Không dễ 'xử' ngân hàng
Nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng, sàng lọc và loại bỏ các ngân hàng yếu kém là một yêu cầu đã đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, với cách làm như từ trước đến nay, e rằng mọi việc khó thành và "đâu lại vào đó".

Mới nhậm chức, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ và chấn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ và yếu kém cần phải hạn chế và loại bỏ.
Đây là một quan điểm không mới, đã được các chuyên gia kinh tế, thậm chí cả cơ quan quản lý chuyên ngành ngân hàng, nhắc đến nhiều lần như một biện pháp mạnh mẽ cần thiết để Việt Nam có được một hệ thống ngân hàng tốt, hướng tới tiêu chuẩn chung của thế giới.
Quan điểm này dường như thêm được củng cố khi các quy định về thành lập ngân hàng mới, hoạt động đầu tư ngân hàng đang được xây dựng đều theo hướng siết chặt để nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nói như vậy, đề ra là thế nhưng thực thi không hề đơn giản.
Cho đến thời điểm này, đã bước qua nửa cuối của năm 2011, "món nợ" tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của nhiều ngân hàng từ năm ngoái vẫn còn "treo". Theo quy định, cuối năm ngoái, 31/12/2010 là hạn chót để các ngân hàng phải tăng vốn đủ 3.000 tỷ đồng - một tiêu chí quan trọng để khẳng định quy mô và chất lượng của các ngân hàng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo nhiều lần sẽ xử lý nghiêm kể cả giải thể, sáp nhập nếu không hoàn thành.
Thế nhưng, rất nhiều ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu mà vẫn được ưu ái cho hoãn đến cuối 2011 bỏ qua mọi quy định và cảnh báo trước đó với một lý do dễ thống cảm "khó khăn chung của thị trường".
Vốn điều lệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất thể hiện độ lớn mạnh về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, lộ trình tăng vốn luôn không đúng hẹn. Trước đây, khi yêu cầu tăng vốn đạt 1.000 tỷ đồng, nhiều ngân hàng không đủ vốn vẫn được in lăng cho qua. Hậu quả là cho đến nay, vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ, không đủ điều kiện vẫn tồn tại và hoạt động bình thường như "không có gì xảy ra".
Không hoàn thành việc lớn mà trong nhưng yêu cầu hoạt động hàng ngày các ngân hàng cũng thường xuyên không đạt yêu cầu. Tăng trưởng tín dụng là một tiêu chí hoạt động quan trọng của ngân hàng có tác động tới nền kinh tế nên được quản lý khá chặt. Song, trong nhiều năm gần đây, năm nào hệ thống ngân hàng cũng đều vượt chỉ tiêu đề ra và vượt rất xa. Có năm vượt gần gấp đôi, thậm chí có năm thực hiện muc tiêu ổn định vĩ mô nhưng tín dụng vẫn tăng cao hơn mức không chế. Hậu quả để lại chính là lạm phát trầm kha và kéo dài như hiện nay.
Câu chuyện thời sự hiện nay là dù cơ quan quản lý đã cảnh báo từ lâu và có thời gian hơn 3 tháng để giảm tín dụng phi sản xuất nhưng vẫn có gần một chục ngân hàng không về đích đúng hẹn. Và các ngân hàng vi phạm không đạt yêu cầu vẫn chưa được công khai và xử lý.
Không chỉ không thực hiện đúng các quy định mà như thành môt thói quen mỗi khi đối mặt với những yêu cầu nâng cao chất lượng, rất nhiều ngân hàng lại kêu ca, thậm chí bằng nhiều cách để gây tạo dư luận và gây sức ép lên cơ quan quản lý "lùi bước" nhằm loại bỏ hoặc ít ra cũng và trì hoãn theo hướng có lợi, tìm cách che đậy và hợp thức hóa các yếu kém của mình.
Chẳng hạn, đó là việc triển khai thực hiện Thông tư 13.
Ngay hiện nay, khi cả nước đang đối đầu với lạm phát cao thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20%, giảm tín dụng tiêu dùng... thì nhiều ngân hàng vẫn tìm mọi cách để xin tăng, tìm cách lách nhằm kiếm lợi tối đa.
Thói quen tự ưu đãi và dễ dãi với mình nhưng ngân hàng lại quen với cách chèn ép và gây khó khăn cho người khác: những hiện tượng cho vay lãi suất cao, thu phí vô căn cứ, bán USD cao hơn giá niêm yết, làm khó người dân và DN khi cần vốn vay đã trở nên phổ biến. Rồi ngang nhiên vi phạm các quy định về lãi suất, tỷ giá... cũng không sao.
Rồi trong khi tất cả DN đều khó khăn và thua lỗ, ngân hàng vẫn lãi lớn. Có lẽ vì dễ kinh doanh, lại dễ được tha nếu có vi phạm hay không đủ tiêu chuẩn nên các nhà kinh doanh vẫn rất thích thành lập và kinh doanh ngân hàng.
Số lượng ngân hàng Việt Nam hiện quá nhiều so với quy mô và yêu cầu của nền kinh tế. Trong đó, rất nhiều ngân hàng nhỏ, yếu kém, không đóng góp nhiều mà còn gây ra những rui ro và bất ổn cho nền kinh tế. Nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng, sàng lọc và loại bỏ các ngân hàng yếu kém là một yêu cầu đã đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, với cách làm như từ trước đến nay, e rằng mọi việc khó thành và "đâu lại vào đó".
Lê Khắc
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Không dễ 'xử' ngân hàng