Nền kinh tế… một chân
TTCK là kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế bên cạnh nguồn vốn ngắn hạn là ngân hàng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà TTCK đang ngày càng trở nên kiệt quệ và mất đi vai trò quan trọng của nó.

Trong bài phỏng vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuần qua có thông điệp đáng chú ý. Đó là vốn cho nền kinh tế Việt Nam phải đi bằng 2 chân: vốn ngắn hạn ở ngân hàng và nguồn vốn trung dài hạn ở TTCK.
Tuy nhiên, thực tế đang hoàn toàn khác, do hệ quả từ các chính sách quản lý, điều hành còn nhiều chỗ duy ý chí, do hạn chế về kiến thức và thói quen đầu tư nặng về cảm tính, cũng như những yếu kém từ bản thân chất lượng hàng hóa và 101 lý do khác, TTCK đang ngày càng trở nên kiệt quệ và mất đi vai trò quan trọng của nó.
Cách ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI ví những nhà đầu tư đến tham dự hội thảo của SSI như những "chiến binh cuối cùng" đã cho thấy một thực trạng quá buồn của TTCK Việt Nam. Trước đó, bên lề một hội thảo nhận định các kênh đầu tư năm 2011 tại Hà Nội, rất nhiều nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn và hô quyết tâm "cai nghiện" chứng khoán sau 6 năm gắn bó. Ghé sàn một CTCK thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, trước đông vui là vậy, nay lác đác một vài nhà đầu tư và CTCK cực chẳng đã phải tắt bớt bảng điện tử để…tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, lãi suất tiền đồng, giá vàng, USD nổi sóng đã nhấn chìm chứng khoán.
Nhìn ra thế giới, trong cơn bão tài chính, cơ quan điều hành thị trường và chứng khoán châu Âu, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ đã ban hành lệnh cấm bán khống chứng khoán của các công ty tài chính. Động thái này nằm trong nỗ lực chung nhằm lấy lại niềm tin của thị trường đã bị đổ vỡ bởi các đồn đoán về mức độ khủng hoảng tài chính và chi phí vay mượn tăng cao. Trước đó, trong một phiên giao dịch đầy sóng gió từ dư chấn hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, nhà chức trách Hàn Quốc đã ra lệnh tạm đóng cửa thị trường bởi chỉ số Kospi đã giảm quá 7%. Trong bài phát biểu cuối tuần qua, tổng thống Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các nghị sỹ 2 **** "Trình diễn nghệ thuật chính trị thế là đủ. Hãy chuyên tâm vào việc thống nhất để đưa ra chính sách hỗ trợ nền kinh tế, tạo niềm tin cho dân chúng và nhà đầu tư". Các TTCK thế giới, sau đó đã xanh trở lại.
Trở lại với Việt Nam, trong một bản tin của hãng BBC phát đi tuần qua, Andrew Colquhoun, người đứng đầu bộ phận đánh giá mức độ khả tín của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương của Fitch nói: "Mức độ khả tín quốc gia của Việt Nam vẫn chịu sức ép do có những rủi ro tiềm tàng đối với ổn định kinh tế do tình trạng lạm phát cao và những vấn đề còn chưa được giải quyết trong ngành ngân hàng". Đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, họ chưa vội tin vào một loạt phát biểu của các quan chức Chính phủ mới. Trong số đó, những phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được chú ý hơn cả, bởi chính sách thắt chặt tiền tệ đang khiến rất nhiều doanh nghiệp lao đao. Sẽ ấn tượng hơn nếu ông Bình và các đồng sự của mình thực hiện được đúng điều mà ông đã nói trong thời gian tới. Tháng 8 đã qua nửa thời gian!
Khi năng lực điều hành chính sách được chứng minh, doanh nghiệp sẽ được hà hơi, tiếp sức, niềm tin sẽ dần trở lại trên TTCK. Khi ấy, nói những việc xa hơn như tái cấu trúc thị trường, củng cố tính minh bạch, tách bạch và chuẩn hóa chức năng dẫn vốn của kênh ngân hàng, kênh chứng khoán…mới có thể thu hút được sự quan tâm của công luận. Liệu nền kinh tế này có đi trên 2 chân vốn là hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán như những nền kinh tế khác hay không? Câu trả lời đang để ngỏ trong tay các nhà quản lý, điều hành.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Nền kinh tế… một chân