Vietstock Weekly 22 - 26/08: Đối diện với “tâm bão” châu Âu?
(Vietstock) – Triển vọng của kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều dấu hiệu thoát khỏi vùng đáy và sẽ dần tích cực hơn về cuối năm 2011. “Tâm bão” lúc này đang ở châu Âu và chúng ta sẽ cần phải để ý sát sao những diễn tiến tại châu lục này.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TUẦN QUA
Kinh tế thế giới: “Tâm bão” nằm ở khu vực eurozone
Sau Moody’s, Fitch tiếp tục giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Mỹ ở mức AAA với triển vọng ổn định, nhờ vai trò quan trọng của nước này trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng như sự linh hoạt và đa dạng của nền kinh tế.
Trái ngược với những lo lắng về việc hạ bậc nhiệm Mỹ từ S&P, lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2.03% từ mức cao nhất của năm nay là 3.77%. Lợi suất trái phiếu của Mỹ hiện thấp hơn so với hầu hết các quốc gia được S&P xếp hạng AAA.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kép vì đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực hơn trong 1-2 tháng gầy đây và tình trạng nền kinh tế nước này vẫn còn khá tích cực so với thời gian trước các cuộc suy thoái trước đây. Tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ trong một vài tháng tiếp theo là chỉ dấu quan trọng cần theo dõi để khẳng định một đợt suy thoái tiếp theo.
“Tâm bão” lúc này đã dịch chuyển sang châu Âu với vấn đề nợ công và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Tuần qua, lần đầu tiên kể từ tháng 2 Ngân hàng Trung ương châu Âu đã phải bơm khoản vay 500 triệu USD trong thời hạn 1 tuần cho một ngân hàng không nêu tên thuộc khu vực eurozone.
Trước triển vọng khá mù mịt của kinh tế toàn cầu, chứng khoán lại rơi vào cơn hoảng loạn mới, giá dầu giảm mạnh 7 USD về 81 USD/thùng, trong khi giá vàng tiếp tục lập kỷ lục mới lên 1,837 USD/oz.
Lạm phát sẽ hạ nhiệt về cuối năm, lãi suất có cơ hội kéo giảm
Như chúng tôi đề cập, có nhiều lý do để kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh của năm nay vào tháng 8 và lãi suất sẽ có cơ hội giảm xuống rõ rệt.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết sắp tới NHNN sẽ đưa ra các biện pháp để điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu; và đây là cơ sở để lãi suất giảm dần trong những tháng tới.
S&P hạ bậc tín nhiệm dài hạn nội tệ Việt Nam: Không cần phải lo ngại!
Standard & Poor’s (S&P) vừa ra thông báo hạ bậc tín nhiệm dài hạn đối với đồng nội tệ của Việt Nam từ BB xuống BB-. Trong khi đó, S&P vẫn giữ nguyên mức BB- đối với tín nhiệm ngoại tệ dài hạn, và mức B đối với tín nhiệm nội tệ và ngoại tệ ngắn hạn.
Lý do chính là S&P có sự thay đổi trong phương pháp luận và các giả định đánh giá tín nhiệm quốc gia. Chúng ta cũng cần đọc kỹ tuyên bố của S&P khi họ cho rằng những nhận định căn bản về định mức tín nhiệm (underlying credit fundamentals) của Việt Nam là không thay đổi.
Ngoài ra, các đánh giá của S&P về tín nhiệm nợ ngoại tệ sẽ đáng chú ý hơn, vì nó ảnh hưởng nhiều đến việc vay mượn của chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng thị trường không nên quá lo ngại về động thái này của S&P.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Tính tổng cộng cả tuần, thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch khởi sắc khi VN-Index đã vụt tăng 4.39% còn HNX cũng tăng 2.3%, chỉ số VS-100 tăng mạnh 3.51% trong tuần. Tuy vậy, diễn biến về cuối tuần tỏ ra bi quan khi hàng hoạt cổ phiếu bị bán mạnh và tâm lý giới đầu tư không còn vững vàng như giữa tuần.
Diễn biến đáng chú ý trong tuần
(1) Các chỉ số Market Cap đều vụt tăng mạnh mẽ, trong đó VS-Large Cap tăng điểm mạnh nhất 4.98%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 4.33%, VS-Small Cap tăng 2.29% và VS-Micro Cap tăng ít nhất 1.09%.
(2) Tổng khối lượng giao dịch giảm nhẹ 2.12% so với tuần trước trên HOSE, trong khi đó lại tăng mạnh 31.18% trên HNX. Tổng khối lượng khớp lệnh dao động cùng chiều với khối lượng giao dịch khi giảm nhẹ 3.79% trên HOSE và tăng mạnh 31.78% trên HNX.
Mặc dù bị ảnh hưởng do khối lượng khớp lệnh sụt giảm mạnh mẽ trong hai phiên giao dịch đầu tuần, nhưng sự bùng nổ giao dịch ở những phiên giao dịch sau đó đã giúp thanh khoản trên HOSE chỉ giảm nhẹ.

