Ông Cao Sỹ Kiêm: Nên có chính sách giảm thuế, lãi suất vay ngân hàng
“Chính phủ cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã áp dụng năm 2010 trong chính sách kích cầu, kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh”. Ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói như vậy khi trả lời phỏng vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Ông Kiêm nói: cơ chế về tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có, song chưa được thực hiện một cách kịp thời, quá trình xét duyệt cho vay còn chậm, lại khó khăn về thủ tục nên các doanh nghiệp khó tiếp cận. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá, làm cho chi phí sản xuất tăng lên, sản phẩm, hàng hoá khó tiêu thụ, ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thuế với Nhà nước, trả nợ ngân hàng và tiền công cho người lao động…
Như vậy là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đứng trước bờ vực phá sản, thưa ông?
Cho đến thời điểm này có khoảng 30% (khoảng 162.000 doanh nghiệp) doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải xoay trở một cách khó khăn để tồn tại. Thậm chí, có ngành nghề số lượng doanh nghiệp khó khăn còn nhiều hơn và mức độ còn nặng nề hơn. Tình hình hiện nay cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải đương đầu với khó khăn trong thời gian tới bởi vấn đề về vốn, lãi suất, thị trường tiêu thụ, lao động… vẫn còn nhiều tồn đọng và chưa được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có những cách xoay trở rất linh hoạt trong kinh doanh để tồn tại qua thời khó khăn. Nếu trong thời gian này, doanh nghiệp biết cách cầm cự và củng cố lại bộ máy nhân sự, khi bức tranh kinh tế sáng hơn, họ sẽ thành công.
Theo ông, những ngành nghề nào đang gặp khó khăn nhiều nhất?
Những doanh nghiệp thuộc các ngành nông sản thực phẩm có thể xem là bị tác động nhiều nhất và khó khăn nhất do nguyên liệu đầu vào tăng rất cao. Khối dịch vụ thương mại thì đỡ hơn, song cũng không ít khó khăn bởi khó khăn chung nên mọi chi phí đều được doanh nghiệp cũng như người dân tiết kiệm một cách tối đa. Kế đến là ngành cần nhiều vốn lưu động như bất động sản, tài chính. Những doanh nghiệp này hiện đang phải hoạt động cầm chừng do tín dụng bị thắt chặt, trong khi thị trường ảm đạm.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, theo ông cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào cho phù hợp?
Theo tôi nên có chính sách giảm thuế, lãi suất vay ngân hàng, tuy nhiên phải giảm trên cơ sở kiềm chế lạm phát, và giảm cả đầu vào lẫn đầu ra để đảm bảo hài hoà. Mặt khác, Chính phủ cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã áp dụng năm 2010 trong chính sách kích cầu, kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cần quy định và quản lý mức trần lãi suất ngân hàng thương mại cho phù hợp với thực tế khó khăn hiện nay, để cho doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Các ngân hàng thương mại cần minh bạch về chính sách cho vay cả về lãi suất, tăng hạn mức và thời hạn cho vay, đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp…
Về chính sách thuế, bộ Tài chính cần quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, thủ tục được miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang chịu tác động của lạm phát, giá cả tăng cao. Ngoài ra, hiệp hội đã đề nghị Chính phủ xúc tiến theo lộ trình thành lập quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh tín dụng có sự tham gia của nhiều thành phần, đồng thời quản lý chặt chẽ tiền tệ, hàng nhập khẩu nhằm tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước…
Hy vọng, những giải pháp hỗ trợ về thuế, giảm lãi suất, nâng hạn mức tín dụng… đã được Quốc hội thông qua, nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, tình hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Khánh Vy (thực hiện)
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Ông Cao Sỹ Kiêm: Nên có chính sách giảm thuế, lãi suất vay ngân hàng