TS. Ngô Trí Long: Chiết khấu quá cao rồi than lỗ là vô lý

Nhà nước quy định DN xăng dầu chỉ chiết khấu cho đại lý 300 đồng/lít nhưng DN chi đến 1.000 đồng/lít.
Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả, việc Bộ Tài chính công bố cơ chế điều hành giá xăng dầu là chưa tính đến quyền lợi người tiêu dùng.
Tại sao? Vì “Bộ Tài chính luôn cho biết cơ chế điều hành sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Thế nhưng hiện tại Nhà nước đang thu khoảng 6.000 đồng/lít xăng, dầu từ các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và các loại phí…”.
Nhà nước thu thuế là để đóng góp ngân sách để chi cho an sinh xã hội, thưa ông?

Tôi không đồng tình chủ trương của Bộ Tài chính cho rằng sẽ khôi phục thuế nhập khẩu khi giá thế giới giảm. Quyền lợi của người dân ở đâu? Thuế đúng là một nguồn thu để chi đảm bảo cho an sinh xã hội. Song đối với xăng dầu, mặt hàng này rất nhạy cảm với đời sống người dân và hoạt động của nền kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chi phí vốn vay đến 20%/năm thì việc giảm giá xăng dầu hết sức có ý nghĩa. Nó sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các DN giảm chi phí đầu vào. Còn đối với người tiêu dùng, một lít xăng dù có giảm 500 đồng thì họ cũng cảm nhận được sự chia sẻ của Nhà nước.
Có lý do chưa thể giảm giá là vì DN đang lỗ từ hơn 300 đến trên 500 đồng/lít tùy mặt hàng. Trong khi đó, các DN cho rằng họ phải tăng chiết khấu hoa hồng cho các đại lý lên 1.000 đồng/lít để đẩy hàng tồn. Ông bình luận gì về điều này?
hai vấn đề cần bàn. Mức chiết khấu là do DN thỏa thuận với đại lý. Khi chiết khấu tăng lên thì được hiểu là DN nhường bớt lợi nhuận cho đại lý. Nếu chiết khấu lên tới trên 1.000 đồng/lít, DN chịu được mà lại nói “không có điều kiện giảm giá” là điều vô lý, bởi nó chứng tỏ DN vẫn có lãi vì lợi nhuận định mức mà Nhà nước quy định là 300 đồng/lít mà thôi.
Nếu DN nói là phải chạy đua tăng chiết khấu để đẩy hàng tồn thì cần phải xem lại cơ chế tính giá 30 ngày. Giá dầu thế giới họ điều chỉnh hằng ngày, nay chúng ta tính trong thời gian quá dài như vậy có nên không? Nếu không có sự điều chỉnh cách tính này thì mục tiêu giá xăng dầu theo cơ chế giá thị trường, có lên có xuống theo giá thế giới là bất khả thi.
Hơn nữa, DN luôn đặt mục tiêu vì lợi nhuận lên hàng đầu, trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn chưa có sự cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước nên ấn định giá. Petrolimex chiếm 60% thị phần thì rõ ràng là anh này đang giữ vị thế độc quyền. Nhà nước điều hành giá không phải là quay lại cơ chế bao cấp mà Nhà nước chỉ nên đưa ra giá để DN tự tính toán thời điểm nhập hàng sao cho có lợi.
Hôm 12-8, Bộ Tài chính công khai giá cơ sở giá xăng dầu, giá nhập khẩu trong 30 ngày qua. Đây là lần đầu tiên bộ này công khai dư luận về những con số này. Ông đánh giá điều này như thế nào?
Thực tế việc công khai này là tốt. Tuy nhiên, tôi băn khoăn cách tính giá cơ sở có hợp lý không? Ai sẽ xác nhận giá cơ sở đó? Cần phải có một cơ quan có đủ khả năng thẩm tra vì số liệu quyết toán của cả một quá trình. Chỉ riêng Petrolimex, dư luận vẫn đặt câu hỏi tại mỗi lần buộc giảm giá xăng, hầu hết anh này kêu đang lỗ. Còn khi lên sàn thì anh lại báo cáo lãi. Có sự gì không minh bạch ở đây?
Xin cảm ơn ông.
Lê Thanh thực hiện
pháp luật tphcm



Xem bài viết: TS. Ngô Trí Long: Chiết khấu quá cao rồi than lỗ là vô lý