Thông điệp đầu tiên cho tín dụng ngoại tệ
Lần đầu tiên kể từ ngày 9/7/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh. Đi cùng với đó là một thông điệp cho tín dụng ngoại tệ.
Sáng 10/8, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá giá bình quân liên ngân hàng. Mức 1 USD = 20.608 VND “ngủ yên” kể từ ngày 9/7/2011 đã được nâng lên 20.618 VND.
Nếu so với diễn biến trước thời điểm 9/7/2011, mức tăng 10 VND qua một ngày giao dịch là bình thường. Nhưng đây là điều chỉnh được chú ý.
Mất cân đối quá lớn giữa tăng trưởng huy động và cho vay ngoại tệ đang thể hiện rõ.
Mức tăng nói trên diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có hơi hướng “nóng” trở lại kể từ cuối tuần qua. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh giá USD trên biểu niêm yết và chính thức kịch trần biên độ cho phép sau một thời gian dài ổn định thấp hơn trần.
Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng mạnh trở lại, hôm 9/8 ghi nhận lên tới 21.300 VND giá bán ra, sau một thời gian dài gần như ngang bằng, thậm chí có những thời điểm thấp hơn tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Và sáng nay, bám sát việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại tiếp tục yết giá USD bán ra kịch trần. Tại các thành viên lớn như BIDV, Eximbank (EIB), ACB, Sacombank (STB)… giá USD bán ra tăng hết khả năng với 20.824 VND.
Tuy nhiên, mức giá mua vào ở mỗi thành viên là khác nhau, từ 20.700 - 20.760 VND; cá biệt mức giá mua chuyển khoản tại ACB vẫn giữ ở 20.800 VND.
Diễn biến giá USD của các ngân hàng thương mại kịch trần như vậy phản ánh một lực cầu ngoại tệ đang mạnh lên trên thị trường. Đây cũng là thông điệp đầu tiên đối với tín dụng ngoại tệ.
Kể từ đầu năm, đặc biệt là sau lần tăng 9,3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong tháng 2, tín dụng ngoại tệ có một môi trường rất thuận lợi để tăng trưởng mạnh. Đó là chênh lệch lãi suất giữa vay VND so với USD quá lớn, thêm vào đó là sự êm đềm của tỷ giá USD/VND. Môi trường này kích thích các nhu cầu vay ngoại tệ, nhất là với các khoản ngắn hạn.
Các dữ liệu cập nhật gần đây cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục ở mức cao; đến 10/6 đã tăng 22,21% so với đầu năm, và tính đến 20/7 tiếp tục tăng 1,96%. Nếu áp lực cầu ngoại tệ từ tín dụng đáo hạn đối với tỷ giá còn những quan điểm và nhìn nhận khác nhau, thì sự tăng trưởng này có lo ngại rõ ràng nhất là gây mất cân đối cơ cấu vốn trong hệ thống.
Cụ thể, sau cơ chế áp trần lãi suất tiền gửi USD đối với dân cư, và sau đó là tiếp tục siết trần, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống liên tiếp những tháng gần đây sụt giảm mạnh. Diễn biến này tạo nên mâu thuẫn với tăng trưởng tín dụng liên tiếp tăng cao.
Do dữ liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước không có hệ thống, rời rạc và không đầy đủ nên bộ mặt của sự mâu thuẫn đó khó nhận diện đầy đủ. Nhưng tham khảo tại Tp.HCM, địa bàn kinh tế lớn nhất cả nước, 6 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ chỉ 0,94%, trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng tới 18,09% - “độ vênh” là rất lớn.
Như đề cập ở trên, lo ngại về cầu tín dụng ngoại tệ đáo hạn tạo áp lực lên tỷ giá còn cần xem xét cụ thể vòng quay của các dòng vốn, nhưng lo ngại về mất cân đối trong cơ cấu vốn của hệ thống từ chênh lệch quá lớn giữa tăng trưởng huy động và cho vay ngoại tệ nói trên là rõ ràng.
Thế nên, không bất ngờ khi gần đây nhiều thông tin lại phản ánh tình trạng vượt trần lãi suất huy động đã lan sang tiền gửi USD. Tất nhiên, cách làm này khó lâu dài và thiếu "bền vững". Khi sự mất cân đối đến giới hạn, đầu vào khó, tự thân các ngân hàng phải xem xét hạn chế đầu ra.
Thêm vào đó, để khắc phục (có thể còn bao gồm những mục đích khác nữa), Ngân hàng Nhà nước qua kênh truyền thông chính thống mới đây đã “đánh tiếng” là sẽ hãm phanh tín dụng ngoại tệ.
Biện pháp có thể tính tới là bổ sung cơ chế cho vay theo hướng thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ, hoặc sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (sau khi đã tăng hai lần kể từ đầu năm) để gián tiếp nâng lãi suất vay ngoại tệ lên cao. Cùng với đó là thông điệp hạ lãi suất VND mà tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình ngay khi nhậm chức đã đưa ra. Chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền sẽ bị thu hẹp theo hướng bất lợi cho tín dụng ngoại tệ. Dĩ nhiên, đây vẫn chỉ là một giả thiết.
Còn cụ thể hơn lúc này là thông điệp được phát đi từ diễn biến của tỷ giá USD/VND bằng trạng thái kịch trần trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, hay sự nóng lên đang có trên thị trường tự do. Quãng êm đềm của tỷ giá USD/VND thời gian qua đang có khả năng bị thay thế bằng một xu hướng tăng, hay mua USD có thể sẽ khó hơn và đắt hơn.
Về phía nhà điều hành, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từng bước cũng sẽ tạo một thông điệp cụ thể đối với tín dụng ngoại tệ. Nhu cầu vay sẽ dè chừng trước xu hướng tăng đó. Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này vẫn là tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ - một phản ứng thường thấy của thị trường.
Như từng đề cập, thực tế những năm gần đây cho thấy, rào cản lớn nhất mà thị trường tạo ra đối với tín dụng ngoại tệ là mức độ chênh lệch lãi suất và rủi ro tỷ giá.
Minh Đức
tbktvn



Xem bài viết: Thông điệp đầu tiên cho tín dụng ngoại tệ