-------------------------------
Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 17/08/2011
Blog: http://hoangthachlan.wordpress.com/
-------------------------------


Sáng nay tui thấy có 1 bạn đọc của báo ĐTCK đăng đàn với lời lẽ khá gay…………………………. gắt về việc “Sở giao dịch công bố danh sách các mã được phép giao dịch ký quỹ” mà UBCKNN đang soạn thảo công văn hướng dẫn. Là người ủng hộ việc các Sở GDCK công bố danh mục này, tui nghĩ cũng nên có vài lời góp ý, để sau này hy vọng bạn đó bớt gay………. gắt hơn.

Chắc anh bạn đó cũng từng xài margin trên khá nhiều loại cổ, tui đoán vậy. Cho nên đứng từ góc độ NĐT như anh bạn đó, việc chơi margin trên mã nào là nhu cầu, là quyền của NĐT. Cái đó không sai, tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng trong GD margin, NĐT chỉ là người đi xin, còn cty CK mới là kẻ cho. Nói cách khác, khi nhìn vào tài sản của NĐT là chứng (cho dù là tài sản có sẵn hay sẽ về sau T+3), cty CK là kẻ có quyền quyết có cho vay hay không, chứ không có nghĩa vụ phải cho vay.

Trước đây, có rất nhiều cty CK cho margin xối xả, tức là mã nào cũng chơi. Cp đại gia ngân hàng, BĐS, dầu khí… cho cầm là chuyện thường, đến mấy con hàng hiếm cũng vẫn tới bến luôn bởi vì lúc đó chứng trường còn đang nhuận. Tuy nhiên, khi lượng tiền đổ vào margin nhiều lên, số lượng hàng cầm dày hơn thì lúc đó phải có sự hạn chế bớt. Cái danh mục margin được lập ra để làm chức năng đó (có thể khách Vip vẫn là ngoại lệ, hoặc cũng có 1 vài cty CK “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên không thèm lập danh mục). Đơn giản nhất, cp nào thanh khoản thì cho margin, cp nào mỗi ngày chỉ GD có vài k lẻ thì thôi.

Khi nhà nhà ĐT xài đòn bẩy, công công ty ty CK cho margin thì xuất hiện rủi ro hệ thống. Cái này tui cũng từng nói ở blog này, và cách đây không lâu khi báo chí rộ lên chuyện hàng kẹt ở nhiều cty CK lớn thì có lẽ chuyện giải thích cái rủi ro hệ thống của loại dịch vụ này không cần phải nhắc lại nữa. Do đó đối với tính chất chính thức, mới có “nhu cầu” chuẩn hóa danh mục, tức là xây dựng những cái gọi là “tiêu chí chọn chứng” thống nhất mà UBCK đang làm. Theo dự thảo của UBCK thì những tiêu chí này rất cơ bản, chủ yếu dựa trên 2 yếu tố là thanh khoản và ổn định giá (thống kê GD), chỉ có 1 tiêu chí tài chính duy nhất là thư giá > mệnh giá và 1 tiêu chí NY là lên sàn ít nhất 6 tháng (mà tui cũng góp ý là nên loại 2 cái này ra). Từ danh mục cơ bản này, cty CK muốn đưa ra thêm tiêu chí gì cho riêng mình thì tùy.

Khi anh bạn đó cho rằng lập danh mục sẽ ”tự phân loại tốt xấu các doanh nghiệp mà chính các vị cấp phép niêm yết” thì nhầm to. Cp kém thanh khoản không có nghĩa là cty NY đó xấu (ví dụ như VNM), cp có giá ổn định không có nghĩa là cty NY làm ăn xịn (SQC ổn định ở mức 86k/cp suốt từ tháng 5 đến đầu tháng 8 đó thôi). Không có mấy tiêu chí tài chính thì làm sao có ai dám phán là cp tốt/xấu? ai dám bảo cty này chất cty kia dỏm?? Tiêu chí chọn chứng cho margin không có tham vọng như tiêu chuẩn niêm yết, mà chỉ nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro khi phải bán chứng để thu hồi nợ vay, ngăn chặn cty CK và NĐT nào liều mình bịt mắt bắt dao rơi, dùng đòn bẩy trên những con hàng hiếm để rồi mang rủi ro lại cho cả chứng trường… Đã không phải là tiêu chuẩn NY, ai dám đòi hủy NY chỉ vì không lọt vào cái danh mục margin này?

Tui xin chuyển qua chuyện tại sao nên để Sở GDCK công bố danh mục margin. Như đã nhắc ở trên, do có 1 hệ thống “tiêu chí chọn chứng cơ bản” chủ yếu dựa trên số liệu thống kê GD nên thay vì mỗi cty CK tính ra mỗi kết quả (chỉ có tính sai mới ra các kết quả khác nhau), tui đề nghị để hai Sở tính cho tiết kiệm và thống nhất, các cty CK cũg đỡ mất công báo cáo và chờ duyệt. Số liệu GD quá khứ thì các Sở có sẵn và chính xác nhất (cho nên bác Sơn trên UB mới nói là Sở nắm rõ thông tin là ở ý này), việc tính toán chỉ đơn thuần là cộng trừ nhân chia… nói chung là chỉ cần em nào cần cù bù thông minh cũng tính được, vậy cần chi đến 100 cty CK để cùng giải một bài toán số học?

Có lẽ anh bạn nói trên chưa xem kỹ tiêu chí chọn chứng của UBCK nên mới hỏi độp mấy câu rằng “Sở giao dịch từ trước tới nay nắm nhiều thông tin về các doanh nghiệp nhưng đã ém bớt, chỉ nhỏ giọt phần nào cho thị trường“, hay “lấy gì đảm bảo trình độ phân tích, nhận định của một chuyên viên trong các Sở đủ để thẩm định các doanh nghiệp này” hay “lấy gì đảm bảo sự công tâm và khách quan khi ban hành danh mục, đảm bảo không có cài cắm lợi ích riêng tư, làm giá của các vị thẩm định“… (chấm chấm tức là còn nữa). Trời, toàn số liệu GD quá khứ cả, có ém cái gì được đâu? Với lại việc 2 người làm còn cả chứng trường ngồi soi, ai dám nói 2 Sở cài cái chi chi hay cắm của nợ riêng tư gì vào danh mục này được chớ? Anh bạn cứ nói vậy có khi các Sở sẽ tương ngay công văn về cái tội dám nghi ngờ lãnh đạo đấy

Cuối cùng, việc anh bạn lo cho “uy tín của các sàn chứng khoán Việt Nam có bị ổn thương vì sự phân loại này” khiến tui nhớ lại “năm xưa” khi cũng có người hỏi vặn phòng Thông tin của HOSE rằng việc gì Sở phải tính toán cái EPS hàng quý và đưa P/E hàng ngày lên Bản tin thị trường, những cái đó đã có các tổ chức tài chính, có cty CK lo. Đến nay, tui dám nói rằng vẫn có cty NY tính sai cái trailing EPS của chính mình, vẫn có cty CK tính EPS cao lên (tức là P/E nhỏ đi) mà “quên” điều chỉnh hồi tố theo các đợt phát hành tăng vốn để NĐT thấy rẻ mà mua (không biết họ có cố ý không)… như vậy việc Sở GDCK ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, tính và công bố giùm mấy chỉ số đó trên Bản tin thì uy tín của Sở thậm chí còn tăng lên và NĐT nên cám ơn mới phải. Bây giờ để 2 Sở lập 2 danh mục cơ bản cho GD margin, cũng vì mục đích vậy thôi, có gì mà sợ tổn thương cơ chứ?