Doanh nghiệp niêm yết: Phản ứng nhanh với kịch bản xấu
Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp niêm yết đã có những phản ứng mau lẹ với các sự cố ngoài ý muốn khi cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời đến nhà đầu tư. Đây chính là những điểm sáng đối với TTCK Việt Nam.
Khi xảy ra vụ nổ tối 3/8 mới đây tại CTCP Dược Hậu Giang (DHG), bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty đang trên đường đi công tác. Lập tức, người lãnh đạo cao nhất tại Dược Hậu Giang đã quay trở về Công ty ngay trong đêm.
Chỉ 4 giờ sau vụ nổ, văn bản gửi cơ quan quản lý thị trường và thông cáo báo chí đã được đặt lên bàn lãnh đạo Dược Hậu Giang, chờ ký và đóng dấu. Sáng sớm hôm sau, trang thông tin điện tử của Công ty đã thông báo về vụ nổ, đồng thời một cuộc gặp gỡ các phóng viên báo địa phương và các cơ quan thông tấn thường trú Trung ương được cấp tốc tổ chức.
Cùng lúc, qua email, thông cáo báo chí được gửi tới nhiều cơ quan truyền thông và cả quỹ đầu tư, CTCK lớn. Trước khi phiên giao dịch sáng 4/8 đóng cửa, sự cố đã kịp thông tin ra thị trường khi Công ty sớm gửi công văn tới Sở GDCK TP. HCM để đăng tải. Toàn bộ sự ứng biến diễn ra dồn dập trong chưa đầy nửa ngày!
Hai ngày sau đó, DHG chính thức công bố thêm về con số thiệt hại khoảng 34 tỷ đồng, cộng với thông tin Công ty đã mua bảo hiểm cháy nổ. Phản ứng mau lẹ của Công ty khiến một quỹ đầu tư nước ngoài bình luận: "Đánh giá một cách nghiêm túc, công tác IR của Dược Hậu Giang như vậy là quá tốt. Tốt không khoe, xấu không che là văn hóa quản trị DN không phải công ty niêm yết nào cũng có thể thực hiện tương tự".
Cùng phản ứng mau lẹ tương tự với các sự cố ngoài ý muốn mới đây là trường hợp của CTCK Kim Long (KLS) hay CTCP Vĩnh Hoàn (VHC). Với KLS, gần đây đã xuất hiện một bài viết nêu nghi vấn về 1.600 tỷ đồng cổ phiếu cầm cố ngoài bảng trong báo cáo tài chính quý II thuộc về các lãnh đạo Công ty. Ngay chiều cùng ngày bài viết được công bố, lãnh đạo Công ty đã có thông tin chính thức gửi cơ quan quản lý và các báo, đài, phủ nhận thông tin mà bài báo trên đăng tải.
Theo lãnh đạo Công ty, KLS nhận thấy cần công bố thông tin kịp thời để tránh gây hiểu nhầm cho các cổ đông và các NĐT quan tâm đến cổ phiếu. Một số trang báo mạng và nơi khởi thủy của bài phân tích trên đã lặng lẽ rút bài viết xuống như một sự sửa sai.
Tại CTCP Vĩnh Hoàn, khi báo chí nước ngoài đưa tin sai lệch về việc cá tra của Công ty bị ngưng bán ở Anh và sau đó một số phương tiện truyền thông trong nước vô tình đưa tin lại, ngay tức thời Công ty đã gửi thông cáo báo chí phủ nhận các thông tin thất thiệt trên không chờ đến khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Tuy nhiên, những DN phản ứng nhanh với các thông tin xấu như Vĩnh Hoàn, Kim Long hay thực hiện tốt quan hệ IR như Dược Hậu Giang vẫn còn là thiểu số. Một trong các vùng trũng nhất của TTCK Việt Nam hiện nay là sự minh bạch thông tin. Năm nào đến mùa công bố kết quả kinh doanh cũng có nhiều DN trễ hẹn với các cổ đông, dù đó là loại nghĩa vụ bắt buộc.
Sâu hơn về chất lượng thông tin cũng rất đáng bàn khi các con số lợi nhuận trước và sau kiểm toán vênh nhau đến chóng mặt. Cổ đông, NĐT mất công đọc giải trình, sau đó toàn thấy các lý do chung chung thuộc về khách quan, mà trách nhiệm phần lớn không thể quy kết cho lãnh đạo DN.
Trong số các cổ phiếu đang bị hạn chế giao dịch, một số mã như DVD, VKP... đã hoàn toàn rơi tự do. Một trong các lý do là DN đang sa lầy, nhưng ở góc khác là sự thiếu minh bạch. Thử hỏi làm sao NĐT có thể tin tưởng vào sự phục hồi của một DN như Dược Viễn Đông khi bước sang quý III mà báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2011 vẫn chưa nộp?
Thông tin được ví như linh hồn của TTCK và khi sự không rõ ràng, minh bạch ngự trị theo số đông thì TTCK đang thể hiện cho thấy một khuôn mặt méo mó, lệch lạc khi cổ phiếu của hơn 40% số DN niêm yết trên cả hai sàn hai sàn đang lặn sâu dưới mệnh giá. Trách nhiệm về sự minh bạch này thuộc về tính tự giác của DN và chế tài của cơ quan quản lý thị trường.
Mới đây CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã tạo nên một ngoại lệ khi công bố thông tin kết quả kinh doanh dự kiến… âm trong quý II ngay từ đầu tháng 6. Theo ông Lê Quốc Bình, Giám đốc tài chính CII, đó là việc cần làm để tránh việc các cổ đông nội bộ thực hiện giao dịch nội gián dựa trên lợi thế về tiếp cận thông tin. Ngay lập tức, cổ phiếu CII đã phải chịu làn sóng bán tháo của nhiều NĐT.
Trao đổi với ĐTCK, ông Bình gọi việc thị trường định giá cổ phiếu CII và nhiều công ty quá thấp như hiện nay là "nỗi đau của các CEO". Dự kiến, cuối tháng 8 tới đây, CII sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ quy mô lớn với NĐT, CTCK và các quỹ để phân tích chi tiết về tình hình tài chính Công ty để thị trường hiểu đúng và đầy đủ về cổ phiếu CII. Hành động của CII đáng biểu dương và xứng đáng được nhân rộng khi số NĐT bám trụ với thị trường ngày càng vơi dần.
Với các DN niêm yết, hy vọng các phản ứng nhanh tương tự không chỉ diễn ra lúc thị trường xấu như hiện nay, mà là công việc nên tiến hành thường xuyên để thắp lại lửa cho thị trường.
Ngọc Giang
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Doanh nghiệp niêm yết: Phản ứng nhanh với kịch bản xấu