Threaded View
-
12-08-2011 06:26 PM #1
Ký sự về công ty chứng khoán
------------------------------------
Nick: Nguyen Quan
Topic: Quán nhỏ ven đường
------------------------------------
Công ty chứng khoán
(09/08/2011)
Đã nói đến TTCK thì khó bỏ qua được CTCK. Đó là nơi biến ước mơ thành hiện thực, và biến cả điều sợ hãi thành hiện thực.
Giai đoạn bùng nổ của TTCK Việt Nam 2005 - 2007 kéo theo một con sóng thành lập CTCK mạnh mẽ chả kém gì sóng ngân hàng trước đó.
Một TTCK bé như lỗ mũi mà có đến hàng trăm CTCK được thành lập một cách hăm hở, mơ mộng và đầy tin tưởng vào một tương lai tươi sáng với lợi nhuận kếch xù. Thế nên mới có chuyện CTCK FPTS mới thành lập đã được chào mua quyền với giá 120.000 VNĐ/quyền mua một cổ phiếu.
Với khí thế hừng hực như đi hành quân, với ý nghĩ rằng lập ra CTCK là ăn chắc lợi nhuận nên phong trào thành lập, mua bán CTCK những năm 2005 - 2007 gần như được đẩy lên thành sóng thần.
Được tham gia thành lập CTCK ngay từ đầu gần như là một đặc quyền vì nó đồng nghĩa với siêu lợi nhuận trong chớp mắt, và nó thường được dùng cho các mối quan hệ chiến lược cấp cao.
Cũng như ngân hàng, nhà nhà lao vào mở và mua bán CTCK, từ anh xúc than đến chú thợ điện, từ bác lái xe khách đến chị bán tôm. Các CTCK nở rộ với giấc mơ chỉ cần tư vấn và ôm hàng đúng một quả sẽ đổi đời. Ít nhất 8 trong 10 CTCK được lập ra với kế hoạch làm tự doanh, siêu lợi nhuận này nọ.
Điều này gợi nhớ đến kế hoạch của người nông dân nuôi bò sữa: thay vì anh lên kế hoạch nuôi bò và doanh thu chính từ sữa thì đa phần các nông dân ăn bánh vẽ từ nuôi bò và bán bò giống
CTCK - Nhân sự
(09/08/2011)
Chứng khoán là một ngành mới, rất mới ở Việt Nam, lại đòi hỏi trình độ nhân sự cao so với mặt bằng chung của xã hội, thuộc vào cái mà người ta thường gọi là nhóm tinh túy nên việc thiếu hụt nhân sự là đương nhiên.
Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp mà cả cấp chuyên viên bình thường cũng thiếu hụt trầm trọng và người làm nặng thêm lỗi này chính là UBCK.
Chương trình đạo tạo môi giới chỉ toàn lý thuyết, không biết điều chỉnh cho môi trường CK ở Việt Nam, khâu tổ chức kém, không lường hết để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của các CTCK.
Do vậy các CTCK không chỉ phải vật lộn, chào mời các nhân sự cấp vốn thiếu trầm trọng mà còn phải chạy vạy lôi kéo môi giới, thậm chí mượn bằng để lập cho đủ ban bệ theo yêu cầu của UBCK.
CTCK - Quy trình
(09/08/2011)
Mục tiêu đa phần không đúng đắn, nhân sự thì giật gấu vá vai, tâm lý thì chộp giật, nên đa phần các CTCK được thành lập và đưa vào hoạt động một cách nóng vội, bỏ qua nhiều quy trình sơ đẳng và tối cần thiết trong ngành CK.
Là một ngành liên quan rất nhiều đến tiền bạc, tham gia vào một thị trường có doanh số hàng nghìn tỷ mỗi ngày nhưng từ UBCK đến CTCK đến NĐT CK đều rất nghiệp dư, vào chốn chiến trường như đi chơi là chính: Chơi CK.
Trừ một vài công ty lớn, có chiến lược, thương hiệu, nhân sự và thị phần, nhiều CTCK không có lấy nổi một quy trình về quản trị rủi ro, về kiểm soát nội bộ, kiểm soát giao dịch,... Trên bàn giấy của UBCK thì mọi thứ xem ra rất đầy đủ, hoàn hảo, trên thực tế thì chẳng mấy nhân viên CK được tập huấn đầy đủ quy trình.
Ai cũng đang hối hả lao vào đu trend CK, đang hi vọng mỗi ngày lãi 5% - 10%, nên đều chặc lưỡi bỏ qua. Tiếc thay, khoảng thời gian vàng son không dài và một khi CK không còn tăng nữa, ai nấy quay đầu nhìn lại thì hỡi ơi
CTCK -Tự doanh
(09/08/2011)
Tự doanh, đó là điều mà mọi người nghĩ dễ như ăn kẹo.
Đúng là có một thời gian, chỉ cần anh đặt được lệnh mua là thắng. Thế nên mới có khái niệm đua lệnh ở Việt Nam, nơi mà người chỉ cần ngón tay nhanh đủ nhập được lệnh có thể kiếm được tiền tỷ/tháng.
Mà lập CTCK, làm thằng nhập lệnh cho NĐT thì ai nhanh bằng ta, blabla, thế là có tiền, mà đúng là có tiền thật. Nếu không tính giai đoạn 2004 trở về trước, thì một dạo CTCK nào cũng báo cáo lợi nhuận khủng khiếp, chủ yếu là nhờ tự doanh.
Lợi nhuận đến mức các CTCK trở nên chảnh, họ từ chối khách hàng, yêu cầu phải tiền nhiều mới tiếp. Còn lại tập trung vào tự doanh. Lúc đầu thì tự doanh niêm yết, nhưng hàng niêm yết chưa nhiều, thế là tự doanh lan sang OTC.
Bởi áp lực lợi nhuận và phương cách chia thưởng dựa vào lợi nhuận, thay cho một chiến lược đầu tư dài hạn, tự doanh của đa số CTCK lao vào đánh quả ngắn hạn.
Lúc thị trường đang tăng mạnh thì nhiệm vụ chính của tự doanh là chen lệnh. Tiếp đó là đi lùng hàng. Thị trường OTC sôi động bởi không chỉ NĐT cá nhân hay tổ chức, mà còn vì tự doanh đang hối hả tiêu tiền. Việc giải ngân được tiến hành rầm rộ trong khi không mấy ai nghĩ đến việc sau này sẽ thoái vốn bằng cách nào. Kỳ vọng lợi nhuận không chỉ khiến NĐT cá nhân mờ mắt mà nó còn làm cho những chuyên viên kinh nghiệm, bằng cấp đầy mình trở nên tham lam vô độ. Thực tế và cả viễn cảnh sang giàu, được mọi người trọng vọng, ai cũng ngóng vào khiến cho đội ngũ tự doanh ngủ quên trên chiến thắng. Tự doanh đi đâu cũng kéo theo bầy đoàn thê tử các bạn bè và NĐT thân thiết để chia nhau lợi nhuận. Tự doanh được xem là nguồn tin mật quan trọng nhất trong đầu cơ CK và các chuyên viên tự doanh một thời lên xe xuống ngựa, được trọng vọng bậc nhất trong thị trường.
TTCK xoay chiều ở đỉnh cao 1170 năm 2007 và ... tự doanh bắt đầu mắc cạn.
CTCK - Tự doanh mắc nạn 2008
(09/08/2011)
Không được hướng dẫn bởi một quy trình đầu tư và quản trị rủi ro tốt, chưa có kinh nghiệm xử lý trong khủng hoảng vì TTCK Việt Nam mới bắt đầu không lâu, các đội tự doanh của các CTCK hành xử thường đơn giản: tăng mua thêm để bình quân giá. Thoạt đầu cũng với các quỹ và NDT còn dồi dào tiền mặt, cách ứng xử này của các tự doanh giúp cho TTCK rơi chậm lại, tạo sóng nhỏ dập dềnh ở đỉnh. Thậm chí còn có thể tạo ra một vài hiện tượng xuất thần như tứ đại thiên thần: BMC, LBM, HAX, TCT, tăng giá siêu khủng ngay cả khi TT trong downtrend.
Tuy nhiên, đợt suy giảm 2007 - 2008 không phải tầm thường, nó không phải là một sự điều chỉnh trong xu thế tăng, mà là đảo chiều đi xuống bền vững. Kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng, các bất cập trong chính sách phát triển Việt Nam đã đến lúc không thể che giấu được trong khi lượng cung cổ phiếu vượt nhanh so với tiền đổ vào.
TT rơi chầm chầm rồi tăng tốc mạnh về sau và đa phân các đội tự doanh chết kẹp. Hầu hết các CTCK lỗ nặng năm 2008 với những khoản đầu tư (đầu cơ mới chính xác) thảm hại, không những chỉ mất giá mà còn cả mất thanh khoản, bán chẳng ai mua. Đặc biệt, những giao dịch OTC trở thành gánh nặng trên bảng cân đối kế toán.
