VNPost loay hoay với lộ trình cắt lỗ
“Nếu VNPost không triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt thì xác suất cắt hoàn toàn khoản lỗ 1.000 tỉ đồng/năm vào năm 2013 chỉ là 50/50”, ông Mai Liêm Trực nhận xét.
Một buổi chiều cuối tháng 5.2011, Phillip Herr, Giám đốc Văn phòng Giải trình của Chính phủ Mỹ vẫn loay hoay với hàng đống tài liệu nhằm điều tra căn bệnh ngày càng trở nên nan y trong hơn 3 năm qua và có thể dẫn đến bờ vực phá sản của Tổng Công ty Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS). Đây cũng chính là phần mở đầu của bài chuyên đề dài đến 8 trang nói về số phận của USPS với nguồn nhân lực hơn nửa triệu người và tổng doanh số năm 2010 lên tới 67 tỉ USD được Tạp chí Business Week đăng tải hôm 26.5.
Business Week cho rằng với sự ra đời của Internet và sau đó là thư điện tử, số lượng thư tay cũng như các loại bưu kiện, bưu phẩm sử dụng dịch vụ của USPS ngày càng giảm sút với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Theo báo cáo của ông Herr, USPS đã phụ thuộc quá nhiều vào mảng kinh doanh chuyển phát nhanh vốn đem lại lợi nhuận gấp 3 lần dịch vụ gửi thư thông thường. Tuy nhiên, mảng này đã bị sụt giảm đến 20%/năm từ 2006-2010. Hậu quả của tình trạng này là từ năm 2007 đến nay, USPS đã liên tục bị thâm hụt ngân sách hoạt động hằng năm. Trong đó, trên 80% chi cho tiền lương và phúc lợi của người lao động. Hiện USPS đang hoạt động với khoản vay lên tới 12 tỉ USD từ Bộ Tài chính Mỹ. Theo dự báo, đến cuối năm nay, tình trạng mất khả năng chi trả nợ của đại gia này có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, lộ trình do Quốc hội Mỹ đưa ra để có thể cứu vãn USPS là trong năm nay sẽ đóng cửa khoảng 3.200 bưu cục trong tổng số 34.000 trên toàn nước Mỹ.
Một buổi chiều tháng 6.2010, bà Nguyễn Thị Thu, một nhân viên với thâm niên hơn 30 năm của Trung tâm khai thác vận chuyển thuộc Bưu điện TP.HCM ở đường Lý Thường Kiệt, quận 11, TP.HCM được triệu tập lên Phòng tổ chức để nhận quyết định về hưu non dưới hình thức tự nguyện theo nội dung Nghị định 110 của Chính phủ. Người phụ nữ vừa mừng sinh nhật lần thứ 50 này được trả hơn 110 triệu đồng cùng với 2,1 triệu đồng lương hưu hàng tháng, trong khi lương của bà hiện nay khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng trước đây. Lý do của đợt cho nghỉ việc này là Trung tâm có mức doanh thu thấp trong khoảng thời gian dài nên không đủ bù đắp nổi chi phí hoạt động. Bà Thu cho biết tổng cộng có 35 nhân viên được cho nghỉ hưu non cùng đợt này với bà và đa phần dao động ở độ tuổi 50.
Lỗ 1.000 tỉ đồng/năm
Xem ra, tình cảnh của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) cũng không khác gì USPS. VNPost mỗi năm lỗ hơn 1.000 tỉ đồng và cắt giảm nhân sự là một trong những giải pháp tất yếu.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, VNPost là đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã cắt giảm hơn 5.000 nhân viên trong năm 2010 và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay. “Đây là hành động tất yếu nhằm tiến tới cắt lỗ hoàn toàn của VNPost vào năm 2013 và rất may là đã không xảy ra các vụ kiện cáo lớn từ người lao động vì bị cho nghỉ việc”, ông Trực cho biết.
Thực tế cho thấy ngành bưu chính đang phải cõng trên lưng quá nhiều dịch vụ công ích không có lãi như bưu chính phổ cập, dịch vụ được cung cấp đến mọi người dân và bưu chính bắt buộc được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vì vậy, tuy thị trường bưu chính đã có tới hàng chục đơn vị tham gia, nhưng phần xương xẩu nhất là cung ứng các dịch vụ công ích tới vùng sâu vùng xa vẫn do VNPost gánh vác. Vì vậy, mỗi năm VNPT phải trích ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng bù lỗ cho VNPost. “Giá cước tem thư trong nước vẫn đang quá thấp so với giá thành. Một lá thư chuyển đi trong nước với chi phí thực tế là 3.500 đồng, song VNPost vẫn phải giữ giá dịch vụ 800 đồng là vô lý”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp từng nói như vậy trước Quốc hội.
Nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng lỗ dài hạn của ngành bưu chính, ngay từ đầu năm 2000, Chính phủ đã chủ trương từng bước tách ngành bưu chính ra khỏi viễn thông. Tháng 6.2006, VNPost đã chính thức ra mắt và bắt đầu hạch toán độc lập.
