Đình đốn sản xuất, tháo gỡ làm sao?
Nghị quyết 11/NĐ-CP đã bước sang tháng thứ 8 và những mục tiêu cơ bản như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã thu được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, phía sau một số thành quả ít ỏi đó là những con số đáng lo ngại. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 6 tháng đầu năm, có tới 3.000 doanh nghiệp tuyên bố ngừng hoạt động, mà thực chất là phá sản, và khảo sát 400 doanh nghiệp thì phần lớn các báo cáo tài chính là dự kiến lỗ thay vì lãi.
Nền kinh tế đang có nguy cơ vừa đình đốn sản xuất vừa lạm phát trì trệ.
Đặc biệt, có tới 2/3 trong số 136 mặt hàng tồn kho cao hơn cùng kỳ: đồ gỗ tồn kho 92,4%; đồ uống không cồn: 84,4%; cáp và dây điện: 73,5%; sản xuất bia: 71,6%; giày dép: 40%; sợi và dệt vải: 34%.
Ngoài ra, chi phí lãi vay quá cao (trên 22%/năm), cung tín dụng bị giới hạn đột ngột, giá xăng dầu tăng gần như đồng thời với quyết định tăng lương tối thiểu đã làm đội giá thành sản xuất trong khi giá bán không tăng tương ứng do sức mua giảm sút.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Chính phủ không kịp thời tháo gỡ ách tắc trong điều hành chính sách tiền tệ, giảm quy mô tài khóa, khôi phục lại thị trường vốn, tăng sức mua... thì nền kinh tế đang có nguy cơ vừa đình đốn sản xuất vừa lạm phát trì trệ. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề trên.
“Chúng tôi đang lắng nghe”
Ông Phạm Quang Lực, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương ****
“Trong phiên họp thường kỳ ngày 24/7, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó vẫn khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết 11.
Tuy nhiên, việc bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cũng bộc lộ những khó khăn, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ. Chẳng hạn: tín dụng tăng thấp, khả năng cung ứng vốn của ngân hàng hạn chế, lãi vay cao...
Bởi vậy, chúng tôi đang muốn nghe những ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, tác động của chính sách tới hoạt động sản xuất kinh doanh như lãi suất, tỷ giá.
Trong tháng 10/2011, Hội nghị Trung ương 3 sẽ họp bàn về vấn đề kinh tế xã hội 2011 và phương hướng 2012 và phương hướng hoạt động kinh tế xã hội 5 năm tới. Chúng tôi sẽ tổng hợp những ý kiến hợp lý để trình lên các vị lãnh đạo **** và Nhà nước”.
“Muốn tăng tín dụng đâu có dễ”
Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước
“Gần đây, lãi suất có xu hướng giảm, thanh khoản của tổ chức tín dụng mấy tháng ổn định. Huy động vốn trước đây giảm nhưng trong tháng 7/2011, tăng 6,93%, gần bằng mức tăng dư nợ tín dụng là 7,57%. Đó là những kết quả bước đầu của thực hiện Nghị quyết 11.
Tuy nhiên, hiện rất nhiều khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm, kể năm 2012. Chính phủ vừa có Chỉ thị số 922 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng: chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt, khác với Nghị quyết 11 là chỉ thị này có thêm từ “linh hoạt”; còn điều hành chính sách tài khóa là thắt chặt.
Hiện tại, mức tăng tín dụng toàn ngành hết tháng 7 mới chỉ đạt 7,6% và trong 4 tháng nữa, giới hạn tăng còn rất lớn (12,4%) vì thế, chí ít, mức tăng tín dụng năm nay cũng phải đạt từ 17% - 19% thì nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh mới đáp ứng ở một chừng mực nào đó, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, dư địa tăng thì còn nhiều nhưng thời gian thực hiện lại rất ngắn.
Qua theo dõi các ngân hàng và quá trình tổng hợp số liệu chúng tôi thấy tăng trưởng tín dụng hiện nay đang bộc lộ một số vấn đề. Nổi lên trong đó là mức tăng tín dụng ở từng ngân hàng, cơ cấu tăng tín dụng không đồng đều. Có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, bao gồm BIDV, VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), Agribank, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chiếm khoảng 55% thị phần tín dụng toàn hệ thống, có mức tăng rất thấp.
Agribank là ngân hàng lớn nhất hệ thống chỉ có mức tăng âm 0,35%, BIDV chỉ tăng hơn 2%, cao nhất là Vietcombank cũng chỉ tăng 11% còn lại 2 ngân hàng khác cũng có mức tăng rất thấp. Cho đến nay, nguyên nhân của thực tế này vẫn chưa được xác định rõ ràng: vì thiếu vốn, vì sản xuất không hấp thụ được hay vì lý do nào khác?
Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng thì hầu hết đều có mức tăng tín dụng kịch trần 20% hoặc một số đã vượt trần.
Thứ hai là vấn đề về cơ cấu tăng. Nghị quyết 11 yêu cầu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dưới 20% và tín dụng phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) đến 30/6 là 22%, đến 31/12/2011 là dưới 16% để tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều hết hoặc vượt giới hạn cho vay phi sản xuất. Tân Thống đốc cũng yêu cầu là tín dụng từ nay đến cuối năm phải tập trung vào 5 ngân hàng lớn này.
Vì thế, hiện nay phải tìm nguyên nhân vì sao tín dụng của mấy ngân hàng lớn thì không thể tăng trong khi tín dụng ngân hàng nhỏ lại tăng rất mạnh, thậm chí còn muốn tăng thêm. Đã có không ít ngân hàng cổ phần đánh tiếng rằng, nếu các ngân hàng lớn không tăng được thì để chỉ tiêu đó cho chúng tôi thì mới đạt được chỉ tiêu chung là dưới 20%”.
“Nên chết dần, đừng chết ngay lập tức...”
Bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
“Trong 6 tháng vừa qua, có 3.000 doanh nghiệp tuyên bố ngừng hoạt động và giải thể. Nhiều người cho rằng, đó là con số doanh nghiệp bị phá sản nhưng vì trong điều kiện hiện nay, khái niệm này tương đối nhạy cảm nên ít người coi đó là phá sản chăng?
Qua khảo sát của VCCI, trong 7 tháng qua, phần lớn các doanh nghiệp lớn đều hoạt động cầm chừng. Họ nói rằng, “nên chết dần, đừng chết ngay lập tức”, nên cố gắng cầm cự. Và thay vì tính số lãi theo phân kỳ thì họ lại làm ngược: đến tháng 8, 9, 10... dự kiến lỗ bằng này, bằng kia nếu thị trường và chính sách không thay đổi.
VCCI khảo sát 400 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp lớn chiếm 70%, họ phản ánh rằng: chính sách điều hành vừa giật cục, vừa tác động khó khăn ngay trong cùng một thời điểm. Ví dụ, xăng, dầu, đều tăng giá gần như cùng thời điểm, cùng đó, từ 1/5/2011 lại tăng lương tối thiểu chưa kể từ nay đến cuối năm lại dự kiến tăng tiếp. Tính toán của doanh nghiệp cho thấy, chi phí lương đã tăng lên 40%.
Điều này góp phần làm tăng chi phí đầu vào, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, cộng với lạm phát tăng cao đã phát sinh xung đột quyền lợi giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến gia tăng các vụ đình công trong thời gian gần đây, nhất là ở các khu công nghiệp. Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm đã có 35 cuộc đình công.
Một bức xúc nữa đối với doanh nghiệp hiện nay là khó khăn tiêu thụ sản phẩm. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê thì có tới 2/3 trong số 136 mặt hàng có lượng tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Xuất phát từ thực tế này, VCCI kiến nghị, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu, lương phải thích hợp và có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị, tránh gây sốc chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ hai, cần rà soát làm rõ khái niệm thế nào là “phi sản xuất”, “bất động sản”, không nên cào để tránh các doanh nghiệp liên quan nhiều đến sản xuất lại bị ngưng cấp tín dụng vì bị xếp vào nhóm “bất động sản”.
Thứ ba, chương trình “bình ổn giá” hiện nay chủ yếu tác động tới khu vực hệ thống phân phối có siêu thị chứ chưa liên quan nhiều đến các khâu trong quá trình chế biến, phân phối đầu ra nên không tác động tích cực đến tất cả các doanh nghiệp.
Thứ tư, cần triển khai nhanh các chương trình tín dụng, kể cả chương trình tín dụng vay ODA cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, vừa rồi Nhà nước có Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng quỹ này chỉ giải quyết được một phần chứ không thể thay thế hết được các vấn đề khác như tài sản đảm bảo hay tín nhiệm doanh nghiệp. Vì thế, phải đẩy nhanh hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp một cách độc lập để doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.
Cuối cùng là chính sách hỗ trợ kỹ thuật. Trước đây, nhà nước vẫn quen cách làm hỗ trợ doanh nghiệp bằng thuế nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ vì nhiều doanh nghiệp cho rằng “có lãi đâu mà giảm thuế”. Bởi vậy, cần thay đổi cách làm bằng cách hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp lớn, để họ làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ”.