Những anh hùng tự doanh từng một thời được tôn vinh, làm mưa làm gió năm 2006 - 2007 bây giờ đối mặt với nợ nần và thất nghiệp. Nhiều CTCK cạn kiệt tiền mặt do không quản trị tốt tài chính và rủi ro, đành giảm hoạt động và sa thải nhân viên.
Những ngôi sao sáng chói nhất trên TTCK, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, lại trở thành tội đồ kéo VNI xuống vực thẳm. Những mã CP như BVS, SSI với thị giá cao ngất đến vài trăm nghìn đồng/cp rớt giá thảm hại mà trong đó có một phần lỗi lớn của tự doanh.
Thế nên mới có câu chuyện là một CTCK thành lập muộn, không kịp tham gia kinh doanh, bị cổ đông mắng như té nước lại trở thành anh hùng, bảo toàn được vốn khi TTCK suy giảm.
CTCK - Tự doanh lướt sóng
(09/08/2011)
Đại nạn 2008 làm lộ ra các yếu điểm của TTCK nói chung và CTCK nói riêng, nhưng nó chưa đủ để làm chết người. TTCK cũng như ngân hàng được hưởng lợi ngắn hạn từ chính sách kích cầu của Chính Phủ và có cơ hội để phục hồi nhưng rất ít CTCK sáng suốt nhận ra điều đó để rút lui (mặc dù có nhiều đại gia đủ sáng suốt để rút lui ra khỏi CTCK)
Kinh tế khó khăn, sản xuất không mấy dễ dàng nhưng tiền giá rẻ được cung ra nhiều thì chỉ có hai nơi tiêu tiền là nhanh nhất: BDS và CK. Mặc dù BDS miền Nam đã thoái trào từ 2008 nhưng BDS miền Bắc vẫn duy trì được thêm 3 năm nữa. Còn CK năm 2009 là câu chuyện Vàng. TT phục hồi mạnh từ đáy đi lên hơn hai lần trong năm, và câu chuyện đãi cát tìm Vàng lại lan truyền khắp chốn với VSP, KSH,... Có rất nhiều câu chuyện thần tiên được kể lại trên TTCK trong năm 2009 và cả năm 2010 sau này, và rất nhiều câu chuyện đó được viết nên bởi tự doanh CK.
Nhiều CTCK sau khi cấu trúc được các khoản đầu tư thảm hại trước đó một phần bằng cách cắt lỗ, còn phần nhiều là chuyển sang gồng dài hạn, chấp nhận đầu tư chờ cơ hội TT phục hồi, đã bắt nhịp được đà phục hồi của TT.
Rút kinh nghiệm lỗ lã đợt đầu, cùng với sự trưởng thành của các chuyên viên tự doanh, các CTCK đã biết hướng tự doanh vào lướt sóng, lợi dụng sự nâng đỡ thị trường từ SCIC hay các quỹ lớn để vừa đu vừa đẩy cổ phiếu, tạo ra các cơn sóng không chỉ ở trên TT mà ở từng cổ phiếu. Nhờ đó nhiều công ty từ lỗ lớn thành lãi lớn, xử lý được nhiều khoản đầu tư có vấn đề. Một số công ty biết dừng đúng lúc để tập trung vào các mảng dịch vụ ít rủi ro mà bền vững, hoặc hoàn chỉnh các quy trình đầu tư, quản lý rủi ro để kìm cương đội tự doanh, nhưng cũng có không ít các CTCK tiếp tục lao vào con đường tự doanh đầy rủi ro hoặc để bù đắp số lỗ trước đây hoặc vẫn còn hi vọng tự doanh chiến thắng thị trường.
Nhiều người đã hi vọng năm 2009 là đáy của TTCK và từ đó TTCK sẽ phục hồi về dài hạn như các TTCK khác. Than ôi, lúc thiên hạ phục hồi thì VN lại suy giảm do các bất cập của chính sách ngày càng lộ ra, nên đợt phục hồi của TTCK trong năm 2009 chỉ là một cú hồi dương rực rỡ để rồi tàn lụi.
TTCK gặp khó khăn khi công phá vùng 630 điểm và sau đó lùi dần từ cuối năm 2009, bắt đầu từ chính các BCs của thị trường, tức là sức mạnh đầu tư đã dần suy giảm.
Cảm nhận được điều đó, các đội tự doanh ngày càng tăng cường hơn việc lướt sóng cổ phiếu thay vì nắm giữ, và công nghệ lướt sóng, làm giá cổ phiếu ngày càng được nâng cao, bởi vì các đối tượng tham gia thị trường, đặc biệt các NĐT cá nhân, thường được xem là đàn để thịt bởi các đội tự doanh và các nhóm BBs lũng đoán được cổ phiếu.
Nhiều chiêu lướt sóng, làm giá được tự doanh đưa ra như lợi dụng bộ phận phân tích để tiêm nhiễm cho NĐT các nhận định về cổ phiếu có lợi cho hoạt động tự doanh, bắt tay với các nhóm BBs để lũng đoạn cổ phiếu.
Hết lũng đoạn cổ phiếu trên sàn, các đội tự doanh tìm đến các công ty OTC, đặc biệt là các công ty sắp niêm yết để vừa tìm hiểu cơ hội đầu tư vừa tìm cơ hội lướt sóng khủng dưới dạng đầu tư lớn, đầu tư chiến lược. Có hẳn một quy trình đầu tư chiến lược trong đó tự doanh sẽ đến các công ty sắp niêm yết, cùng với tư vấn phát hành/niêm yết, để cung cấp dịch vụ, tìm hiểu công ty. Nếu cảm nhận được tiềm năng cho một đợt làm giá khủng, tư doanh có thể đề nghị được tham gia đầu tư vào công ty với số lượng lớn (thường là kèm thêm vài VIP, vài mối quan hệ lớn), sau đó yêu cầu doanh nghiệp chế biến báo cáo theo ý mình, đưa doanh nghiệp lên sàn và bắt đầu tung hoành với CP. Ai đã từng đầu tư NTB chắc biết rõ ví dụ này.
CTCK - Tự doanh: con đường từ lướt sóng đến làm giá!
(09/08/2011)
Quan hệ tốt, thông tin nhiều, lại nắm rõ hoạt động của tài khoản CK của NĐT, các đội tự doanh có một vị thế không thể nào chê trách được trong cuộc đua tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường đầu cơ, nơi tiền không sinh ra, mà chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác.
Các đội tự doanh sau khoảng thời gian lướt sóng nhanh chóng nhận ra rằng các thông tin do tự doanh đưa ra có thể ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định đầu tư ngắn hạn của người khác, đặc biệt là các NĐT cá nhân. Niềm tin vào sức mạnh thông tin, kỹ năng và tài chính của tự doanh khiến rất nhiều NĐT đặt số phận, ước mơ và thậm chí cả hạnh phúc gia đình vào tay tự doanh bằng cách nhắm mắt đua theo lệnh tự doanh.
Thông tin về giao dịch CK của tự doanh được lùng kiếm như báu vật. Chẳng thế mà TTCK năm 2010 đã sôi lên không ít khi thông tin mua bán của các đội tự doanh được rao bán công khái trên TT.
Và thế là, thay vì mua bán theo TT, các tự doanh có thể liên kết với doanh nghiệp, tập trung vào các cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ, mua gom hoặc xả hàng một cách thuận lợi bằng cách kiểm soát và tung ra cổ phiếu và thông tin đúng thời điểm, bằng cách tạo ra sự đột biến trong giao dịch trên bảng điện và bằng cách rỉ tai úp mở về những di chuyển của tự doanh....
Những chiêu làm giá đa phần xuất phát từ tự doanh của CTCK (và của quỹ) rồi lan ra bên ngoài, khiến cho TTCK năm 2010 đầy nhộn nhịp với những đợt sóng cổ phiếu siêu hạng, mặc dù toàn thị trường chung hầu như không mấy thay đổi
Đặc biệt các đội tự doanh còn có một nguồn hàng lướt cực đỉnh, đó là cổ phiếu của chính các CTCK. Biết rất rõ nội tình của công ty lại được xếp ủy thác vốn lớn nên các tự doanh trở thành chúa trùm ở các CP chứng khoán. Thế nên mới có câu chuyện một giám đốc đầu tư của CTCK Hxx mới lên sàn đã dõng dạc tuyên bố rằng cổ phiếu của công ty không thể có giá dưới 18. Một loạt khách hàng VIP của công ty đu theo lời khuyên chí tính ấy với margin hàng khủng và nghe đâu nhiều tk đã kẹp ở cao độ mênh mông của cổ phiếu ấy.
CTCK - Tự doanh lâm nạn tập 2 và thoái trào của tự doanh CK
(09/08/2011)
Hiện tượng tự doanh lướt lát, làm giá, giành giật lệnh, thậm chí lợi dụng vị thế để chèn ép NĐT khiến cho sự chống đối tự doanh càng lúc càng gay gắt. NĐT chống đối vì lợi ích, UBCK kiểm soát vì rủi ro và bản thân CTCK bắt đầu chống đối vì lợi nhuận.