Theo ước tính của VNPT, trong giai đoạn trước tháng 6.2006, thu nhập bình quân của mỗi lao động tại VNPT chỉ vào khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng, một phần do viễn thông đang phải bù lỗ cho bưu chính khiến thu nhập chung của ngành bị giảm xuống. Nếu tách bưu chính ra khỏi viễn thông, thu nhập bình quân của mỗi lao động ngành viễn thông sẽ đạt từ 2-2,5 triệu đồng/tháng và bưu chính sẽ tụt xuống dưới mức 1 triệu đồng/tháng. Đây cũng là một lý do khiến cho những người làm bưu chính ngại không muốn “ra riêng”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Thọ Thái, nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát VNPT trước đây từng khẳng định: “Bưu chính kinh doanh không có lãi là do Nhà nước bắt phải lỗ. Nếu sau khi chia tách, Nhà nước phân bổ công việc rõ ràng, cho phép chúng tôi quyền tự quyết hạch toán thu chi thì bưu chính vẫn có thể sống khỏe và sẽ nhanh chóng đuổi kịp viễn thông”. Tuy nhiên, đến nay, hơn 5 năm sau khi bưu chính tách khỏi viễn thông, VNPT vẫn phải tiếp tục nuôi VNPost.

Rõ ràng, nhiệm vụ phải cắt lỗ hoàn toàn của VNPost vào năm 2013 không phải là một cuộc dạo chơi. Vậy đâu là lời giải cho bài toán cắt lỗ theo lộ trình của VNPost trong thời gian tới?
Theo ông Mai Liêm Trực, giải pháp đầu tiên VNPost cần tính đến một cách nghiêm túc là xây dựng lại hệ thống giá cước bưu chính để từng bước có thể tiếp cận với giá thị trường. “Lạm phát năm nay có thể lên tới 22% mà cước bưu chính vẫn dậm chân tại chỗ là điều bất hợp lý”, ông Trực nói. Giải pháp tiếp theo VNPost cần tập trung là tổ chức lại sản xuất kinh doanh và tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng gồm các bưu cục tại nhiều địa phương cùng bộ máy nhân sự giàu kinh nghiệm.
Hiện nay, VNPost không còn độc quyền trong lĩnh vực bưu chính. Họ phải chia sẻ thị phần với nhiều doanh nghiệp khác như Viettel, Saigon Postel, Tiến Thành, Hợp Nhất. Sự có mặt của các doanh nghiệp này đã buộc VNPost phải tăng tốc cải thiện chất lượng và giá dịch vụ trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Trực cho rằng chính mảng kinh doanh chuyển phát nhanh quốc tế dưới hình thức liên doanh với các tập đoàn như DHL, FedEx, UPS, TNT mới chính là giải pháp khả dĩ để VNPost bù đắp khoản lỗ của mảng bưu chính nội địa.
Năm 2007, ngay sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên và chuyển phát nhanh đã trở thành cầu nối quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Theo Báo Bưu Điện Việt Nam, tổng doanh thu chuyển phát nhanh của Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ 34 triệu USD năm 2006 lên đến hơn 50 triệu USD năm 2007 và hơn 200 triệu USD năm 2010.
Đón đầu mức tăng trưởng đến 2 con số của ngành chuyển phát nhanh, trong năm 2007, Công ty liên doanh Chuyển phát nhanh DHL - VNPT Express đã chính thức ra mắt tại TP.HCM. Đây là liên doanh giữa DHL và VNPT với vốn điều lệ 5,8 triệu USD (DHL 51%, VNPT 49%). Đơn vị này hiện chiếm tới 40% thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam. “Việt Nam là thị trường tăng trưởng cao nhất của DHL tại khu vưc châu Á với mức tăng liên tục 20%/năm”, ông Tim Baxter, Tổng Giám đốc DHL - VNPT Express, cho biết. Ban lãnh đạo liên doanh này không tiết lộ lợi nhuận sau hơn 4 năm hoạt động, nhưng đơn vị này chắc chắn đã có lãi với mức tăng trưởng và thị phần áp đảo như vậy.
Giải pháp tiếp theo VNPost đã và đang thực hiện nhằm từng bước giảm lỗ là mảng kinh doanh tài chính bưu điện thông qua hoạt động của Công ty dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) có vốn điều lệ 163 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh của VPSC gồm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn, không kỳ hạn và dịch vụ thanh toán giữa các cá nhân có tài khoản tiết kiệm bưu điện. Gần đây, VPSC đã được sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LVB) để tạo ra Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPB) với tổng vốn góp 997 tỉ đồng, trong đó 360 tỉ đồng là giá trị của chính VPSC, phần còn lại VNPost sẽ góp nhiều lần bằng tiền mặt theo lộ trình thỏa thuận giữa 2 bên. Thương vụ này có điểm gây chú ý là LPB (sau khi sáp nhập) có trách nhiệm xử lý khoản lỗ 145 tỉ đồng VPSC để lại do Công ty huy động vốn trong dân cư với lãi suất cao nhưng gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất thấp để cho vay và đầu tư theo chủ trương của Chính phủ.
Sau cùng, để VNPost có thể thực thi lộ trình cắt lỗ đến năm 2013 thì các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Theo quy hoạch phát triển ngành bưu chính sau năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành này sẽ được quy hoạch theo định hướng mở cửa thị trường. Ngoài ra, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho bưu chính, có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát thư, đẩy mạnh thu hút vốn trong nước thông qua việc phát triển mạnh hệ thống đại lý, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Như vậy, tuy VNPost đã và đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để có thể cắt lỗ hoàn toàn vào năm 2013, nhưng do đặc thù của ngành dịch vụ bưu chính công ích tại Việt Nam còn mang nặng tính phục vụ hơn là kinh doanh nên tính khả thi của lộ trình này sẽ khó được đảm bảo. “Tôi cho rằng VNPost chỉ có thế cắt được khoảng 50% lỗ vào năm 2013 và 500 tỉ đồng lỗ còn lại tiếp tục là câu chuyện của 5 năm tiếp theo”, ông Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nhận xét.
Vĩnh Bảo
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: VNPost loay hoay với lộ trình cắt lỗ