“Lãi vay 10%/năm thì mới sống được”
Ông Dương Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)
“Nghị quyết 11 bước đầu thu được những kết quả tốt nhưng phía sau đó là những bất cập trong chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ.
Tôi thấy, từ trước tới nay, nhiều người nghĩ là cho vay nhiều mới sinh ra lạm phát, hoặc cho vay nhiều rồi doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tôi nghĩ chưa hẳn đã phải vậy mà là do cái gốc của vấn đề là sản xuất không hiệu quả.
Từ đó, mới nảy sinh ra mất cân đối quan hệ tiền - hàng, thiếu việc làm, giảm tăng trưởng. Còn lạm phát thì nước nào cũng lạm phát, chu kỳ phát triển nào cũng có lạm phát chỉ có điều mức độ như thế nào.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang trong tình trạng vô cùng khó khăn về vốn, thị trường. Vừa qua, nhà nước chủ trương thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát nhưng thắt chặt như thế nào, độ dài đến đâu cho phù hợp thì đấy mới là thông minh và linh hoạt, chứ không phải thắt chặt là giải pháp duy nhất.
Theo tôi, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước không tham mưu cho Chính phủ có chính sách tiền tệ hợp lý mà cứ “thít” như một số ý kiến gần đây thì doanh nghiệp sẽ chết ngay. Việc này phải triển khai ngay từ tháng 9 tới chứ không đợi đến cuối năm thì hy vọng một số chỉ tiêu quan trọng như mục tiêu GDP mới hoàn thành, việc làm được tạo thêm. Lãi suất vay ở mức nào thì phải còn tùy thuộc tình hình nhưng tôi cho rằng ở mức phổ biến 13%/năm, còn với doanh nghiệp như chúng tôi cỡ dưới 10% thì mới mong sống được.
Thứ hai, chính sách tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách tỷ giá tương đối ổn định, sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước phải nằm trong sự tính toán của doanh nghiệp, chứ nếu doanh nghiệp không tính được thì rất khó. Hàng hải là ngành sử dụng nhiều ngoại tệ, do tỷ giá biến động bất thường nên chúng tôi bị lỗ là do tỷ giá chứ không phải do không biết làm ăn.
Thứ ba, mặc dù Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát nhằm giảm giá đầu vào cho doanh nghiệp nhưng thời gian qua, với mức độ chi phí sản xuất cao do lạm phát như hiện nay thì doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao. Vì thế, chính sách quản lý giá và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất sản phẩm, nhu yếu phẩm phải đồng hành với nhau.
Thứ tư, trong lúc này, chính sách thuế cần phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, ngành thuế đang thu thuế của cả đội tàu của chúng tôi chỉ hoạt động ở nước ngoài, không dính gì đến hoạt động trong nước là không được. Điều đó chỉ làm tăng chi phí và giảm hiệu quả của doanh nghiệp mà thôi. Các nước cũng chẳng ai thu thứ thuế ấy”.
“Muốn vay, nhưng vay ở đâu?”
Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
“Là tập đoàn sử dụng nhiều lao động, năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 13 tỷ USD và mức tăng trưởng khoảng 40%.
Hiện tại, chúng tôi đang chịu đựng một tổn thất khá lớn tương đương 1.000 tỷ đồng do phải tăng tiền lương cho người lao động. Trong một điều kiện lạm phát như thế này, để công nhân đi chợ có thể mua được cái gì đó để ăn thay vì không biết mua gì thì chúng tôi phải hành động như vậy. Hơn nữa, đó còn là tấm gương trách nhiệm an sinh xã hội của một tập đoàn kinh tế lớn để các doanh nghiệp khác noi theo. Một tổn thất khác là chi phí đầu vào rất lớn, ước trên 1.000 tỷ đồng.
Khó khăn là vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm và tin rằng, Chính phủ sẽ thay đổi chính sách điều hành sao đó để doanh nghiệp trụ được, nền kinh tế phát triển và chỉ số tín nhiệm quốc gia không bị đánh tụt như hiện nay. Điều này làm cho các doanh nghiệp lớn như chúng tôi muốn tự phát hành trái phiếu quốc tế, hoặc nhờ Chính phủ bảo lãnh để phát hành cũng không được.
Một vấn đề khác là công tác dự báo. Một trong những thành công hiện nay của Vinatex là hoạt động dự báo, bao gồm dự báo quốc gia, dự báo thế giới. Từ đó, nếu không thu xếp được thị trường, dứt khoát chúng tôi không đầu tư. Nhờ đó, Vinatex chưa bao giờ “tung tăng đầu tư” và mở mắt ra không phải đếm tiền mang trả ngân hàng.