Làm giá cổ phiếu, đặc biệt cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ thì không khó khăn lắm đối với tự doanh, nhưng làm thế nào để thoát được hàng lại là một câu chuyện rất khác.
NĐT có thể vấp 1 lần, 2 lần và sau đó họ nhanh chóng rút ra bài học. Các đội tự doanh đầu tiên, người đi tiên phong trong chiến lược lướt sóng và làm giá, thường là thành công với lợi nhuận lớn. Nhưng điều này lại không dễ dàng gì đối với các đội tự doanh non nghề và đến muộn.
Câu chuyện SHS kẹp PVA phía hậu trường có thể còn nhiều điều để bàn, nhưng việc SHS dính đòn một trong những siêu cổ phiếu của TTCK năm 2010 ở đỉnh giá cao cho thấy tự doanh nhiều lúc bất quá cũng chỉ là một NĐT to xác, mà trong thị trường đang suy giảm, thì một NĐT to xác lại bất lợi hơn một NĐT nhỏ con.
Không những chỉ kẹp cổ phiếu do lướt lát, làm giá, các tự doanh có thể kẹp cổ phiếu do chiến lược bất hợp lý của chính các CTCK, hay sự phản thùng của CTNY mà em hi vọng sẽ bàn tới sau này, hoặc do chính ban lãnh đạo CTCK và bạn bè đổ vỏ cho tự doanh,... khiến cho nhiều tự doanh ôm đầy một bụng cổ cánh.
Tiền mặt cạn kiệt, TT vẫn nắm ở trong xu thế giảm và danh mục cổ phiếu - do "lịch sử để lại' thì đầy nhóc đủ loại cổ cánh mà chưa chắc một NĐT thông thường chịu nắm giữ.
Tự doanh thay vì là cứu tinh giờ lại trở thành gánh nặng cho công ty, cắt lỗ thật không dễ dàng mà để lại thì thật đắng cay. Và lần này thì dường như không tìm được người cứu như lần trước.
Khối u tự doanh đã đến lúc cần cắt bỏ. Có những CTCK chấp nhận cắt lỗ tự doanh để làm lại từ đầu, đó là những người dũng cảm. Nhưng nhiều CTCK chọn giải pháp ôm bom, chuyển thành các khoản đầu tư dài hạn hoặc chuyển sang các CT quản lý quỹ con, nhưng dù có chuyển thế nào thì đống cổ cánh kẹp vẫn còn và luôn chực chờ để xử lý.
Rất nhiều phiên giao dịch, khi NĐT cho rằng không còn cổ phiếu giá rẻ nữa thì đột ngột lượng cung hàng khủng tràn ngập thị trường, hoặc trong lúc thị trường vừa khởi sắc vài phiên sau một thời kỳ ảm đạm, cổ phiếu các NĐT chưa kịp về thì cổ phiếu của tự doanh và BBs đã được nhanh chóng tung ra.
Một số tự doanh khác nhạy bén hơn. Họ dùng chính số CP bị kẹp làm kho hàng để cho vay mượn bán khống, tạm ứng T+, từ đó kiếm lợi nhuận trên số vốn đã đầu tư, và mặc nhiên tăng thêm cung hàng cho thị trường khiến cho phe ủng hộ Uptrend lắm lúc kêu trời như bọng vì bị bên bán khống chặn mất đường về.
Tất nhiên mọi thứ không phải đều là do tự doanh tất cả, nhưng TTCK như này, cũng nên chia ít gạch và mắm tôm cho các đội tự doanh chăng?
CTCK - Môi giới
(10/08/2011)
Môi giới là bộ phận không thể thiếu được của một CTCK. Tự doanh nếu kém hiệu quả thì có thể bỏ đi, nhưng một CTCK sẽ là cái gì nếu không có môi giới.
Là người quản lý tài khoản của khách hàng chơi CK, môi giới có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Nếu theo các quy định và tiêu chuẩn của UBCK thì ai ai cũng nghĩ là môi giới là những chuyên viên kinh nghiệm đầy mình, trình độ thượng đẳng.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam lúc mới mở là TTCK nhập lệnh bằng tay và do áp lực đua lệnh, hầu như nhiệm vụ của các môi giới chỉ cốt làm sao cho lệnh của KH mình vào sớm là được, chuyện phân tích tính sau. Có những môi giới nhận được tiền huê hồng trị giá hàng tỷ chỉ nhờ mấy ngón tay. Lúc ấy môi giới làm đại diện sàn, nơi nhập lệnh cuối cùng, là đỉnh của đỉnh. Chỉ có những môi giới nhanh nhạy nhất mới được ngồi vào vị trí danh giá đó, chả kém gì chỗ ngồi các môi giới triệu phú USD ở sàn giao dịch NY.
Và lúc đó mâu thuẫn lớn nhất giữa môi giới và KH chính là việc chèn lệnh để ưu tiên các khách hàng thân thiết, khách hàng VIP...
Cuộc suy thoái 2007 - 2008 và việc áp dụng các phần mềm giao dịch online đã giúp loại bỏ công việc nhập lệnh bằng tay cũng như các môi giới làm công việc này. Nghề đại diện sàn mất hết ý nghĩa.
CTCK - Môi giới và phân tích
(10/08/2011)
Rời vai trò nhập lệnh, môi giới sau năm 2007 được yêu cầu cao hơn về nghiệp vụ, đặc biệt là khả năng tư vấn cho khách hàng.
Nhưng ở TTCK Việt Nam, 99.99% khách hàng lại đòi hỏi ngắn hạn, thích lướt sóng và ăn lồi mồm toát mỏ với 5%/ngày. Không mấy ai đề cập đến chuyện mua vào và để 3 - 5 năm cả, mà nghĩ cũng đúng, mua vào 2007 để đến 2010 thì khả năng toi nhiều hơn thắng.
Thế thời phải thế, các môi giới muốn trụ lại với nghề thì thay bằng phân tích cao siêu phải chạy đi tìm những quả đầu cơ ngắn hạn để phím cho khách hàng.
Khả năng giao tiếp, moi tin, dàn xếp deals được đánh giá cao hơn khả năng phân tích chuyên sâu. Tất nhiên, có đôi lúc có một số môi giới nổi lên với khả năng nhận định thị trường xuất sắc, nhưng than ôi, sau khi được phong làm anh hùng, các môi giới ấy sẽ được săn sóc đặc biệt, được khách hàng quan tâm ráo riết và chờ đợi lời sấm truyền của anh.
Áp lực đó không dễ gì chịu nổi, anh có thể đúng 7 lần sai 3 lần là quá lý tưởng trong TTCK. Nhưng một khi làm anh hùng, anh không được phép sai vì có quá nhiều người ngóng chờ theo anh. Vì thế khi các anh hùng môi giới đó đi sai đường, thật khó để họ sớm chấp nhận sai lầm và sửa chữa (mình là anh hùng mà), mà thường sẽ tìm cách lấp đi bởi những chiêu quen thuộc như gồng, bình quân giá,....
Vậy nên mới có chuyện có Trưởng Phòng môi giới của một CTCK hàng đầu nổi lên như là một ngôi sao sáng vào đầu năm 2010 và đến cuối năm 2010, nghe đồn là môi giới ấy được ưu ái làm hợp đồng dài hạn với công ty ... để trả cho hết nợ
CTCK - Môi giới và đội lái
(10/08/2011)
Phong trào làm giá cổ phiếu hay được dân chơi CK gọi là lái tàu đã có từ lâu, BMC, TCT, đến KSH, VSP, nhưng nó nở rộ nhất là là đoạn thời gian 2009 - 2010 khi hàng loạt mã CP vừa và nhỏ được đẩy tăng liên tục trong thời gian dài bất kể TT chung lên hay xuống. Các mã này được gọi chung cái tên là hàng nóng và những nhóm hỗ trợ giá chính được gọi là đội lái (tàu).
Trong khi những người nắm giữ BCs đa phần là phải ôm mối thất vọng do lực lượng đầu tư cơ bản bị suy yếu thì những dân chơi lướt sóng lại lan truyền những câu chuyện thần tiên về việc trúng đậm cái được gọi là hàng nóng trên. Với margin tốt và vào hàng đúng điểm, một phi vụ đầu tư vào hàng nóng còn đem lại lợi nhuận vượt qua dân đi rừng trúng kỳ nam. Một đồn mười, mười đồn một trăm, các NĐT càng thất vọng bao nhiêu về việc đầu tư dài hạn thì hàng nóng lại càng hấp dẫn bấy nhiêu.
Trong một môi trường mà đi đâu người ta cũng hỏi anh có biết hàng nóng không, có biết đội lái không thì một môi giới khó có thể hấp dẫn được khách hàng nhiều nếu không có quan hệ tốt với vài đội lái, rành rẽ thông tin đánh đấm trên thị trường được.
Vì vậy phân tích có thể tạm bỏ sang một bên, quan hệ với đội lái quan trọng hơn nhiều. Đội lái có thể là tự doanh, có thể là doanh nghiệp hoặc có thể là BBs trên thị trường.
