Điểm bất thường trong diễn biến của VN-Index
Nhìn đà tăng của VN-Index, ai cũng mong đó sẽ khởi đầu cho một xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, trong lòng sự tăng điểm này có một yếu tố không thực, đó là sự đỡ giá và đẩy giá một số mã cổ phiếu của các ETF.
Bước vào phiên tăng điểm thứ 4 hôm qua, ngay từ đầu phiên chỉ số chứng khoán đã có sự tăng điểm ấn tượng, với một loạt “cổ phiếu nóng” tăng gần như kịch trần. Nhìn đà tăng của VN-Index, ai cũng mong đó sẽ khởi đầu cho một xu hướng phục hồi, vì xu hướng giảm đã ngự trị gần 2 năm qua và đẩy giá của quá nhiều cổ phiếu xuống mức quá thấp. Tuy nhiên, trong lòng sự tăng điểm này có một yếu tố không thực, đó là sự đỡ giá và đẩy giá một số mã cổ phiếu của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF).
Quan sát các CTCK có thể thấy, từ lâu trong các bản tin phân tích gửi cho khách hàng, nhiều CTCK đã “bóc tách” bức tranh thị trường thành 2 loại: loại có cả cổ phiếu nóng (MSN, BVH, VIC) và loại không có những cổ phiếu này. Nếu so sánh về số tuyệt đối, VN-Index lúc này giảm 10% so với 1 năm về trước, nhưng nếu bóc tách 3 mã cổ phiếu được các quỹ ETF mua và giữ giá (MSN, BVH, VIC) thì chỉ số chứng khoán đã mất tới 30%.
Theo CTCK Sài Gòn (SSI) - đơn vị dẫn đầu về thị phần giao dịch khối ngoại, 1 năm qua, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại SSI chủ yếu là tái cơ cấu danh mục và giao dịch của các quỹ ETF. Điều này cho thấy, dòng vốn thực từ khối ngoại chảy vào chứng khoán là không có, giao dịch của khối ngoại chủ yếu trên danh mục cũ hoặc dựa vào dòng vốn nóng từ các quỹ đầu tư chỉ số.
Dư luận từ lâu đã nhìn thấy những điểm bất thường trong diễn biến của VN-Index khi sự tham gia của các ETF ngày càng rõ rệt. Bản thân Sở GDCK TP. HCM cũng từng có kế hoạch sẽ xây dựng một bộ chỉ số chứng khoán để phản ánh trung thực và đa dạng hơn bức tranh thị trường. UBCK cũng đã đề cập việc này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Tìm một cơ chế hiển thị để bức tranh thị trường được phản ánh một cách trung thực, đó là điều nhiều thành viên mong mỏi và cho rằng, đây là yếu tố căn bản đầu tiên để xác lập sự minh bạch trên TTCK.
Cũng liên quan đến việc minh bạch, tính từ đầu năm nay đến ngày 16/8/2011, UBCK cho biết giá trị huy động vốn qua phát hành là 12.050 tỷ đồng, chỉ bằng 10% so với năm 2010. Đã nhỏ, nhưng 12.050 tỷ đồng vẫn chưa phải là số vốn thực huy động của các DN, bởi con số UBCK đưa ra được dựa trên số vốn DN dự kiến phát hành nêu trong Bản cáo bạch. Thực tế, có những DN xin phát hành lượng lớn cổ phiếu, nhưng do tình hình thị trường không thuận lợi, nên số tiền DN huy động được thấp hơn nhiều so với con số đăng ký với UBCK. Bức tranh thực về hoạt động phát hành của các DN niêm yết ra sao? Đó cũng là câu hỏi mà thị trường cần thêm những thống kê từ cơ quan quản lý.
Quan sát thị trường gần đây có thể thấy, khá nhiều chuyên gia đưa quan điểm, TTCK lúc này là cơ hội cực tốt để mua vào. Nhưng mua chứng khoán nào và mua như thế nào, đó lại là vấn đề không ai (dám) trả lời trực diện.
Trao đổi với ĐTCK về xu hướng lựa chọn đầu tư, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ chia sẻ, đà tăng của thị trường còn rất mong manh và cách thức tìm địa chỉ đầu tư của công ty ông là “định giá DN chết”. Bức tranh về thị trường không thực, bức tranh về hoạt động của nhiều DN cũng không thực là những nguyên nhân khiến một quỹ đầu tư lớn, quản lý trên 20.000 tỷ đồng, đã phải lựa chọn phương thức “định giá DN chết” để tìm địa chỉ đầu tư.
Làm thế nào để Index tăng điểm bền vững và các thông số hiển thị trước công chúng phản ánh trung thực sức khỏe DN, sức khỏe thị trường? Đó là những nhu cầu chính đáng, rất cần sự nỗ lực hơn nữa của nhà quản lý để thực thi.
Tường Vi
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Điểm bất thường trong diễn biến của VN-Index