Còn đối với chính sách tiền tệ thắt chặt tiền tệ hiện nay, tôi chợt liên tưởng đến việc triệt sản nam giới: ông già cũng thắt, trẻ con cũng thắt, người mất khả năng sinh sản cũng thắt, thắt tất! Vì thế, đã ban hành chính sách thì phải có phân loại và chọn lọc.
Một đất nước muốn phát triển thì phải hướng ngoại để xuất khẩu. Tại sao chính sách tiền tệ không có một gói chính sách cho nhóm xuất khẩu? Trong đó có quan tâm đến xuất khẩu có tỷ lệ nội địa cao, chứ không phải tạm nhập tái xuất cũng được hưởng cơ chế này.
Tôi ví dụ, chúng tôi đã xây dựng hẳn một chiến lược phát triển ngành dệt may đến 2020; trong đó, đến 2015 thì đạt doanh số xuất khẩu 20 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% nhưng vốn đầu tư thì không có, phát hành thì chỉ số tín nhiệm quốc gia thấp không làm được.
Chúng tôi cũng chẳng hy vọng lãi suất VND tụt xuống 12% để vay mà sẵn sàng vay USD vì nếu thu xếp được thị trường thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư. Nhưng thử hỏi, vay ở đâu?”.
“Sức mua đã giảm sút rất nhiều”
Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái
“Sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số của Phú Thái giảm sút, buộc phải cắt bỏ bớt một số mặt hàng mà đáng lẽ, ở những năm trước, những mặt hàng này chúng tôi làm ăn rất tốt nhưng bây giờ không thể chịu được tăng giá đầu vào.
Lạm phát đã làm cho tỷ trọng chi phí lãi vay tăng khá lớn ngoài một số chi phí khác buộc phải tăng như: tiền lương tăng tới 25%. Giá đầu vào tăng trung bình 10% nhưng giá đầu ra chỉ tăng được 5%-7%.
Nhiều người cứ nghĩ, nhà phân phối “mua cao thì bán cao, lo gì” nhưng thực tế, sức mua hiện giảm rất nhiều. Từ việc sức mua giảm, doanh số bán hàng giảm nên tình trạng công nợ và tồn kho tăng, dẫn đến tình trạng anh nọ chiếm dụng vốn anh kia.
Chúng tôi cũng đề ra nhiều biện pháp như tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí và nhân đây, tôi xin kể câu chuyện. Khi xuống các đơn vị thành viên anh em tắt hết điện. Tôi hỏi vì sao thì họ trả lời, “tắt điện để tiết kiệm chi phí”. Vì thế, chiến lược hiện nay của chúng tôi chủ yếu là phòng thủ chứ đừng nói đến phát triển hay mở mang.
Chúng tôi kiến nghị: thứ nhất, kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng phải có lộ trình để doanh nghiệp thích ứng. Kèm theo đó là công tác dự báo phải cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt tình hình. Tôi thấy rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì thực hiện chậm nhưng việc “thắt”, “thít” thì rất nhanh.
Thứ hai, liên quan đến các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng tôi cho rằng cần mở rộng đối tượng. Khi nói đến doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn, cái chú trọng của chúng ta là tập trung vào doanh nghiệp nhỏ. Nhưng thực tế, sự tác động của chính sách tín dụng, lãi suất lại đang tác động vào cơ cấu đòn bẩy tài chính, đòn cân nợ chứ không tác động nhiều đến quy mô doanh nghiệp. Vậy thì có nên phân biệt lớn và nhỏ không? Trong khi doanh nghiệp lớn chỉ cần giảm một vài phần trăm thì bằng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ. Tôi nghĩ, chỉ chú ý tới “bông hoa nhỏ” thế này thì làm sao phát triển được?
Thứ ba, việc liệt tất cả dự án bất động sản vào tín dụng phi sản xuất để hạn chế cung ứng tín dụng đang gây không ít khó khăn cho chúng tôi. Hiện nay, Phú Thái đang triển khai nhiều trung tâm phân phối nằm trong hệ thống logistics mà lại liệt chúng vào bất động sản để không cho vay là điều không chấp nhận được.
Thứ tư, phải làm sao đó để mở rộng và kéo dài thời gian vay vốn, đồng thời hạ lãi suất vay”.
Nguyễn Hoài
tbktvn



Xem bài viết: Đình đốn sản xuất, tháo gỡ làm sao?