Threaded View
-
08-06-2006 11:54 PM #1
- Ngày tham gia
- May 2006
- Bài viết
- 11
- Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi
Thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ
Thưa các bác, tình cờ lang thang trên mạng, em đọc được một bài viết về TTCK Hoa Kỳ của một bác Duy Anh nào đó. Thấy hay quá và cũng nhân thể VN và HK vừa ký thỏa thuận WTO, nên em post lên đây.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẠI HOA KỲ
Tác giả : Duy Anh
Thưa quý vị,
Tình cờ tôi đi "lang thang" tìm một anh bạn cyberfriend thì lạc vào forum này. Sau mấy ngày đọc một số bài viết thì quả thật nảy sinh lòng ngưỡng mộ các tác giả có công phu tìm tòi và đăng lên một số bài rất có giá trị!
Từ lòng cảm phục đó, tôi cũng "ngứa tay" muốn đóng góp một vài ý ruồi cho vui. Nhìn đi nhìn lại thì có lẽ nói về thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ cũng có thể là một đề tài thú vị.
Một vài lời tự giới thiệu: Nghề tay trái của tôi là stockbroker, có license series 7 và đã từng làm việc nhiều năm cho một brokerage firm tại Hoa Kỳ.
Có tham gia viết lách một chút ít cho các báo chí tại hải ngoại về kinh tế tài chánh. Biển học mênh mông, kẻ hèn này chỉ mong trao đổi mõt số kinh nghiệm và thông tin, có gì không đúng xin các bậc trưởng thượng chỉ bảo thêm. Xin đa tạ.
Duy Anh
BÀI MỘT: SỰ HÌNH THÀNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẠI HOA KỲ
LỊCH SỬ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN HOA KỲ
Cách đây khoảng 250 năm, Wall Street chỉ là một con đường mòn bụi bặm trải dài từ đỉnh đồi nhà thờ Trinity xuống đến bến cảng Manhattan’s East River. Tại đây, “thị trường chứng khoán” đầu tiên của Hoa Kỳ được hình thành trên những cầu tầu. Thời kỳ phôi thai đó, những chứng khoán (securities) đơn thuần là những mảnh giấy xác nhận sở hữu chủ hoặc những tờ hoá đơn giao hàng hoá từ những chuyến tàu cặp bến từ bên kia Đại Tây Dương đến. Lúc đó tiền giấy còn mới mẻ nên chẳng ai tin tưởng mà xử dụng cả. Đơn vị quốc tế để giao dịch là những thỏi bạc, có lẽ vàng khá hiếm hoi vào lúc đó. Khi cần thiết, thỏi bạc được cắt ra thành một nửa, một phần tư, hoặc 1/8 gọi là “ doubloons” để mua hàng. Đó là lý do tại sao thông lệ buôn bán chứng khoán theo lối lẻ 1/2, 1/4, 1/8, 1/16 v.v được lưu truyền mãi cho đến tận năm 2001 mới được chứng thức đổi theo hệ thống thập phân như bây giờ.
Mùa xuân năm 1792, 24 nhân vật “đầu nậu” tại bến cảng ngồi lại với nhau để ký kết một bản thoả ước đầu tiên làm nền tảng cho New York Stock Exchange (NYSE) sau này. Bản thoả ước này được hình thành dưới một gốc cây bồ đào tại địa chỉ sau này là số 68 Wall Street. Để tránh xáo trộn và đôi khi tranh chấp có thể bùng nổ làm nguy hại cho hoạt động làm ăn chung, họ đồng ý ấn định một hình thức giá cả lệ phí trao đổi chung và cố định, một chính sách đã được áp dụng mãi tận 1975, khi lệ phí trở nên có thể uyển chuyển hơn và các nhà buôn chứng khoán có thể thương lượng riêng với nhau được.
Năm 1800, nhóm NYSE này dọn vào địa chỉ số 40 Wall Street, cho đến năm 1963 thì dọn về địa điểm hiện nay tại số 11 đường Wall Street, New York.
Năm 1971, NYSE được cổ phần hóa (incorporated) thành một công ty vô vụ lợi (not-for-profit corporation) và hoạt động nhằm mục đích vì lợi ích của các nhà đầu tư (investors) nói chung và để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế Hoa Kỳ nói riêng.
Vào thời kỳ Cách Mạng Kỹ Nghệ, hoạt động Wall Street bùng nổ với đủ loại các chứng khoán của các ngành nghề khác nhau. Đến một lúc, hoạt động của NYSE bị quá tải, không thể bao thầu tất cả các loại chứng khoán khác nhau được nữa. Nhóm NYSE do đó chỉ chọn lấy những chứng khoán nào tốt nhất mà thôi. Họ đặt ra các điều kiện khó khăn và chỉ nhận các cổ phiếu công ty nào thích hợp với họ mà thôi. Phần còn lại bị chê thì có các con buôn khác chộp lấy ngay ngoài đường phố và thậm chí trao đổi ngay trên vỉa hè. Các con buôn này được gọi là “curbstone brokers” và chợ trời vỉa hè được mệnh danh là “The Curb”. Vào đầu thế kỷ 20, chợ trời “The Curb” phát triển quá mạnh đến nỗi các nhà buôn phải thuê mướn văn phòng tại ngay con đường đó luôn. Để có thể thông tin giá cả với nhau mau chóng, ám hiệu bằng ngón tay được phát triển và người ta trao đổi bằng cách ra hiệu từ trên ban công xuống dưới người đứng trên vỉa hè. Ta thấy cho đến nay, kỹ thuật này vẫn còn được áp dụng trong hầu hết các Exchanges là vì vậy. Vào đầu thập niên 1920, thị trường “The Curb” được dời hẳn vào trong ở một chỗ tốt hơn là số 86 Trinity Place, Manhattan. Địa chỉ này vẫn được giữ cho tới ngaỳ nay và trụ sở được đổi tên thành là American Stock Exchange (AMEX) là thị trừơng lớn thứ hai cuả Hoa Kỳ sau NYSE.