(3) Khối lượng giao dịch thỏa thuận tăng đột biến trong phiên giao dịch ngày 17/08 trên HOSE chủ yếu do việc chuyển nhượng hơn 14.5 triệu cổ phiếu KDC của Chủ tịch HĐQT về công ty thuộc sở hữu cá nhân.
(4) Hoạt động đầu cơ diễn ra rất mạnh, tập trung vào HNX đặc biệt ở các mã chứng khoán với sự trợ lực của khối ngoại. Điều này cũng khiến cho áp lực chốt lời dâng lên cao trong hai phiên cuối tuần, đẩy chỉ số thị trường giảm mạnh trở lại.
(5) Giao dịch phiên cuối tuần trở nên rất bi quan, do giới đầu tư trong nước bị ảnh hưởng mạnh từ sự hoảng loạn của chứng khoán thế giới trước các lo ngại suy thoái ở Mỹ và khủng hoảng nợ công, ngân hàng ở châu Âu.
(6) Trong tuần, khối ngoại mua ròng nhẹ 1.2 tỷ đồng trên cả hai sàn, trong đó họ đã bán ròng nhẹ 0.2 tỷ đồng trên HNX, và mua ròng 1.4 tỷ đồng trên HOSE.
• Tổng giá trị giao dịch mua và bán của khối ngoại chỉ đạt 618 tỷ đồng trên cả hai sàn, sụt giảm mạnh mạnh 38.3% so với tuần trước.
• Trong tuần qua, khối ngoại quan tâm trở lại những cổ phiếu thuộc nhóm Chứng khoán. Trên HOSE, SSI được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 27.2 tỷ đồng và cổ phiếu này đã có liên tiếp 8 phiên liêp tiếp được mua ròng với tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 2.3 triệu cổ phiếu, tương ứng với hơn 40 tỷ đồng. Trên HNX, KLS cũng đứng đầu bảng mua ròng với tổng cộng 8.1 tỷ đồng.
• Sau khi đã mua ròng tổng cộng 23 tỷ đồng cổ phiếu FPT trong tuần qua, khối ngoại đã chính thức ”vét cạn” room của cổ phiếu này.
• Đây đã là tuần thứ 4 liên tiếp khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC. Trong tuần này, khối ngoại đã ”xả” thêm tổng cộng 40.8 tỷ đồng cổ phiếu VIC.
(7) Về các nhóm ngành, chỉ có duy nhất VS-Machinery và VS-ICT giảm điểm trong tuần với giá trị lần lượt 2.77% và 0.83%. Trong khi đó, top 3 nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất gồm VS-Accommodation đứng đầu khi tăng 13.41%, tiếp theo là VS-Sercurities tăng 7.76% và VS-Pharma tăng 6.28%.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 22/08 – 26/08/2011
Động thái bán khá dứt khoát đã kéo các chỉ số đã quay quay đầu giảm điểm vào phiên giao dịch cuối tuần. Lý do không gì khác hơn là tâm lý bi quan trước sự hoảng loạn của chứng khoán thế giới do lo ngại suy thoái ở Mỹ và khủng hoảng nợ công, ngân hàng ở châu Âu.
Chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng là triển vọng của kinh tế vĩ mô đang có nhiều dấu hiệu thoát khỏi vùng đáy và sẽ dần tích cực hơn về cuối năm 2011. Như phân tích ở trên, động thái hạ bậc tín nhiệm của S&P đối với nợ nội tệ dài hạn Việt Nam là không đáng phải lo ngại.
Dấu hiệu về lạm phát giảm tốc, đầu thầu Trái phiếu Chính phủ thành công, cùng những phát biểu mang tính trấn an từ Thống đốc NHNN được xem là tác nhân cho đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường. Chúng tôi tin rằng nếu không có những bất ổn từ kinh tế thế giới, chứng khoán Việt Nam đã có một tuần thăng hoa mạnh mẽ.
Trong phiên cuối tuần, dù lực bán khá mạnh nhưng sự hoảng loạn không hề xuất hiện. Lực cầu vẫn duy trì được sức mạnh và giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm điểm vào cuối phiên. Bên cạnh đó, thống kê lệnh cũng cho thấy lực mua và trung bình lệnh mua vẫn liên tục mở rộng trong tuần qua.
Tuần giao dịch tới, thị trường sẽ đón nhận những thông tin chính thức về lạm phát và nhiều khả năng sẽ là một con số tích cực.
Lúc đó, giới đầu tư sẽ đổ dồn về gói giải pháp nhằm hạ nhiệt lãi suất mà NHNN sẽ đưa ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc loại trừ bất động sản (dù chỉ một phần) ra khỏi danh mục tín dụng phi sản xuất cũng sẽ là một chất xúc tác quan trọng cho thị trường.
“Tâm bão” lúc này đang ở châu Âu và chúng ta sẽ cần phải để ý sát sao những diễn tiến tại châu lục này. Hiện tại, lo ngại đang dịch chuyển sang tình hình căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng; khi lần đầu tiên kể từ tháng 2, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã phải bơm khoản vay thời hạn 2 tuần trị giá 500 triệu USD cho một ngân hàng không nêu tên.
Hệ thống tài chính thế giới đang tiếp tục trải qua một giai đoạn phức tạp và chưa có tiền lệ. Chúng tôi sẽ có phân tích chi tiết về tình hình kinh tế châu Âu chậm nhất là vào đầu tuần sau.
VN-Index – Island Cluster Reversal có đáng tin cậy? Trong vòng chưa tới 2 tuần lễ đã có đến 2 khoảng trốn (gap) lớn xuất hiện với mức khối lượng đáng kể. Điều này đã hình thành nên tín hiệu đảo chiều định dạng quần đảo (Island Cluster Reversal). Đây là dạng tín hiệu đảo chiều mạnh nên giới phân tích đang kỳ vọng một sự bứt phá lớn của giá.
Vùng giá tích lũy trước đó (vùng 375 – 385 điểm) đồng thời cũng là vùng đáy cũ sẽ là bước đệm vững chắc cho giá trong đợt tăng trưởng tới.
Directional Movement System (DMS) tiếp tục cho tín hiệu tốt khi mà +DI vẫn nằm trên –DI. ADX vẫn duy trì ở mức cao chứng tỏ xu hướng vẫn đang mạnh.
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng sự thận trọng đang giảm bớt và việc mua vào bắt đáy nên được xúc tiến.