Hiệu ứng đội lái là hiệu ứng theo quy mô. Một môi giới càng có nhiều khách hàng theo mình, càng quan hệ với nhiều đội lái thì xác suất đưa ra tư vấn chính xác càng cao, khách hàng càng tin cậy. Mà đội lái cần khách hàng của môi giới nên từ đó sẽ quan hệ với môi giới nhiều hơn.
Có không ít những môi giới có trình độ chuyên môn, được đặt vào những vị trí quan trọng như Trưởng các phòng giao dịch, khách hàng VIP nên vị thế, quan hệ, thông tin càng đáng nể. Cộng thêm với thông tin từ đội lái, thông tin từ các môi giới này đưa ra thực sự có ảnh hưởng rất lớn.
Rất nhiều khách hàng được lợi nhuận lớn từ các môi giới này, và doanh số cũng như cơ sở khách hàng của môi giới tăng khủng khiếp. Nếu môi giới chỉ duy trì tư vấn độc lập, hỗ trợ cho khách hàng thì đấy là một thành công vượt trội mà bền vững. Khổ nổi, ít người có thể dừng lại ở đó. Mình tài năng, giỏi giang thế, quan hệ thế mà chỉ làm giàu cho người khác, sao ta lại không làm giàu? Và thế là tự thân môi giới bước vào con đường trực tiếp đầu cơ, bắn tin cho bạn bè, thân hữu trước khi bắn tin cho khách hàng và từ từ mâu thuẫn lợi ích sẽ xuất hiện.
Trong thế giới tài chính, thời gian là một yếu tố quan trọng. Nhanh một bước chậm một bước đều có thể thay đổi cục diện cả. Trước khách hàng được ưu tiên vào lệnh trước, nay môi giới và bạn bè đi trước. Nếu cổ phiếu có lái tốt để tăng trần thì không sao, nếu đúng tay lái ẹ, cổ phiếu chưa tăng đã ngập ngừng giảm thì những người mua sau sẽ ăn đòn.
Các môi giới đều biết rằng tin rỉ tai có chân chạy rất lẹ nên không chỉ khách hàng của môi giới mà còn bạn của khách hàng, hàng xóm của bạn khách hàng rồi hàng xóm của hàng xóm của ... Vì thế nên một môi giới tốt thì môi giới và bạn bè và khách hàng cùng ăn, còn hàng xóm của khách hàng thì chưa biết chừng. Lúc đầu chỉ là do sơ ý, do TT không thuận nên các NĐT đu theo bị xả vào đầu. Nhưng rồi không ít môi giới nhận ra rằng việc xả vào đầu người khác, thậm chí cả khách hàng của mình đều không bị trừng phạt đầy đủ. Mà xả được một nhát, lắm khi còn hơn cả phí 10 năm, gì không xả, nếu tầm nhìn bạn không quá 1 năm!
Từ ý nghĩa kể như tốt đẹp ban đầu là lấy thêm thông tin hỗ trợ cho khách hàng, phục vụ cho việc phát triển khách hàng của môi giới và công ty, việc đua theo đội lái của nhiều môi giới đâm ra lệch lạc, mâu thuẫn quyền lợi cứ gọi là chan chát.
Bắt đầu từ việc đơn thuần tư vấn, nhiều môi giới có thông tin đội lái tốt tới mức chính lãnh đạo CTCK và thậm chí VIP lớn hơn từ UBCK cũng ngóng theo, khiến cho áp lực đối với môi giới đó trở nên nặng nề. Chỉ một lần mất lái là môi giới có thể đưa hàng loạt khách hàng, bạn bè rơi vào hố thẳm, đặc biệt nếu họ tin anh đến mức anh bảo múc là full margin.
Trong trường hợp môi giới không chỉ tư vấn mà còn trực tiếp mua bán cùng sếp, cùng bạn bè thì khách hàng là người đến sau và khi cần là người đổ vỏ cho nhóm trước tháo chạy.
Cao hơn nữa, đối với nhiều cổ phiếu được gọi là hàng lởm, tức là khả năng tăng không cao, nhiều đội lái có thể kết hợp cùng với môi giới quảng bá, vẽ charts để xả hảng, và người hứng hàng đó có thể chính là khách hàng của môi giới nếu môi giới không đủ bản lĩnh để từ chối cảm dỗ ngắn hạn.
CTCK - Môi giới và công nghệ làm hàng
(10/08/2011)
Sherlock Holmes là một thám tử lừng danh và người có thể đối đầu với ông chính là Giáo Sư Moriatti, một đầu óc tội phạm thiên tài. Sherlock Holmes đã nói: Khi một thiên tài phạm tội thì mức độ tàn nhẫn và hoàn hảo của tội ác sẽ ở đỉnh cao. Làm hàng có thể chưa đến mức gọi là tội ác, nhưng tuyệt chiêu đổ vỏ này cũng khiến cho biết bao NDT điêu đứng, đặc biệt là khi bị chính môi giới mình tin cậy đổ lên đầu mình.
Một môi giới có đủ kỹ năng và kinh nghiệm, có cơ sở khách hàng lớn, nếu tham gia vào công nghệ xả hàng, làm giá thì cứ gọi là đỉnh của đỉnh.
Công nghệ làm hàng trong giới chứng Viêt Nam có rất nhiều chiêu, cũ mới đầy đủ mà muốn biên soạn hết e thành sách giáo khoa chứng khoán, mà em lại không có ý định đi dạy vì chưa đủ tầm. Phần này bàn về môi giới là chính, nên xin khất các bác ở phần sau khi đào sâu về chuyện đội lái.
Môi giới có thể mua trước và xả hàng vào khách hàng vào sau, hoặc người đu theo khách hàng F1 của mình.
Môi giới có thể bắt tay cùng đội lái tạo ra khan hiếm giả tạo (tiết cung và đẩy trần CP) liên tục, sau đó rỉ tai khách hàng rằng là thì sẽ ... về thông tin khủng và rồi tư vấn mua khi điều chỉnh. Rất nghiêm túc nhé, em chỉ bảo khách hàng là mua khi điều chỉnh và cắt lỗ kịp thời Khổ nổi đa phần khách hàng không quen cắt lỗ và nhiều lần khách hàng muốn cắt lỗ cũng không được thanh khoản có đâu
Cao chiêu hơn, đối với các cổ phiếu OTC mới thành lập vài năm, cùng với đội lái và doanh nghiệp, họ có thể phát hành khủng khiếp trước khi lên sàn để đưa giá thành sản xuất cổ phiếu xuống rất thấp, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá. Báo cáo thì cực đẹp, cực văn minh lịch sự. Sau đó khi lên sàn, giao cho môi giới tìm cách bán cổ phiếu số lượng lớn với giá cực rẻ. Kết hợp với phân tích và các chiêu đè, đẩy giá, môi giới có thể khuyến nghị khách hàng mua ở những mức giá nhìn rất hấp dẫn với chỉ số như mơ, nhưng trên thực tế thì giúp cho DN và đội lái chốt lãi CP.
CTCK - Môi giới và doanh thu
(10/08/2011)
Môi giới ở ngành nào thì cũng ăn huê hống là chính và môi giới CK cũng vậy. Lương cơ bản của một môi giới khó mà đủ sống. Để tồn tại và phát triển với nghề, các môi giới cần tạo ra doanh thu cho CTCK và từ đó hưởng một phần phí giao dịch CK như là thu nhập chính.
Ở thời đỉnh cao lúc TTCK giao dịch dăm ba nghìn tỷ mỗi ngày thì thu nhập của môi giới không phải là ít. Những môi giới hàng đầu thị trường có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng từ phí. Không những thế, các môi giới còn có được nguồn thu từ việc tư vấn khách hàng, ủy thác đầu tư và chia sẻ lợi nhuận, và thậm chí từ các đội lái.
Nhưng khi thị trường đi xuống, các khoản thu nhập bất thường kia biến mất và hơn nữa có thể thay bằng nợ nần thì từng khoản phí thu nhập dù nhỏ cũng trở nên quý giá. Thêm vào đó nhiều công ty có chính sách về hạn mức doanh thu khá cao khiến cho các môi giới phải vất vả để duy trì doanh thu mà tồn tại.
Cách phát triển doanh thu tốt nhất là phát triển khách hàng. Khốn nối mật ít ruồi nhiều, TTCK bé nhỏ của Việt Nam phải gồng mình để nuôi hàng trăm CTCK nên việc phát triển khách hàng mới liên tục là Nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt là khi thị trường đang đà suy giảm. Nhiều môi giới nghiêm túc thường chấp nhận khuyên khách hàng ngừng giao dịch để bảo toàn vốn nhưng áp lực doanh số khiến không ít môi giới khuyến khích khách hàng lướt sóng ngay cả khi thị trường suy giảm, khiến cho tài khoản của khách hàng hao hụt lần mòn. Chiêu này gọi là trăn ăn đuôi.
Giành giật khách hàng là chiêu thứ hai mà môi giới thường dùng. Các khách hàng VIP, nhóm khách hàng tạo ra doanh thu môi giới chính của các CTCK, thường được săn đón đặc biệt. Các môi giới có thể săn khách hàng của các CTCK khác và đôi lúc cũng chả ngại ngần gì săn khách hàng của chính môi giới trong công ty. Chiêu này gọi là ăn thịt đồng loại.