Ngày nay, thị trường chứng khoán phát triển lan rộng, ngoài NYSE và AMEX còn có các thị trường chứng khoán vùng trên khắp nước Mỹ như Chicago, San Francisco v.v. Trên toàn thế giới, ngoài các thị trường chứng khoán lâu đời như Paris (Bourse Parisienne, còn xưa hơn cả NYSE), London, Frankfurt… còn mọc liên tiếp các trung tâm mới như Tokyo, Hongkong, Taipei v.v. Nói chung nơi nào kinh tế phát triển, nơi đó nhất thiết phải xây dựng thành lập một thị trường chứng khoán để yểm trợ cho sự phát triển kinh tế vùng đó.
Ngày nay NYSE chiếm vị trí độc tôn lớn nhất thế giới với khoảng 2,800 công ty trị giá tổng cộng trên $16 ngàn tỉ ($16 trillion) thời giá năm 2003. Một vài con số để so sánh:
-Tổng giá trị các công ty trong Nasdaq: $2 trillion
-Tổng giá trị thị trường chứng khoán Tokyo: $2.1 trillion
-Tổng giá trị thị trường chứng khoán London: $1.8 trillion
-Tổng giá trị thị trường chứng khoán Germany: $0.7 trillion
Như chúng ta đã thấy, dần dà rồi các thị trường (market places or exchanges) cũng không đủ sức đáp ứng nổi hoạt động kinh tế ngày một phát triển thêm nữa. Sự tất yếu phải xảy ra là sự phát sinh cuả hoat động “bán chính thức”. Song song với hoạt động chính thức cuả các exchanges là hoạt động của OTC (over the counter stocks).
Ngẫm cho cùng, các exchanges thực chất là những ngôi chợ như các ngôi chợ khác với đủ loại thành phần như Ban Quản Trị chợ, các chủ sạp, các “đầu nậu”, các lái buôn, “cò mồi” v.v. Điểm khác biệt duy nhất là mặt hàng trao đổi buôn bán là các loại chứng khoán khác nhau.
Sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929, Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật Securities Act 1933 thành lập bộ phận Securities & Exchange Commission (SEC) nhằm quản lý hoạt động của các thị trường chứng khoán. Năm 1934, tổ chức National Association of Securities Dealers (NASD) được thành lập nhằm tự quản chế hoạt động của OTC market ngày một lớn mạnh hơn.
Năm 1971 đánh dấu một bước tiến quan trọng của OTC market với sự ra đời của hệ thống NASDAQ hoặc National Association of Securities Dealers Automated Quotation System. Từ thời diểm này, một số các chứng khoán OTC được lên danh sách và buôn bán qua hệ thống điện toán nối liền các brokers, traders và market makers mà không cần nằm trong một exchange nào hết.
Nói nôm na, một số OTC stocks được “phong tước” và được ngồi vào một “chiếu riêng”. Điều hết sức bất ngờ là một số công ty trong NASDAQ sinh sau đẻ muộn như Microsoft, Intel, Dell v.v… trong thời đại mới của khoa học kỹ thuật lại phát triển vượt bực qua mặt luôn cả những công ty thuộc loại tiền bối lão thành như Disney, Ford, Coca cola v.v…. Họ vẫn trung thành với NASDAQ và không cần vào các exchanges dù dư điều kiện để gia nhập.
NASDAQ ngày nay được chia thành hai thành phần chính: NASDAQ National Markets Issues bao gồm khoảng 2700 công ty lớn nhất và NASDAQ Small Cap Issues bao gồm khoảng 1500 công ty nhỏ hơn.
Nói chung NASDAQ gồm đa số là các công ty kỹ thuật (technology) cho nên sự phát triển tuy không lâu đời bằng NYSE hoặc AMEX nhưng vẫn thường được gọi là thị trường của tương lai và là một bộ phận hết sức quan trọng của thị trường chứng khoán nói chung.
Ngày nay, các công ty nào mà cổ phiếu được lên danh sách trao đổi trên NASDAQ cũng đã là một thành tích không nhỏ.
Tuy nhiên vẫn còn sót lại một số rất lớn các công ty không thể đủ điều kiện để được vào danh sách các Exchanges hoặc Nasdaq. Họ đành phải buôn bán các chứng khoán qua hệ thống National Quotations Bureau và niêm yết trên những tờ giấy màu hồng nên thường được gọi là “pink sheets” stocks. Hiện nay có vào khoảng 11,000 công ty thuộc dạng “pink sheets” như vậy.
Tất cả các cổ phiếu công ty được buôn bán, trao đổi trong các exchanges, Nasdaq và OTC hợp thành cái gọi là Thị Trường Thứ Nhì (Secondary market). Thị trường thứ nhất (Primary market) sẽ được trình bày tiếp sau đây.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Chính phủ nên bơm tiền vào thị trường chứng khoán
By in forum Giải pháp phát triển TTCKTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM -
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM SAU HƠN 3 NĂM
By in forum Nhận định Thị trườngTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM -
Thi truong chung khoan VN
By in forum Giải pháp phát triển TTCKTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM -
Phim về thị trường chứng khoán
By in forum CLB Chứng khoánTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM -
giao dich tren thi truong chung khoan doi voi chung khoan niem yet va chung khoan chua niem yet
By in forum Kiến thức Chứng khoánTrả lời: 0Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM
Bookmarks