HNX-Index – Tiếp tục duy trì thanh khoản tốt. Sau 2 phiên tăng trưởng khá mạnh, giá bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 19/08/2011. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khối lượng vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao cho thấy khả năng điều chỉnh sâu là không quá lớn.
Nếu tình trạng suy giảm bất ngờ (thrust down) xảy ra thì chúng tôi cho rằng ngưỡng 66 điểm sẽ tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho giá.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Mặc dù có điều chỉnh trong phiên ngày 19/08/2011 (-1.39%) nhưng giá vẫn đang nằm bên trên SMA 20.
Khối lượng vẫn không có sự chênh lệch quá mức so với phiên hôm qua (18/08/2011). Mục tiêu ngắn hạn của chỉ số này là vùng 62 – 64 điểm.

VS-Market Strength: Chỉ số VS-Arms VN đã tăng trở lại cho thấy điểm cực trị đã qua quá trình hình thành. Hiện nay, thị trường có thể sẽ đi vào một giai đoạn bình ổn mới chứ không biến động quá mạnh như những phiên vừa qua.

VS-Market Cap: VS-Small Cap đã rơi khỏi vị trí dẫn đầu nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng trọn tuần là 2.29%.
VS-Mid Cap tiếp tục chứng tỏ tiềm năng của mình khi giữ vị trí nhì bảng. Chỉ số này đã hình thành nên phân kỳ giá lên theo tuần rất mạnh với Relative Strength Index nên khả năng sẽ còn bứt phá trong những phiên đầu tuần sau.

IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 15/08 – 19/08/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 22 - 26/08: Đối diện với “tâm bão” châu Âu?