Để tăng doanh số, một số môi giới có kỹ năng lướt sóng cổ phiếu còn sử dụng cả phần vốn margin dư thừa mà khách hàng chưa sử dụng hết để lướt sóng ngắn hạn, vừa tăng thêm doanh thu lại vừa kiếm thêm lợi nhuận. Nếu có kẹp thì lại tìm cách khuyên khách mua vào giúp số cổ phiếu lỡ mua. Chiêu này gọi là tá lực đả lực
Các hợp đồng margin, gọi mỹ miều là hợp tác đầu tư, đều có thời hạn ngắn. Trong trường hợp thông thường, khi hợp đồng đến hạn mà khách hàng chưa thanh lý cổ phiếu thì CTCK có thể tự động triển hạn hợp đồng nếu tỷ lệ margin vẫn còn trong mức cho phép. Tuy nhiên, một số môi giới sẽ ép khách hàng đảo hàng (bán thỏa thuận qua tk khác) để tạo ra hợp đồng mới, và đồng thời tăng doanh số của mình lên. Chiêu này tạm gọi là Mèo vờn trăng vậy.
Môi giới và quản lý tài khoản của khách hàng
(10/08/2011)
Nhờ vào phần mềm trading online hiện đang có mặt ở nhiều CTCK, ngày càng có nhiều khách hàng chọn giải pháp tự nâng cao kỹ năng đầu tư để tự chơi CK, giảm phụ thuộc vào môi giới. Tuy nhiên, rất nhiều NDT Việt Nam là dân tay ngang, chơi CK như đi chợ thì việc phụ thuộc vào đội ngũ tư vấn, đội ngũ môi giới ở các CTCK là điều tất yếu.
Ngoài ra, công việc bận rộn và đường xá nhiều lúc bụi bặm, xa xôi, nhiều NDT chọn giải pháp ủy quyền một phần hoặc toàn phần cho môi giới để quản lý tài khoản. Trong điều kiện bình thường, môi giới vì khách, khách hàng nghiêm túc và sòng phẳng thì việc ủy quyền này đem lại lợi ích cho cả hai bên:
1. Môi giới là người chuyên nghiệp, có thể ngồi canh giá tốt cho khách hàng, xử lý thông tin tại chỗ, kịp thời;
2. Khách hàng chỉ cần ra chiến lược, không phải chạy theo thông tin nên tránh được nhiễu loạn, lại đỡ mất thời gian đi lại, xử lý tài khoản,...
3. Thông thường nếu quản lý tốt, môi giới sẽ được thêm thu nhập.
Tuy nhiên, khi TT be bét thì việc ủy quyền này nảy sinh hàng loạt rắc rối.
- Môi giới lợi dụng khách hàng:
Có nhiều khách hàng do tin cậy môi giới quá nhiều nên ủy quyền tất tật mọi thứ trong tài khoản cho môi giới. Ông cha ta có câu: Mỡ chớ để miệng mèo. Môi giới thường không chỉ được ủy quyền một mà nhiều tài khoản và tự nhiên thấy mình đang nắm một cơ hội lợi nhuận và cả quyền lực lớn. Thông thường để nhận được tiền chia lợi nhuận cũng như làm tăng doanh thu, các môi giới sẽ mua bán liên tục trong các tài khoản được ủy quyền và sử dụng tối đa margin nếu có thể. Đây là hành xử bình thường khi thị trường bình thường, nhưng nếu thị trường đúng lúc downtrend thì thật rủi ro: vì sợ cắt lỗ, các môi giới thường gồng, bình quân giá ở các tài khoản được ủy quyền cho đến lúc full margin toàn tài khoán, và lắm lúc cháy nổ xảy ra.
Ghê gớm hơn, có nhiều môi giới lợi dụng tài khoản khách hàng, kể cả tài khoản chưa ủy thác, để bảo lãnh chéo vào các tài khoản CK của môi giới để tăng khả năng mua bán CP. Đến lúc những khoản mua bán kia bị lỗ, tài khoản của khách hàng bị cắt không hiểu vì sao. Việc này thường xảy ra đối với các tài khoản đầu tư dài hạn, tức là khách hàng chỉ mua một lần, ít lướt lát trong các tài khoản đó nên không để ý lắm, chỉ đến lúc bị margin call mới giật mình chạy lên CTCK hỏi thì mọi sự đã rồi.
- Khách hàng lợi dụng môi giới:
Một đôi lúc khách hàng cũng chẳng phải tay vừa. TTCK Việt Nam đã đi qua hơn 10 năm và những NĐT đã trở nên có kinh doanh. Trong thời buổi các CTCK chạy đua giành giật khách hàng nên khách hàng có những quyền lực nhất định, đặc biệt là khách hàng VIP.
Đòi hỏi chế độ ưu đãi nhất nhưng lại thường không nộp tiền đúng hạn, không chịu ký các hợp đồng margin đầy đủ, thích gọi điện thoại giao dịch qua di động hơn là gọi vào hệ thống cố định có ghi âm là chân dung một số khách VIP đen mà các CTCK chuyền tay nhau để ... né.
Những dịch vụ ưu đãi mang tính rủi ro nhất như đòn bẫy cực cao: 2:8, 3:7, chậm thanh toán đến tận T4, bảo lãnh tự động vào tài khoản hàng ngày .... được các CTCK đưa ra nhằm hút khách VIP về giao dịch. Các ưu đãi này rủi ro đến mức chỉ cần TTCK biến động mạnh 2 ngày là nhiều tk VIP nổ bôm bốp, thậm chí âm luôn tk, tức là số thua lỗ ăn hết vốn NĐT và ăn cả vào phần vốn cho vay của CTCK. Lúc đó mặc cho môi giới ỉ ôi, năn nỉ, khách chỉ đơn giản bỏ đi, để lại một đống nợ khổng lồ mà CTCK sau đó sẽ khoanh lại cho môi giới trả dần
Siêu hơn nữa, có khách hàng sau một khoản thời gian ủy quyền cho môi giới giao dịch dẫn đến thua lỗ đã quay ra kiện ngược lại CTCK và môi giới, yêu cầu hoàn lại số thua lỗ trên, vì không có bằng chứng về yêu cầu giao dịch do không gọi vào điện thoại cố định. Là khách VIP, không lẽ người ta gọi đến đặt mua bán, môi giới lại bảo: Anh/Chị gọi lại vào cố định giùm em. Mất khách ngay, thượng đế VIP này khó chiều lắm, và đến khi xảy ra sự cố, VIP bỏ đi hay VIP khởi kiện mới vò đầu bứt tai
http://vietstock.vn/ChannelID/733/Ti...-ctck-vis.aspx. Xin miễn bình luận thêm.
CTCK - Dịch vụ tài chính
(11/08/2011)
TTCK thì nhỏ, CTCK thì nhiều nên việc thu hút khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Rất nhiều chiêu được tung giá như đội ngũ sales đẹp, giảm phí môi giới, tăng cường tư vấn...
Nhưng đối với các NĐT vốn thích lướt sóng thì hỗ trợ quan trọng nhất từ CTCK là dịch vụ tài chính: ứng tiền bán trước, đòn bẫy, thanh toán chậm T + và sau này còn thêm dịch vụ chứng khoán: tạm ứng hàng T+ và bán khống.
Ứng tiền bán trước là một dịch vụ có từ lâu, được các ngân hàng đánh giá là không quá rủi ro, nên các CTCK chủ yếu đua tranh về mức phí và các CTCK có ngân hàng bảo kê sẽ có thuận lợi nhất.
Dịch vụ hợp tác đầu tư, hay còn gọi là đòn bẫy tài chính, dịch vụ margin, vay T,.., có từ khá lâu dưới hình thức repo cổ phiếu do ngân hàng cung cấp.
Theo luật CTCK không được cung cấp tín dụng, nhưng xưa nay NĐT đều cần tiền. Chơi CK cũng là kinh doanh, mà xưa nay mấy ai kinh doanh lại chả vay. Sức hấp dẫn của việc vay để chơi CK nằm ở chỗ nếu lãi thì lãi được nhân 2, 3 lần lên. Cứ tưởng tưởng tài khoản margin 3:7 đang tăng 5%/ngày, tức là 15% trên vốn chủ sở hữu, thừa sức trả được lãi vay dù lãi suất cao bao nhiêu. Thật là đầy ma lực và ít NĐT đủ tỉnh táo để biết rằng trên TTCK, số có lãi luôn ít hơn số bị lỗ, và nếu tài khoản margin 3:7 lỗ 5% ngày thì chỉ dăm ngày là mất tiêu tài khoản.
CTCK - Dịch vụ margin
(11/08/2011)
Ma lực của margin là thế nên khi thị trường giao dịch sôi động, đi đến CTCK nào thì câu đầu tiên khách hàng hỏi là về margin.
