Bất ổn quản lý thị trường vàng
Trước mắt, toàn xã hội phải bù đắp 100 triệu USD cho việc nhập khẩu 5 tấn vàng và nhiều khả năng tăng lên 200 triệu USD nếu số vàng nhập khẩu lên 10 tấn như kế hoạch.
Thông tin Ngân hàng (NH) Nhà nước cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng và sẽ tiếp tục cấp phép nhập thêm 5 tấn nữa trong vài ngày tới đã làm giá vàng trong nước có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, cơ chế điều hành thị trường vàng còn bất ổn dẫn đến việc xuất khẩu vàng giá thấp, nhập khẩu vàng giá cao khiến nền kinh tế thiệt hại không nhỏ.
Nước ngoài lời to
Số liệu thống kê cho thấy 7 tháng đầu năm 2011 (giai đoạn xuất khẩu vàng nhiều nhất từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7-2011), Việt Nam đã xuất 30 tấn vàng, thu về 1,2 tỉ USD, tính trung bình 40 triệu USD/tấn vàng. Trong khi đó, nhiều quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế lại ồ ạt mua vàng. Mexico, Hàn Quốc, Thái Lan…, mỗi quốc gia mua hàng chục đến cả trăm tấn vàng. Riêng tháng 7-2011, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust mua gần 80 tấn vàng nhưng chỉ bán ra vài tấn. Thậm chí các doanh nghiệp của Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ…cũng mua vàng tái xuất từ Việt Nam.
Đến tháng 8-2011, giá vàng thế giới tăng mạnh, những quốc gia đối tác nước ngoài mua vàng trước thời điểm này đã lời to. Tại Việt Nam, giới kinh doanh vàng tranh thủ giá vàng thế giới liên tục tăng, tâm lý kỳ vọng giá còn đi lên của người dân, đã dùng kỹ xảo đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh, cao hơn giá thế giới 1-2 triệu đồng/lượng. Từ đó, các tổ chức, cá nhân đã bán khống vàng cắn răng mua lại vàng để cắt lỗ, kéo theo làn sóng mua vàng bao phủ thị trường. Nếu tính tại thời điểm 15 giờ ngày 10-8, giá vàng trong nước xuống còn 44,4 triệu đồng/lượng thì người mua vàng vào những ngày trước với giá 45-46 triệu đồng/lượng để trả nợ hoặc phòng thân đã thiệt hại nặng và sẽ thiệt hại nhiều hơn nữa nếu giá vàng giảm mạnh, nhất là khi 5 tấn vàng nhập khẩu sẽ về tới Việt Nam trong 2 ngày tới.
Cơ chế xuất nhập bất cập
Thế nhưng, thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về nền kinh tế. Giả sử doanh nghiệp nhập khẩu tại mức giá 1.750 USD/ounce thì với 5 tấn vàng đã tiêu hóa hơn 300 triệu USD, trung bình 60 triệu USD/tấn vàng. Trong khi đó, nhiều tháng trước, Việt Nam chỉ xuất khẩu với giá 40 triệu USD/tấn vàng. Như vậy, trước mắt toàn xã hội phải bù đắp 20 triệu USD/tấn vàng, tính ra phải bù đắp 100 triệu USD cho việc nhập khẩu 5 tấn vàng và nhiều khả năng tăng lên 200 triệu USD nếu số vàng nhập khẩu lên tới 10 tấn trong vài ngày tới.
Thực tế cho thấy những bất cập trong cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cơn sốt vàng và những thiệt hại không đáng có. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, NH Nhà nước chỉ cho phép nhập khẩu vàng vài đợt với số lượng nhỏ giọt, gắn liền với những thời điểm người dân đổ xô mua vàng, giá trong nước cao hơn giá thế giới hàng triệu đồng/lượng. Trong khi đó, hạn ngạch xuất khẩu vàng gần như bỏ ngỏ. Doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu; hạ hàm lượng, trọng lượng vàng để hưởng thuế suất 0% là xuất được hàng chục tấn vàng ra nước ngoài. Hệ quả là cung cầu về vàng nhiều thời điểm mất cân đối, giới đầu cơ tranh thủ làm giá. Biểu hiện rõ nhất là những ngày gần đây, chỉ trong vài giờ, giá vàng trong nước tăng - giảm 1-2 triệu đồng/lượng, trong khi sức mua bán vàng vào những thời điểm đó rất yếu.
Cần dự báo xu hướng thị trường
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng cơ quan quản lý cần dự báo xu hướng thị trường vàng để từ đó đưa ra quyết định xuất nhập khẩu vàng linh hoạt, cân đối cung cầu thị trường. NH Nhà nước nên học tập NH Trung ương Trung Quốc, tức là điều hành xuất nhập khẩu vàng sao cho giá trong nước luôn ngang bằng với giá vàng thế giới để hạn chế tình trạng đầu cơ.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam, thời điểm này, NH Nhà nước không nên cho phép nhập khẩu thêm vàng mà giải pháp bình ổn nhanh nhất là sử dụng cơ chế đặc biệt, cho phép các NH bán ra hàng chục ngàn lượng vàng đang tồn kho. Cũng với cơ chế đặc biệt đó, các NH thương mại sẽ chọn thời điểm thuận lợi mua vàng bù lại số vàng đã bán ra. Về lâu dài, ông Hải cho rằng NH Nhà nước cần có cơ chế riêng cho các NH giao dịch vàng giao sau với nước ngoài.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa gửi văn bản kiến nghị thống đốc NH Nhà nước và bộ trưởng Bộ Tài chính về các giải pháp bình ổn thị trường vàng và hạ nhiệt lãi suất. Theo Tổng Thư ký Nguyễn Hoàng Hải, thị trường vàng hiện nay hầu như bị buông lỏng quản lý. Vàng có thể được coi như ngoại tệ, trong khi ngoại tệ bị cấm mua bán trên thị trường tự do, còn vàng không bị cấm, không bị đóng thuế. Do vậy, đề nghị thống đốc NH Nhà nước có biện pháp quản lý vàng chặt như ngoại tệ.

Thy Thơ
Người lao động



Xem bài viết: Bất ổn quản lý thị trường vàng