Vì sao SCIC thoái vốn?
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập năm 2005 theo Quyết định số 151 và 152/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2006 với 4 sứ mệnh: Nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ; Cổ đông năng động của doanh nghiệp; Nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp; và doanh nghiệp được quản trị theo chuẩn mực quốc tế…

Hoạt động của SCIC được định hướng tập trung chủ yếu vào: Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp; Thực hiện quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp với tư cách đại diện chủ sở hữu; Đầu tư (bổ sung) hoặc thoái đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC; Cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Sau hơn 6 năm hoạt động, SCIC đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc bảo toàn và phát huy phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; cũng như góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời giúp tăng trưởng giá trị bền vững, cải thiện môi trường, phương thức và hiệu quả quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, trước hết về khả năng cạnh tranh và phát triển, tình hình tài chính, tiến bộ công nghệ và chất lượng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên…
Với tư cách là đại diện duy nhất chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện quyền đầu tư tài chính, kinh doanh vốn theo những nguyên tắc, quy luật thị trường, tính đến ngày 30/6/2008, SCIC đã tiếp nhận 876 doanh nghiệp với lượng vốn Nhà nước 8.035 tỉ đồng. Tính toán sơ bộ cho thấy, khoảng 40% trong số này có tỉ suất lợi nhuận thấp, và 10% làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp liên kết của SCIC hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin. SCIC cũng đã cơ cấu lại một số ngành và doanh nghiệp lớn như Pacific Airlines, Bảo Minh (BMI), Vinamilk (VNM)…
Trước mắt, SCIC đang tập trung xây dựng và thúc đẩy kế hoạch cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh thoái vốn tại những doanh nghiệp cổ phần hóa mà SCIC đang nắm giữ theo tinh thần: Bán đi các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, chỉ giữ lại vốn tại khoảng 100 doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả nhất, để tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng của nền kinh tế. Tính đến thời điểm ngày 30/6/2011, SCIC đã bán vốn tại gần 520 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 466 doanh nghiệp) với giá trị sổ sách gần 1.300 tỉ đồng, thu về gần 2.800 tỉ đồng, đạt tỉ lệ trung bình gấp gần 2,17 lần so với mệnh giá…
Mới đây, SCIC đã điều chỉnh bổ sung danh sách bán vốn Nhà nước năm 2011 thêm 50 doanh nghiệp; điều chỉnh bổ sung danh sách bán vốn Nhà nước năm 2012 thêm 53 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2011 và 2012, SCIC sẽ bán vốn Nhà nước tại 420 doanh nghiệp.
Cần nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc công khai kế hoạch thoái vốn, cần thực hiện phân nhóm nhỏ các doanh nghiệp và tái cơ cấu ngành để thoái vốn, cũng như đa dạng hóa cơ chế thoái vốn và mở rộng hơn “room” tỉ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp cổ phần, để đẩy nhanh quá trình sắp xếp lại các nguồn lực khu vực doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, nền kinh tế nói chung, tăng cường sức mạnh tập trung của khu vực kinh tế Nhà nước, đề cao hơn vai trò khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời còn giúp giảm thiểu những tổn thất và tăng sự đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, cơ chế thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp “hậu cổ phần hóa” cần cân nhắc đầy đủ đến mục tiêu bảo đảm ổn định và hiệu quả hoạt động bền vững của doanh nghiệp cũng như làm tăng tính hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, nhất là đối với các doanh nghiệp mà cổ phần Nhà nước còn chiếm mức khống chế. Mặt khác, cần khẳng định rằng, đấu giá công khai, chứ không phải thỏa thuận, vẫn là hình thức minh bạch hơn cả khi SCIC thoái vốn từ các doanh nghiệp.
Để tránh được nỗi lo ngại về việc nguồn vốn Nhà nước và tài sản công bị hao hụt qua quá trình thoái vốn, cần có các tiêu chí cụ thể và khoa học để đánh giá đúng giá trị (nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá thuê đất) và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như sử dụng kiểm toán độc lập; nhất là cần làm sao để việc thoái vốn không là cơ hội để một số người làm giàu từ tài sản Nhà nước trong quá trình được cử quản lý doanh nghiệp…
Đối với doanh nghiệp sử dụng đất thuê, giá sẽ phải sát với thị trường và không để tình trạng giá thuê đất của Nhà nước quá thấp so với giá thị trường, làm lợi không chính đáng cho doanh nghiệp Nhà nước và gây cạnh tranh không bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thích hợp (như thi tuyển, tiến cử và tăng cường thông tin, giám sát, xử lý kịp thời theo các tiêu chí và chế tài công khai, đủ mạnh…) để những người đại diện phần vốn Nhà nước “ngồi đúng chỗ”, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như sự hào hứng của khu vực tư nhân đối với việc mua cổ phần…
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong
báo năng lượng mới



Xem bài viết: Vì sao SCIC thoái vốn?