Lãi suất margin chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là tỉ lệ margin. Nếu là repo thì lúc đầu thì repo tầm 30 - 50% mệnh giá, tương đương margin 2:1. Tỷ lệ này vừa không đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng mà việc repo ngày càng hạn chế do ngân hàng bị kiểm soát cho vay đối với chứng khoán. Có cầu thì ắt có cung, đặc biệt dân chơi CK vốn nổi tiếng liều mạng, chỉ cần được vay còn lãi suất bao nhiêu cũng bất kể
Lúc đầu các CTCK chỉ lấy vốn của mình ra để làm, sau đó thấy lợi nhuận chảy về từ việc cung cấp margin bởi không chỉ lãi cho vay (cao hơn nhiều lãi cho vay thông thường) mà phí giao dịch còn tăng lên khủng khiếp. Các tài khoản xài margin đều là tài khoản lướt sóng, càng lướt nhanh thì việc xài margin càng hấp dẫn và vì thế vòng quay tài sản nhanh. Mỗi tk xài margin lớn trong thị trường bình thường có thể tạo ra 4 - 5 lần doanh thu so với tk không xài margin là vì vậy.
Lợi nhuận thế nên dẫu có rủi ro thì cũng mờ mắt. Hơn nữa, người ta cho khách hàng xài mà mình lại từ chối thì mất khách, đặc biệt khách VIP lại là nhóm có nhu cầu xài margin cao nhất. Thế là cuộc đua margin bắt đầu, từ việc vài công ty tiên phong năm 2008-2009 đến việc margin nở rộ toàn cõi chứng khoán Việt Nam năm 2010.
Nhờ có margin, thị trường chứng kiến lại những phiên giao dịch sôi đông với vài nghìn tỷ trao tay mỗi ngày.
Nhờ có margin, nên các đội lái có thể thu gom hàng với số lượng lớn.
Nhờ có margin, nên những ai chơi hàng nóng có thể có lợi nhuận hàng chục lần chỉ trong 1, 2 tháng.
Nhờ có margin, nên doanh thu của môi giới và CTCK lên cao ngất.
Thoạt tiên là CTCK huy động vốn tự có. Nhưng mà vốn tự có thì đã kẹp khá nhiều ở tự doanh nên chỉ những CTCK nào nhanh nhạy, ít tự doanh mà tập trung dịch vụ thì mới có vốn để cung ra.
Sau đó đến ngân hàng. Thoạt đầu thì CTCK lấy tài sản của mình ra đảm bảo để vay ngân hàng, sau đó cho vay lại. Nhưng mà một CTCK vốn vài ba trăm tỉ thì con số margin huy động như vậy không đáng bao nhiêu. Chỉ cần một hai khách hàng VIP xài full margin 2:8 và 3:7 là hết.
Để có thể có nhiều vốn hơn, CTCK sẽ vận dụng đến tài sản mình quản lý mặc dù không sở hữu: đó là tài sản của khách hàng. CTCK chưa tách bạch tài sản của khách hàng ra bên ngân hàng thì có thể lấy tài khoản tổng để làm tài sản đảm bảo.
Còn CTCK đã tách bạch tài sản thì có thể làm bên thứ ba để ngân hàng ký thẳng với NĐT trong hợp đồng hợp tác đầu tư, còn mình là người trung gian giữ tài sản.
Nhưng có ký thế nào thì ngân hàng cũng biết đến CTCK như là người vay và chịu trận nếu chuyện gì đó xảy ra với khoản cho vay (danh nghĩa là hợp tác đầu tư này), và cũng không mấy ai lấy làm ngạc nhiên khi CTCK không có một tài sản gì lớn (đa phần là các khoản đầu tư tài chính, BĐS thì đi thuê) lại ghi nhận các khoản vay khổng lồ tương ứng khoản phải thu lớn từ khách hàng. Ấy chính là các khoản mục nảy sinh từ margin. Cho vay bạo nhất trong lĩnh vực này có lẽ là các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ và các công ty tài chính.
Về tỷ lệ margin, đa phần các CTCK lúc đầu khởi động với tỷ lệ 7:3 hoặc 5:5. Tỷ lệ này là khá an toàn và thường cho phép CTCK cũng như NĐT một khoảng thời gian đủ cần thiết để xử lý các khoản margin nếu có sự cố.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường khiến nhiều CTCK đang muốn vươn lên về thị phần gia tăng mạnh dịch vụ margin. Tỷ lệ margin gia tăng chóng mặt, 5:5 rồi 4:6 rồi 3:8. Thậm chí có những CTCK còn cung cấp cả tỉ lệ 2:8 và 1:10, không khác gì sàn Vàng ACB dạo nào.
Không những thế, nhiều CTCK còn cho phép khách hàng VIP được sử dụng dịch vụ chậm thanh toán T4, tức là được mua cổ phiếu thoải mái mà không cần có tiền mặt trong tài khoản, đến T4 nếu có lãi thì bán ra trả lại cho CTCK, không có lãi thì nạp tiền vào để giữ lại cổ phiếu.
Đồng thời, nếu như lúc đầu các CTCK chỉ cho phép sử dụng margin đối với các mã cổ phiếu có thanh khoản thì trong giai đoạn TTCK nóng sốt với các cổ phiếu vừa và nhỏ, danh sách margin có thời điểm là toàn bộ mã cổ phiếu trên thị trường, mà trong đó có những mã chỉ giao dịch vài ba trăm cổ phiếu/ngày
CTCK - Dịch vụ margin và hàng nóng
(11/08/2011)
Sáu tháng đầu năm 2010, TTCK dù không tăng về điểm số nhưng lại cực kỳ sôi động với những phiên giao dịch vài nghìn tỷ đồng. Các cổ phiếu vừa và nhỏ thay nhau tăng vọt như TNA, UIC, TLC, DCS.. và siêu cổ phiếu PVA, SRA, SRB... Nhiều người xoa tay hỉ hả rằng TTCK Việt Nam đã thật sự hồi phục sau cú đột quỵ 2007 - 2009 và dòng tiền mới đã trở lại. Tuy nhiên, những NDT và chuyên gia có kinh nghiệm đã nhanh chóng chỉ ra rằng sự hồi phục đó chỉ là giả tạo và đó chỉ là những cơn sóng đầu cơ giá lên cổ phiếu ngắn hạn với lực tác động chủ đạo là tiền margin và các đội lái.
Sóng đầu cơ thì không bền, nó chỉ là bàn nhậu buổi chiều tà mà ai nhanh tay thì không móc ví. Tuy nhiên, say sưa với những cổ phiếu nóng có mức lợi nhuận được tính bằng lần, hàng nghìn NDT lao vào rượt đuổi các cổ phiếu này với margin cao nhất mà không nghĩ đến ngày các cổ phiếu này quay đầu giảm giá.
Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra: một cổ phiếu tăng CE cả chục phiên thì khi đảo chiều, nó rơi FL chục phiên cũng không có gì lạ. Ai cũng tin mình nhanh tay hơn người khác để không đổ vỏ, ai cũng tin mình là cánh hẩu với đội lái nên không thể thua. Thực tế, nếu đã là dân lái táu chính hiệu thì không ai lại cho người khác biết tàu đi về đâu cả, vì TTCK là chiến trường nên đầy rẫy những băng cướp luôn rình rập để cướp tàu. Cướp mà biết tàu đi về đâu thì trưởng tàu là người chết trước, vì thế cho nên, lái tàu chả bao giờ nói.
Nếu lái tàu nói thì hoặc là lái tàu kém, hoặc là lái tàu nói sai. Chỉ rất ít lái tàu có đủ thực lực để nói đến đâu tàu đến đó, và cũng chả nói mấy lần. Đấy, cánh hẩu với lái tàu còn thế, huống gì là hàng xóm của hàng xóm của bạn của bạn của lái tàu, vì thế thông tin hàng nóng đến NDT thì 99% là sai lệch và 99% NDT ăn đòn với hàng nóng. Điều đó cũng có nghĩa là các tài khoản xài margin để đánh hàng nóng rất dễ mắc cạn và chỉ cần vài ba phiên FL (chuyện thường đối với hàng nóng) thì các tk này trở nên khét lẹt và cần xử lý.
CTCK - Dịch vụ margin và hàng nguội
(11/08/2011)
Blue-chips, các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thị giá cao tương đối thường được các NDT thận trọng hoặc dài hạn đánh giá cao do tính minh bạch và ổn định của chúng. Thông thường đây là nhóm cổ phiếu ưu tiên trong danh mục của quỹ, của NDT tổ chức và các NDT lớn dài hạn. Khi các cổ phiếu này tăng giá mạnh thì sẽ có lượng bán lớn để chốt lời và khi giảm giá đến một chừng mực nào đó thì lực lượng cơ bản thò tay ra đỡ.
