Morgan Stanley nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của thị trường mới nổi lên cao nhất từ tháng 4/2009 nhờ giá thấp lịch sử và khả năng tăng trưởng vượt bậc.

Xem tin:
http://gafin.vn/20110815011758193p0c...nhat-2-nam.htm

Theo nhóm phân tích của Morgan Stanley do ông Jonathan Garner đứng đầu, ngân hàng này đã nâng tỷ trọng cổ phiếu của các thị trường mới nổi trong danh mục đầu tư lên 58%.

Được biết, Morgan Stanley đã cắt giảm nắm giữ trái phiếu bằng đồng USD và đồng euro để tài trợ cho động thái trên.

Chỉ số MSCI thị trường mới nổi đã giảm 15% kể từ khi Morgan Stanley nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các quốc gia đang phát triển vào ngày 04/07. Theo số liệu của Bloomberg, hiện chỉ số này có P/E forward là 9,9 lần, thấp hơn so với mức trung bình 5 tuần qua là 10,7 lần.

Theo ông Garner, suy thoái toàn cầu vẫn là một rủi ro tương đối thấp vì sự sôi động của thị trường hàng hóa, chính sách của ngân hàng trung ương các nước phát triển và lạm phát suy yếu tại các thị trường mới nổi.

Cuộc khủng hoảng tại châu Âu và Mỹ đã khiến Morgan Stanley ngày càng tin tưởng rằng thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với các thị trường phát triển trong nửa cuối năm.

Ngân hàng này hạ dự báo cuối năm 2011 đối với chỉ số MSCI thị trường mới nổi giảm 8%, tức từ 1.305 điểm xuống 1.200 điểm và chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) từ 550 điểm xuống 510 điểm.

Bên cạnh đó, Morgan Stanley dự báo chỉ số MSCI thị trường mới nổi sẽ đạt 1.305 điểm vào giữa năm 2012 và 1.355 điểm cuối năm 2012.

Ngân hàng này cho rằng việc Trung Quốc cho phép nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn là một yếu tố tích cực đối với quá trình tái cân bằng toàn cầu, sức chi tiêu của châu Á và các thị trường chứng khoán mới nổi.

Morgan Stanley tăng tỷ trọng đầu tư vào các thị trường như Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Nga và các lĩnh vực năng lượng, nguyên vật liệu, tài chính.