Liên kết giữa PVXPVA có vấn đề?
Năm ngoái, TCTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã thoái toàn bộ phần vốn tại CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA). Sau đó PVA được yêu cầu phải “cắt đuôi Dầu khí” khỏi thương hiệu. Nhưng mới đây, PVX công bố sẽ mua lại PVA để nâng sở hữu lên 30%.

Bắt đáy hay cứu bồ?
PVA là một trong những CP “nóng” nhất của năm 2010, đầu tháng 2 mới chỉ có giá 3.0 nhưng đầu tháng 5 đã lên gần 12.0. Cũng trong khoảng thời gian này, PVX đã tiến hành bán ra PVA tại mức giá cực tốt. Chỉ trong vòng 3 phiên ngày 9, 12 và 13-4-2010, PVX đã bán được 1 triệu PVA với mức giá gần 8.0.
Sau giai đoạn bạo phát, PVA bắt đầu rơi tự do và kéo hàng loạt CTCK lẫn đội lái “chết” theo. Thời điểm đó, tổng giám đốc một CTCK lớn đã nhận định: “Muốn biết tình hình giải chấp trên thị trường chỉ cần nhìn vào PVA”.
PVA với sở hữu hơn 40.000m2 đất tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản tại Bắc Trung bộ. Một số dự án đáng chú ý của PVA bao gồm khu công nghiệp Hoàng Mai, có diện tích quy hoạch gần 300ha, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, gần cảng Nghi Sơn-Thanh Hóa; chung cư, nhà ở liền kề Trường Thi, TP Vinh; khu thương mại thị xã Thái Hòa-Nghĩa Đàn…
Hiện nay thị giá của PVA đang ở khu vực 1.5, thấp hơn gần 90% so với giá đỉnh và giảm hơn 70% so với cách đây 1 năm. Nhưng điều đó không có nghĩa PVA rẻ, vì còn nhiều CP bất động sản khác có quỹ đất tốt, có tiềm lực nhưng giá rớt về dưới mệnh giá cũng không ai thèm ngó ngàng.
Vốn điều lệ hiện nay của PVA là 100 tỷ đồng, tương đương số CP lưu hành là 10 triệu. Mới đây, UBCKNN đã cấp giấy chứng nhận cho PVA chào bán 50 triệu CP ra công chúng, bao gồm: 44,5 triệu CP với giá bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:4,45, ngày giao dịch không hưởng quyền là 19-8), 5 triệu CP cho cổ đông chiến lược với giá tối thiểu 1.1, và 0,5 triệu CP cho CBCNV với giá 1.0.
Tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng là một kế hoạch cực kỳ tham vọng, ngay cả trong tình hình TTCK thuận lợi chứ chưa nói đến giai đoạn hiện nay. Đứng trên góc độ NĐT cá nhân, đóng tiền để mua thêm CP là chuyện rất khó, huống chi lại là CP của một ngành đang gặp hạn. Có vẻ như động thái mua vào của PVX mang tính chất “cấp cứu” cho PVA trong cơn khát vốn, hơn là mua để đầu tư thật sự.
Tiền hậu bất nhất?
PVA thông báo rằng, PVX đã có nghị quyết phê duyệt danh mục các đơn vị thành viên và PVA là một trong số 13 công ty liên kết trực thuộc. PVX cũng đã có phương án tái cấu trúc các đơn vị thành viên. Theo đó các công ty liên kết nằm trong thành phần tái cấu trúc mà PVX chưa đạt tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ thì sẽ tiến hành tăng lên 30% thông qua mua trên sàn hoặc qua phương án tăng vốn hoặc nhận chuyển nhượng từ các đơn vị thành viên.
PVX sẽ mua PVA bằng cách thức nào? Sở hữu của PVX tại PVA hiện thời là 0% nên tất nhiên không thể mua trong vai trò cổ đông hiện hữu. Ở đây, có thể xuất hiện một “biến thể” là PVX sẽ bơm tiền cho những cổ đông hiện hữu của PVA để mua trong đợt phát hành này và sau đó bán lại cho PVX. Mua theo đối tác chiến lược thoạt nghe cũng không ổn, bởi lẽ theo định hướng của PVX thì PVA sẽ là đơn vị thành viên. Và tất nhiên, PVX khó lòng đi mua lại chỉ nửa triệu CP dành cho CBCNV.
Nếu muốn giúp đỡ PVA, PVX sẽ có rất nhiều cách, chứ không chỉ thông qua việc mua CP và nâng sở hữu. Với ưu thế và vai trò cực lớn của mình, PVX có thể chỉ định những công trình cho PVA thực hiện để có doanh thu, hoặc cũng có thể “nhờ” các đơn vị lớn mạnh khác của Petro Vietnam hỗ trợ cho PVA về vốn. PVX cũng không thiếu tiền nhưng vung tiền ra mua với chọn lựa những cách thức hỗ trợ “mềm” khác mà không phải mất tiền, cái nào có lợi hơn? Những thông tin công bố của PVA lẫn PVX cũng rất chung chung, điều này có thể khiến một số NĐT suy nghĩ rằng phải chăng đây chỉ là đòn gió nhằm cứu giá CP của nhau để phục vụ cho đợt phát hành sắp tới.
Petro Vietnam đã nêu định hướng sẽ siết lại hoạt động đầu tư bất động sản và PVX là một trong những đơn vị quan trọng để quản lý mảng này. Việc PVX mua lại PVA là một động thái hết sức ngược ngạo? Nếu sắp tới đây sẽ lại có những trường hợp như PVA thì tính kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thoái vốn của Petro Vietnam trong những hoạt động trái ngành, ngoài ngành cũng phải đặt câu hỏi.
Một giả thiết khác là khi PVA về dưới trướng PVX, hoạt động trong mảng bất động sản cũng sẽ phải thu hẹp lại, nhưng như vậy đâu cần phải tăng vốn khủng? Có một sự trùng hợp ở đây là khi PVA tăng vốn PVX cũng thông báo sẽ “kéo” PVA về. Liệu việc tăng vốn này chỉ phục vụ cho mục đích của PVA hay còn cho cả PVX, vì tất nhiên khi đã là thành viên, việc tham gia vào “mục đích chung” là điều dễ hiểu.
Trùng Dương - Thanh Dũng
sài gòn đầu tư tài chính



Xem bài viết: Liên kết giữa PVX và PVA có vấn đề?