn lại là đất liền kề, đất biệt thự hay chung cư cao cấp nên giá thường không dưới 3 tỷ đồng. Do vậy, để có nguồn sống, hầu hết các sàn bất động sản đang hoạt động hiện nay đều phải tự đi tìm những nguồn hàng phù hợp với nhu cầu của khách, trong đó phần đa là căn hộ dưới 1,5 tỷ đồng, đất thổ cư dưới 2 tỷ đồng.
Cũng theo đại diện sàn giao dịch Phú Thịnh, do khách hàng thưa vắng nên nếu như trước đây mỗi một khách hàng có nhu cầu xem nhà, đất thì phải nộp từ 500 – 1 triệu đồng tiền phí thì nay khoản đó đã được hầu hết các sàn miễn cho khách hàng.
Ngay cả quy định thu phí môi giới 2% nếu giao dịch thành công như trước đây, thì giờ cũng không ai dám áp dụng mà tất cả đều trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên.
Nhà giàu cũng “thắt lưng buộc bụng"
Thị trường trầm lắng khiến không chỉ các sàn giao dịch, văn phòng nhà đất bị ảnh hưởng mà ngay các công ty môi giới, tiếp thị “ngoại” cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng là các chủ đầu tư cắt giảm chi phí tiếp thị, quản lý dự án.
Để tiết kiệm chi phí, không ít chủ đầu tư dự án đã chọn cách tìm nhà phân phối tiếp thị dự án trong nước thay vì những tên tuổi “ngoại” như trước kia.
Lý giải điều này, chủ đầu tư dự án Indochina cho biết “ không chỉ vấn đề kinh phí mà việc lựa chọn đối tác phân phối và tiếp thị nội là một hướng đi không mới, tuy nhiên sẽ là giải pháp khả thi hơn trong bối cảnh thị trường trầm lắng, do đòi hỏi việc tiếp cận thị trường bất động sản cần sâu sắc và thực tế hơn thì càng cần tiếp thị theo kiểu “mối quan hệ” và am hiểu văn hóa tiêu dùng là điểm mạnh của các công ty tiếp thị Việt”
Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu mà chủ đầu tư đã chọn nhà tiếp thị trong nước thay vì chọn tư vấn ngoại như trước đây, chẳng hạn như Công ty Hưng Gia Việt đã có được hợp đồng tiếp thị và phân phối độc quyền dự án PetroVietnam Green House; Công ty Xây dựng địa ốc Đất Ngọc cũng có được quyền phân phối dự án Green Hills Apartment hay Tập đoàn Bất động sản Thế Kỷ đã giành được quyền tiếp thị Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Lilama tại 52 Lĩnh Nam, Hà Nội…
Đáng chú ý, mới đây Công ty Cổ phần bất động sản Tấc Vàng đã giành được hợp đồng tiếp thị và phân phối căn hộ tại dự án khá đình đám là tòa nhà Indochina Plaza Hanoi tọa lạc tại 239 Xuân Thủy, Hà Nội, sau một thời gian dài Indochina Land chỉ toàn “chơi” với đối tác ngoại trong khâu tiếp thị, phân phối sản phẩm.
Theo ông Khuất Tuấn Dương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Tấc Vàng, thị trường trầm lắng, các chủ đầu tư gặp khó là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp thị nội tiếp cận được với các dự án tên tuổi vốn một thời chỉ thuộc về các doanh nghiệp có tiếng của nước ngoài.
Tuy nhiên, để có được hợp đồng tiếp thị dự án, đặc biệt là các dự án lớn không phải là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi các doanh nghiệp nội ngoài việc phải có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp thì phải biết khai thác triệt để lợi thế am hiểu thị trường địa phương cũng như tập quán, thói quen và thị hiếu của khách hàng.
Không chỉ là hợp tác với doanh nghiệp tiếp thị nội nhằm tiết kiệm chi phí, không ít dự án tên tuổi ở Hà Nội hiện nay như Tòa nhà Xanh 40 tầng tại Mỹ Đình của Viglacera, dự án Star City của Tập đoàn Đại Dương, khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường, nhiều dự án bất động sản của Archi Land Việt Nam cũng được các doanh nghiệp này tự tay bán hàng.
Theo đại diện chủ dự án Hoàng Đồng Lạng Sơn (vốn đầu tư 2 tỷ USD), việc lựa chọn doanh nghiệp tiếp thị nước ngoài chỉ là bất đắc dĩ, tức là khi mà doanh nghiệp Việt không thể đảm nhận được.
Cũng theo vị này, trong bối cảnh hiện nay, khi mà thông tin, công nghệ và kiến thức đã gần như quốc tế hóa, thì các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận được việc này. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp này lại chọn một công ty trong nước tiếp thị cho dự án trên và cả một số dự án khác nữa.
Bởi lẽ, theo quan điểm của không ít doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, tính hiệu quả và lợi nhuận lên trên hết và việc chọn doanh nghiệp nội tiếp thị cho dự án của mình là một trong những cách mà chủ đầu tư phải tính đến nhằm “thắt lưng buộc bụng” trong những thời điểm khó khăn.
Bảo Anh
tbktvn
Xem bài viết: Nhà đất ế, sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hàng loạt
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Bookmarks