CTCK “thở phào” với Dự thảo margin mới
Các CTCK đã "thở phào" với Dự thảo Margin mới của UBCK bởi quy định đã không chỉ rộng cửa hơn cho CTCK trong triển khai margin, mà còn mang lại những tác động tích cực khác.
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố những nội dung thay đổi trong Dự thảo Quy chế Hướng dẫn về giao dịch ký quỹ (Quy chế margin) sắp được ban hành so với các bản dự thảo lần đầu, các CTCK đã "thở phào", bởi quy định đã không chỉ rộng cửa hơn cho CTCK trong triển khai margin, mà còn mang lại những tác động tích cực khác. ĐTCK ghi nhận ý kiến của các CTCK về vấn đề này.
“Tài chính CTCK minh bạch hơn”
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (HNX: APG)
So với các dự thảo trước, Quy chế margin mà UBCK sắp ban hành có nhiều bước tiến, trong đó, cơ quan quản lý đã tiếp thu nhiều kiến nghị, đề xuất của các thành viên thị trường. Nhờ đó mà theo UBCK, khi quy định margin có hiệu lực, số lượng CTCK đủ điều kiện cung cấp margin sẽ tăng hơn gấp đôi so với nếu thực hiện các điều kiện khắt khe mà dự thảo lần đầu đưa ra.
Ý nghĩa của triển khai margin không chỉ dừng lại ở cải thiện thanh khoản cho thị trường khi điều kiện thuận lợi, mà còn góp phần làm cho bức tranh tài chính của các CTCK minh bạch và dễ "đọc" hơn với NĐT. Cụ thể, khi chưa có quy định về margin, các CTCK hỗ trợ tài chính cho NĐT thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư (HĐHT). Do nghiệp vụ này chưa được cơ quan quản lý hướng dẫn, nên các CTCK không có cơ sở trích lập dự phòng các khoản nợ xấu nếu có. Nếu đơn vị nào trích lập, thì không được cơ quan thuế chấp nhận bởi việc trích lập không có cơ sở. Điều này có nghĩa là một phần của bức tranh tài chính đã không được thể hiện trên báo cáo tài chính, nên NĐT rất khó có thông tin về sức khoẻ tài chính thực của các CTCK. Tuy nhiên, hạn chế này sẽ được khắc phục khi Quy chế mới có hiệu lực, bởi khi đó, CTCK có cơ sở trích lập dự phòng các khoản nợ xấu nếu có, giúp bức tranh tài chính CTCK minh bạch hơn.
“Nên tạo thuận lợi cho CTCK xử lý HĐHT”
Ông Phạm Duy Hưng, Phó giám đốc khối dịch vụ chứng khoán, CTCK APEC (HNX: APS)
Thông điệp được cơ quan quản lý phát đi là cùng với thực hiện Quy chế margin, UBCK sẽ đưa ra giải pháp xử lý HĐHT mà các CTCK triển khi thời gian qua nhằm đảm bảo cho hoạt động cung cấp margin diễn ra minh bạch, công bằng. Đây cũng là điều các thành viên thị trường mong đợi, khi TTCK đang bước vào giai đoạn phát triển mới với đặc điểm nổi bật là "vũ khí" cạnh tranh của các CTCK dựa chính vào chất lượng dịch vụ và năng lực quản trị rủi ro.
Trước diễn biến bất lợi của TTCK như hiện tại, khiến hầu hết các CTCK đều bị thua lỗ, cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi cho các CTCK xử lý HĐHT nhằm giảm sức ép tăng thua lỗ cho các CTCK, cũng như tránh tác động tiêu cực lên thị trường. Theo đó, cần gia hạn khoảng thời gian hợp lý cho các CTCK xử lý HĐHT, chứ nếu bắt buộc giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn thì rất khó khăn cho CTCK. Lý do là, việc bán giải chấp gần như không thể trong bối cảnh thị trường mất thanh khoản hiện tại. Đó là chưa kể, giá hầu hết chứng khoán hiện quá thấp, nếu phải giải chấp trong thời gian ngắn, các CTCK đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn, trong khi TTCK phải chịu áp lực mất điểm.
“CTCK chủ động hơn trong đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT”
Ông Lê Thái Hưng, Phó Tổng giám đốc CTCK VICS (HNX: VIG)
Thay vì các Sở GDCK công bố danh sách chứng khoán được phép margin, thì Quy chế margin mà UBCK sắp ban hành đã đưa ra quy định các Sở GDCK chỉ công bố các chứng khoán không được margin dựa trên các thông tin lâu nay được công bố định kỳ, công khai trên TTCK như: báo cáo kiểm toán, báo cáo soát xét, chứng khoán bị các sở cảnh báo... Điều này có nghĩa là diện chứng khoán được phép margin nhiều hơn so với dự thảo ban đầu, giúp CTCK có nhiều lựa chọn hơn trong đưa ra danh sách chứng khoán được phép margin để đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT. Tuy nhiên, để hỗ trợ việc cung cấp margin của các CTCK thuận lợi, đòi hỏi các Sở GDCK phải thường xuyên cập nhật danh sách các chứng khoán không được phép margin, bởi đây là cơ sở để các CTCK điều chỉnh danh sách chứng khoán được phép margin khi có biến động nhằm tránh rủi ro cho NĐT cũng như CTCK.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, việc UBCK đưa ra tỷ lệ ký quỹ 70:30 là thể hiện sự thận trọng cần thiết, bởi lúc này, thị trường cần tạo lập sự ổn định và bền vững trước khi nghĩ tới kịch bản tăng trưởng.
Tuy nhiên, khi điều kiện thị trường cho phép, cũng như sức khoẻ tài chính, khả năng quản trị rủi ro của các CTCK tốt lên, thì UBCK nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ này để tăng thanh khoản cho thị trường.
Hữu Hoè thực hiện
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: CTCK “thở phào” với Dự thảo margin mới