-----------------------------
Blog: http://pgbankresearch.wordpress.com/
Thời gian đăng: 19/08/2011
-----------------------------

Ngày hôm qua, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một ngày sụt giảm mạnh của hầu hết các chỉ số chính, giá dầu thô trượt dài trong khi giá vàng tiếp tục phá kỷ lục mọi thời đại. Có rất nhiều nguyên nhân đã được các báo nói tới bao gồm các thông tin không lạc quan về kinh tế Mỹ, về nguồn vốn của các Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Tuy nhiên, điều mà khiến giới đầu tư, phân tích lo ngại hơn cả đó là các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng mới đang dần bắt đầu. Và nếu xảy ra, hậu quả mà nó để lại sẽ còn nặng nề hơn cuộc khủng hoảng trước đó rất nhiều.


Các dấu hiệu

Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã bắt đầu lan từ Mỹ và tới các quốc gia khác. Và bây giờ, các mầm mống của một cuộc suy thoái mới đã bắt đầu xuất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng mạnh trở lại ở mức 9,2% vào cuối tháng 6 và còn có thể tiếp tục tăng cao do không còn được hỗ trợ bởi các gói kích thích kinh tế. Sự sụt giảm của thị trường việc làm sẽ kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng nước này tiếp tục suy giảm. Thị trường nhà đất nhiều khả năng tiếp tục giảm tốc trong các tháng tới khi các báo cáo mới nhất cho thấy doanh số bán nhà đã qua sử dụng, doanh số bán nhà mới và giá nhà đều đang giảm mạnh. Sự đóng băng của thị trường bất động sản sẽ kéo theo nhiều khu vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng như tín dụng, đầu tư… Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đã sụt giảm đáng kể khi chỉ số phản ánh hoạt động của các nhà máy tại Philadelphia đã thu hẹp mạnh từ mức 3,2 điểm xuống còn -30,7 điểm. Ngoài ra, báo cáo mới công bố sáng nay cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 đã tăng gấp đôi dự đoán và cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Sự tăng cao của giá tiêu dùng sẽ là một nhân tố khác khiến người dân Mỹ sẽ chưa thể mạnh dạn chi tiêu.


Bên cạnh các nhân tố nội tại, Mỹ còn bị ảnh hưởng bởi nguy cơ khủng hoảng nợ từ Hy Lạp, sự chậm lại của các nền kinh tế khu vực Đồng tiền chung (GDP quý 2 của khu vực chỉ tăng 0,2% so với quý trước đó, ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 2 năm, trong đó, GDP của nền kinh tế đầu tàu là Đức cũng chỉ tăng 0,1%) và sự yếu đi của đồng USD. Sự yếu kém từ nội tại nền kinh tế kết hợp với các yếu tố bất lợi từ ngoài vào sẽ là một lực đẩy lớn đẩy nền kinh tế này vào trong suy thoái.


Nếu như trong năm 2009, cũng trong bối cảnh các hoạt động kinh tế giảm sút, Chính phủ Mỹ đã vào can thiệp, tạo tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua lãi suất thấp, cứu trợ ngân hàng và bơm tiền mặt vào nền kinh tế. Với 2 gói cứu trợ QE1 và QE2, Chính phủ Mỹ đã giúp nền kinh tế cải thiện và tăng trưởng trở lại, tránh được một cuộc suy thoái kép. Nhưng điều kiện hiện tại thì không còn dễ dàng như vậy nữa. Mỹ vừa đối mặt với việc phải cam kết thắt chặt chi tiêu để nâng được mức trần nợ công thêm 2,4 nghìn tỷ USD. Thêm vào đó, các hãng tín nhiệm đã cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm của nước này trong 6-12 tháng tới nếu Mỹ không thực hiện theo đúng kế hoạch cắt giảm đã đề ra. Bị bó hẹp bởi kế hoạch cắt giảm ngân sách và trong bối cảnh áp lực lạm phát đã tăng trở lại, Chính phủ nước này sẽ phải mất khá nhiều thời gian để cân nhắc biện pháp bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Mặt khác, cho dù trường hợp Mỹ tiếp tục bơm ra một gói hỗ trợ mới, giới phân tích vẫn tin rằng đó sẽ chỉ là một giải pháp ngắn hạn mà không thể đáp ứng được những vấn đề về dài hạn của nền kinh tế này.


Bên cạnh các chỉ báo về kinh tế, các thống kê lịch sử đã cho thấy Mỹ đang bước dần tới nguy cơ suy thoái. Theo thống kê từ năm 1947, cứ khi nào tốc độ tăng trưởng GDP của nước này (so với cùng kỳ năm trước đó) mà giảm xuống mức 2% thì thường sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái. Hiện tại, GDP quý 2/2011 của Mỹ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái mà trong bối cảnh chưa có yếu tố thuận lợi nào hỗ trợ, GDP của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà sụt giảm.


(Source: streettalklive.com)

Thêm vào đó, một chỉ báo khác là chỉ số EOCI (Chỉ số sản lượng kinh tế).



Chỉ số này tính trung bình cộng các chỉ số đo hoạt động sản xuất của Chicago, NewYork, Philadelphia, ISM… Theo thống kê lịch sử, chỉ số này giảm xuống mức 35 điểm thì nền kinh tế sẽ bước vào chu kỳ suy thoái. Tháng trước, chỉ số này đã đứng ở mức 35,99 điểm và chưa có con số thông báo chính thức về chỉ số này trong tháng 8. Tuy nhiên, việc chỉ số sản xuất tháng 8 của Philadelphia vừa công bố sáng nay giảm mạnh từ mức 3,2 điểm xuống còn -30,7 điểm thì khả năng chỉ số này sẽ giảm sâu dưới mức 35 điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.


(Source: streettalklive.com)

Kết lại

Có thể nhiều người vẫn sẽ nói còn quá sớm để nói về một cuộc suy thoái mới, một cuộc khủng hoảng mới, thậm chí, vấn đề này là vấn đề của Mỹ. Nhưng một khi nó xảy ra, hậu quả nó để lại sẽ có thể còn nặng nề hơn những gì cuộc khủng hoảng năm 2008 mang lại. Vì hiện tại, những phao cứu sinh của kinh tế toàn cầu đã gần cạn kiệt, theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một thời kỳ suy thoái kéo dài và rất lâu để có thể hồi phục trở lại.


Chốt lại, tiếp tục mua vàng thôi!