Chính vì vậy mà các cổ phiếu này thường được đánh giá là an toàn và nhiều NDT chọn các cổ phiếu này làm công cụ lướt sóng an toàn, tức là mua ở vùng dưới bán ở vùng trên của kênh giá dài hạn. Để tối đa hiệu quả và đồng thời với kỳ vọng tăng giá về dài hạn của BCs sau một giai đoạn rơi dài 2007 - 2009, các NDT thường mua hết tài khoản tiền thật của mình và sau đó sử dụng đòn bẫy để bình quân giá và lướt sóng ngắn hạn theo kênh giá của các BCs với kỳ vọng là các CP này bằng sức mạnh cơ bản và sức mạnh của các tổ chức đầu tư sẽ được giữ giá ở những vùng hỗ trợ quan trọng.
Khổ nổi, năm 2009 - 2010 là năm hạn của các BCs: cổ đông lớn thoái vốn, quỹ hết tiền, vốn phát hành thêm đè nặng, tăng trưởng giảm sút,... khiến cho lực lượng đầu tư càng lúc càng mỏng, sức đỡ giá ngày càng kém. Các BCs cứ giảm giá dần, lúc đầu vẫn còn sức phục hồi để các NDT chăm chỉ lướt sóng và hi vọng. Nhưng các mốc hỗ trợ cứ yếu dần và đến một ngày nào đó một thông tin xấu tung ra, gặp lúc TTCK suy yếu là đê vỡ, lụt ngập nơi nơi.
Năm 2010, GMD sau khi phá cản giá 76 đã đi liền một mạch không ngừng nghỉ, mất đến hơn 50%. LCG cũng cùng chung số phận. Các NDT thoạt dầu dùng margin để hỗ trợ bắt đáy, sau đó đáy trôi về nơi xa chả biết đâu mà mò và tài khoản rơi vào vùng giải chấp.
Có NDT sử dụng BCs để làm bảo lãnh margin cho các khoản lướt sóng hàng nóng, bất ngờ BCs rơi khiến cho margin của tổng tài khoản giảm sút, hàng loạt CP bị giải chấp.
Vì lòng tin vào sức mạnh của BCs nên nhiều NDT và cả CTCK áp dụng margin cao cho các mã cổ phiếu này, nên khi các mã cổ phiếu này bị cảm thì không chỉ rúng động một vài tài khoản, mà cả thị trường.
CTCK - Margin và giải chấp
(11/09/2011)
Giải chấp - đó là nỗi ác mộng của người cầm cổ và mục tiêu chờ đợi của người cầm tiền (nếu họ đủ can đảm).
Giải chấp thật ra đã xảy ra từ năm 2007 khi các mã cổ phiếu được repo bị chạm ngưỡng xử lý, và giải chấp cũng góp phần đưa TTCK từ thiên đường 1170 về địa ngục 235.
Nhưng ác mộng giải chấp thật sự xuất hiện vào cuối 2009 trở đi khi việc áp dụng margin bùng nổ. Margin có thể giúp cho TTCK tăng rất nhanh cả về giá và thanh khoản, nhưng ở chiều ngược lại, margin cũng khiến cho TTCK giảm nhanh về giá và thanh khoản. Kể từ khi mọi người biết đến con số hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng được sử dụng cho margin thì bất cứ lúc nào thị trường giảm mối lo về giải chấp lại chực chờ.
Tại sao việc giải chấp margin khiến cho NĐT lo sợ:
1. Margin hiện nay là đa phần margin trên toàn tài khoản, nên khi tổng tài khoản giảm về tỷ lệ xử lý thì bất kỳ một mã CP nào cũng có thể bị yêu cầu bán ra để bảo đảm tài khoản và margin;
2. Nhiều khách sử dụng margin chéo, tức là lấy tk này bảo lãnh cho tài khoản khác, lấy các khoản đầu tư dài hạn để bảo lãnh cho các khoản lướt sóng ngắn hạn, nên khi bị giải chấp, đôi khi các mã cổ phiếu mạnh lại là đối tượng bị bán ra;
3. Vì cạnh tranh nên các CTCK áp dụng ưu đãi cao đều như nhau, tỷ lệ margin lớn nên khi một CTCK tiến hành giải chấp sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng tuyết lở kéo theo các CTCK khác.
Thế cho nên, đôi lúc chỉ cần một tín hiệu nhỏ như một hàng nóng gãy trend, một tin xấu vĩ mô đưa ra khiến cho một nhóm NĐT chạy, một số cổ phiếu có tỷ lệ margin cao bất thình lình giảm mạnh 1, 2 phiên về tỷ lệ cảnh báo. Thế là toàn thị trường lên cơn co giật. Lúc đầu chỉ vì tôi sợ margin nên tôi chạy trước một phần, nhưng việc tôi chạy trước một phần lại làm giá cổ phiếu của bạn tôi giảm về tỷ lệ xử lý nên cổ phiếu của bạn tôi bị giải chấp, và cứ thế hiệu ứng đó lan rộng một cách nhanh chóng trên thị trường. Ác mộng giải chấp, tức là bán cổ phiếu bất kể giá nào nhằm thu hồi vốn, bắt đầu với năm bảy phiên cổ phiếu sàn liên tục bất kể tốt xấu.
Có thể hình dùng việc sử dụng margin giống như xây lâu đài bằng quân cờ domino, xây rất nhanh, nhìn rất đẹp nhưng không ở được, và nếu có ai đó bị cảm, hắt xì hơi một nhát là toàn bộ sụp đổ ầm ầm.
CTCK - Margin và kẹp tài khoản
(11/08/2011)
Như đã nói, nếu xem việc đầu tư CK là một công việc kinh doanh nghiêm túc và margin là công cụ tín dụng hỗ trợ kinh doanh thì margin là tích cực. Nó gia tăng sức mạnh cho NDT nếu biết Dùng đúng thời điểm và Dừng đúng thời điểm.
Than ôi, trên TTCK chỉ có Tham lam và Sợ hãi, và dân Việt Nam xem CK như là một trò chơi có thưởng (cách gọi mỹ miều của sòng bạc đấy các bác ạ). Đa phần các NDT chỉ nghĩ nhiều đến mối lợi của margin và bỏ qua mối hại của nó, đó là nó có thể làm tăng tài khoản lên 100% thì có thể khiến tài khoản đi 100% trong nháy mắt. Để kiểm soát công cụ margin, phòng ngừa rủi ro cho CTCK và cho cả NDT, các CTCK đều có quy định các ngưỡng cảnh báo và giải chấp tài khoản. Vấn đề là các ngưỡng ấy do con người đặt ra và thực hiện, nên khi cần con người vẫn có thể phá bỏ nó.
Cần phải biết rằng các tài khoản sử dụng margin lớn đều của khách hàng VIP hoặc là khách hàng thân thiết của Ban Giám Đốc hoặc môi giới. Ở đây cần mở ngoặc nói thêm rằng như dân gian đã đúc kết: Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ. Con người không vì Danh thì ắt vì Lợi. Nhiều người có thể làm lãnh đạo một CTCK với tầm nhìn chiến lược, sở hữu nhiều cổ phiếu của công ty và muốn đưa công ty lên hàng top thị trường để lưu danh thiên cổ nhưng cũng có người chỉ là làm thuê cao cấp, ít sở hữu cổ phiếu của công ty và vì thế có mục tiêu ngắn hạn hơn: đó là dựa vào vị trí của mình để kiếm lợi.
Mà một công cụ để kiếm lợi khi thị trường thuận lợi chính là margin. Là sếp CTCK, anh có thể yêu cầu khối dịch vụ tài chính bảo lãnh vào các tài khoản chéo của mình hoặc của bạn bè mình để chơi cổ phiếu, đặc biệt là hàng nóng. Cái đó kêu bằng tay không bắt giặt. Trong trường hợp bắt được thì tốt, không bắt được thì ta tìm cách lấp đi hoặc liều hơn, cứ để gồng thế với hi vọng sau này phục hồi. Những tài khoản loại này thường có tỷ lệ margin rất cao hoặc thậm chí margin 100% nên chỉ cần một quyết định đầu tư sai lầm là cháy khét. Hơn nữa, vì là tài khoản của Sếp hay bạn Sếp nên việc xử lý quyết liệt thật không dễ dàng chút nào. Lúc đó khoản margin kia trở thành nợ khó đòi.
Song song với các tài khoản margin Sếp này là tài khoản margin VIP. Như đã nói, để lôi kéo các khách hàng VIP thì ngoài những ưu đãi về phí, về thủ tục thì một ưu đãi quan trọng là tỷ lệ margin cao. Nhiều khách VIP mặc dù tiền, tài sản trong nhà có thể rất nhiều nhưng lại thường thích sử dụng tiền của người khác hơn: chơi T4 không cần nộp tiền hoặc có 1 đồng mua thành 10 đồng mới xứng danh VIP. Nếu lãi thì trả lãi vay còn nhiêu ăn tất. Nếu thua thì .... chưa chắc ta trả đâu nhé.
Hãy thử tưởng tượng: Bạn có 2 tỷ và yêu cầu CTCK cung cấp margin 2:8 thành 10 tỷ. Nếu uýnh trúng 1 nhát 50% hoặc 100%, bạn sẽ có lãi 5 đến 10 tỷ. Lãi vay margin chẳng đáng bao nhiêu so với khoản lợi nhuận này.
Nếu đánh sai, nếu kịp cắt lỗ đánh lại thì không nói làm gì. Nếu không kịp hoặc không dám cắt lỗ, bạn cứ để mặc kệ tài khoản thế, giảm vài phiên là bạn mất 2 tỷ và thảy tài khoản đó cho CTCK lo. Lúc đó môi giới chỉ có nước năn nỉ ỉ ôi bạn nạp tiền vào chơi tiếp hoặc bù số margin để thiếu hụt. Nhưng dại gì nộp, bạn có thể vác 2 tỷ tiền mới sang một CTCK khác yêu cầu như trên và vòng quay lại lặp lại. Tài khoản bị kẹp kia nếu lỗ thì CTCK đành ngậm ngùi tự xử lý mà chẳng biết kêu ai.
Tại sao vậy? Tại vì xét theo luật của Việt Nam, thì CTCK không được cho vay và hợp đồng hợp tác đầu tư kia là vô hiệu, dù có viết như giời bể thế nào thì nó thuộc loại lời ăn lỗ chịu theo tỷ lệ góp vốn, và NĐT nếu mất hết số vốn góp thì cũng không phải lo lắng thêm trách nhiệm gì. Cục xương khó nuốt được chuyển về cho CTCK gặm.
Vậy tại sao CTCK không cắt ngay từ đầu khi tài khoản chạm tỷ lệ báo động? Xin thưa là khó lắm đấy ạ.
Thứ nhất là vì tỷ lệ margin cao nên chỉ cần 1,2 phiên giá giảm FL là đã quá tỷ lệ cảnh báo, nhiều lúc CTCK chả trở tay kịp.
Thứ hai là vì quan hệ giữa CTCK,môi giới và khách hàng: Mặc dù có quy trình xử lý margin, nhưng khi chạm tỷ lệ xử lý, thì thường là đàm phán, năn nỉ, khóc lóc từ phía khách hàng, thậm chí dọa nạt. Vừa vì tình (không thể xuống tay cắt xoẹt một cái được) vừa vì lợi (biết đâu cổ phiếu lên giá lại, mình giữ được khách hàng) nên môi giới và CTCK thường rất lần lữa trong việc xử lý, và đến khi cương quyết cắt thì thông thường là quá muộn.
Thứ ba là do đặc thù của TTCK vừa nhỏ lại vừa có biên độ. Việc ấn định giá CE và FL nhiều lúc gây ra nút cổ chai khi TT biến động mạnh. Nút cổ chai này sẽ càng tắt nghẽn hơn nếu mọi người biết cổ phiếu nọ kia đang bị giải chấp. Lúc đó dẫu biết cần xử lý cũng không bán được, đến khi bán được thì than ôi, tài khoản đã âm tự lúc nào và chả ai dám bán cả
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/c...o-100-ty-dong/.
CTCK - Thảm họa giải chấp và cứu giá
(11/08/2011)
Với margin đan xen như mạng nhện xuyên qua tài khoản và cổ phiếu, và số tiền margin có lúc lên đến gần trăm nghìn tỷ đồng, nỗi lo lắng về giải chấp trở nên thường trực trong giấc ngủ của NDT, của CTCK và của cả ngân hàng khi TTCK năm 2010 có dấu hiệu đuối nước.
Mỗi lần margin bị giải chấp là một lần TTCK lại bị rúng động, lòng tin và tài sản của NDT bị bào mòn đi một ít và cơ hội phục hồi của TTCK mong manh hơn. Những lần bật lại của TTCK sau khi bị giải chấp đều yếu hơn lần trước, thời gian bật cũng ngắn dần. Với tình hình vĩ mô suy yếu, chân đế thị trường lung lay thì margin quả là gánh nặng.
Do hiệu ứng tuyết lở, việc giải chấp vì margin không chỉ làm các cổ phiếu có margin bị giải chấp mà nó còn ảnh hưởng đến các cổ phiếu và dịch vụ khác của thị trường, đặc biệt là việc repo khối lượng lớn các cổ phiếu do HDQT và Đại cổ đông nắm giữ mà em hi vọng có dịp phân tích sau này.
Trong điều kiện bình thường, chơi margin là lời ăn lỗ chịu, đối với NDT hay đối với CTCK, ngân hàng đều vậy. Nhưng nếu TTCK suy yếu dài hạn và có người chơi liều thì lại khác.
NDT chơi liều thì để lại tk cháy cho CTCK, CTCK chơi liều thì để lại nợ khó đòi cho NH, NH chơi liều thì ....
Nếu có ngân hàng hoặc công ty tài chính liều và cho vay lớn để CTCK làm margin, CTCK lại liều nên áp tỷ lệ margin cao, cho margin đủ thể loại cổ phiếu mà lại không cương quyết xử lý tài sản đúng theo quy trình. Các CTCK này sẽ thường là điểm đến của những NDT ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng bỏ tài khoản cháy khi cần.
TTCK đi xuống, nguồn thu của CTCK giảm trong khi chi phí tăng lên do tự doanh bị kẹp, tiền mặt cạn dần không được bổ sung.
Nếu nhiều NDT bỏ chạy không bù tài khoản thì tài chính của CTCK dần hao hụt. Hơn nữa, do thị giá cổ phiếu suy giảm nên các khoản vay của CTCK đối với ngân hàng sẽ bị giảm dần tài sản thế chấp. Ngoài ra các khoản vay chứng khoán này đa phần là ngắn hạn. Nếu NH hạ đánh giá thị trường và tín nhiệm của CTCK thì khả năng không đáo hạn khoản vay sẽ cao dần lên. Cộng với thêm chính sách thắt chặt tiền tệ dần của SBV, thì tín dụng dành cho CK ngày càng nhức nhối.
Hãy tưởng tượng nếu đồng lúc tất cả mọi chuyện đó xảy ra, thị trường bị rơi vào vùng giải chấp, tự doanh kẹp hết tiền, ngân hàng rút tiền trong khi NDT lại bỏ của chạy lấy người.
Nhẹ thì CTCK sẽ gánh một khoản lỗ và suy giảm tiền mặt nghiêm trọng, nặng thì mất thanh khoản tạm thời đối với thu chi của CTCK, nặng hơn nữa thì mất thanh khoản với NDT. Một số CTCK do vay margin trên tài khoản tổng (thực chất là vác tài sản của chính NĐT đi cầm cố lấy tiền cho NDT vay) nên số nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu nhiều lần. Nếu số vốn này âm mạnh do nhiều NDT cùng lúc cháy tài khoản, thì không loại trừ CTCK có thể làm âm vốn của NDT và có lúc NDT sẽ không thể rút tiền mặt trong tài khoản của mình, mặc dù đó là tiền mình.
Điều này sẽ làm mất niềm tin trầm trọng và NĐT sẽ tăng cường rút vốn mạnh ở khắp mọi nơi, gây ra một cuộc xáo xào chả khác gì một cú bank run ở ngân hàng. NDT vốn đã thua lỗ triền miên và bây giờ họ lại nhận ra một rủi ro khác là tiền của họ ở CTCK không hề được bảo hiểm. Quả không hổ danh là sòng bài công khai.
Thế nên, đến mỗi đợt margin, nếu mức độ tuyết lở là rất mạnh thì thông thường các CTCK sẽ ngồi lại để bàn thảo cách ứng cứu. Lúc đó không mạnh ai nấy làm mà thường có sự liên kết để giảm nhẹ tác động của giải chấp.
Cộng thêm lực bắt đáy mua hàng giá rẻ, TTCK sẽ có một đoạn phục hồi ấn tượng đủ để cho các CTCK thoát khỏi vùng rủi ro và các tay chơi bắt đáy sẽ hưởng lợi nhờ đu tàu đúng điểm.
Giải chấp cũng có cái giá của nó các bác nhỉ, và có phần thưởng cho ai biết dũng cảm đúng lúc.
-
Những thành viên sau đã cám ơn :
lesino (15-08-2011)
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Mở tài khoản ở công ty chứng khoán Đông Á ?
By qkhanh02 in forum Kiến thức Chứng khoánTrả lời: 0Bài viết cuối: 02-02-2011, 01:14 PM -
Tìm công ty tốt nhất để lập tài khoản chứng khoán
By noname89 in forum CLB Chứng khoánTrả lời: 0Bài viết cuối: 29-12-2010, 09:59 AM -
Mở tài khoản ở công ty chứng khoán Apec có tốt không các bác ?
By ryxk24h in forum Kiến thức Chứng khoánTrả lời: 5Bài viết cuối: 27-12-2010, 02:05 PM -
Đề nghị ủy ban chứng khoán nhảy vào cuộc ngăn chặn công ty chứng khoán lấy chứng khoá
By livermore_nguyen in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 1Bài viết cuối: 18-01-2010, 02:18 PM -
ban 10000 co phieu cong ty chung khoan shs, Cong ty Ck cua Ngan hang SHB
By cojbanngay in forum SÀN OTC CỔ PHIẾUTrả lời: 0Bài viết cuối: 14-11-2007, 12:42 PM
Bookmarks