Việt Nam với bong bóng tài sản
"Được mùa chớ phụ ngô khoai..." Câu ca dao nổi tiếng từ bao đời nay đang tỏ ra thích hợp với tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 năm vừa qua. Lời khuyên xa xưa ấy vẫn đúng, nếu phải dùng để an ủi các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp đang từng ngày càng trở nên mất kiên nhẫn trước tình trạng bong bóng tài sản đã không thể tiếp tục phình lên như mức họ trông đợi.

Được mùa chớ phụ ngô khoai
Nhìn lại, thị trường chứng khoán trở nên sôi nổi và nóng bỏng từ giữa năm 2006. Cuối năm 2006, có thể lấy sự đột biến giá trị của cổ phiếu bất động sản Sông Đà SJS và sự kiện FPT lên sàn với mức 40 lần mệnh giá làm điển hình để đánh dấu 2 xu hướng mà suốt những năm sau đó chi phối mạnh mẽ nền kinh tế. Đầu cơ tài chính và bất động sản đã trở thành hai nguồn thu nhập nở ra nhiều nhất cho các nhà đầu tư. Hiếm có thị trường nào ngoài Việt Nam (hay Trung Quốc), các nhà đầu tư nhận được những lợi nhuận siêu hạng bằng một vài cách làm tương đối đơn giản. Đối với chứng khoán, cách thu hoạch khá phổ biến là phát hành thêm cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc lập ngân hàng để bán cổ phiếu. Đối với bất động sản, đó là dựng dự án chiếm đất càng nhiều càng tốt và sau đó chia lô bán nền, hoặc bán căn hộ khi đa số còn trên giấy.
Giả sử lợi nhuận của một doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ đạt mức đáng thèm muốn là 100%/năm, mức này không có nghĩa lý gì khi so sánh với đầu tư tài chính và bất động sản theo cách trên đây. Lợi nhuận kỳ vọng của hai ngành này, trong thời gian đầu, không khó khăn để "gấp thếp" vài lần, thậm chí vài chục lần. Mà không phải trong một năm - người ta mong đợi tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi hàng quy‎. Cổ phiếu dạng "bluechip" không tính lãi bằng "phần trăm", mà tính bằng "phần chấm": ví dụ 60 chấm đã từng là giá của cổ phiếu "vua" công nghệ FPT. 10 chấm, là giá của Vietcombank chào sàn trong lần IPO 2008.
Vì thế, không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư lớn nhỏ đổ xô vào hai lĩnh vực này, kéo theo là các loại nguồn vốn trong xã hội: vốn tự có, vốn vay, vốn từ giá trị quỹ đất, vốn từ liên doanh với nước ngoài.v.. Doanh nghiệp nhà nước có ưu thế tuyệt đối: các doanh nghiệp này thường có diện tích đất khổng lồ, tự có hoặc dễ dàng được phân, mặc dù đất phân cho họ là nhằm tạo nguồn lực để họ làm đầu tàu cho những ngành công nghiệp khác nhau của nền kinh tế. Doanh nghiệp nước ngoài, ít lợi thế hơn, nhưng lại có vị thế của yếu tố ngoại: đủ các quy định khuyến khích đầu tư ưu đãi cho họ. Doanh nghiệp trong nước, yếu thế nhất, nhưng bù lại thì vô cùng khôn ngoan linh hoạt trong cách vận dụng quan hệ: từ huy động vốn người thân và bạn bè cho đến khả năng vận động chính quyền.
Kết quả là một lượng vốn khổng lồ đã được bơm vào nền kinh tế chỉ trong vài năm. Giáo sư David Dapice của Đại học Havard đã nêu con số giật mình khi so sánh tăng trưởng tín dụng của Việt Nam: năm 2000 con số này mới là 30% GDP, năm 2010 đã lên tới 130%.
Điều đáng chỉ mặt đặt tên ra ở đây là thực chất vốn chảy vào đâu? Phải chăng vốn nằm trong các nhà máy xí nghiệp, các khu công nghiệp để tăng cường năng lực và kỹ nghệ cho nền kinh tế? Hay vốn được đưa vào các trường đại học và cơ sở giáo dục để kiến thiết kỹ năng cho nguồn nhân lực tương lai? Vốn có chảy vào đồng ruộng và cơ sở chế biến nông nghiệp để gia tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu? Có, tất nhiên là có. Nhưng tỷ lệ lớn của luồng vốn này nằm trong những khoản đầu tư ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi nhằm chớp lấy lợi nhuận trong ngắn hạn.
Chỉ cần giở lại báo chí cách đây 3 năm, tới tấp rất nhiều là tin doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ này mở công ty chứng khoán tận dụng đất vàng có sẵn giữa trung tâm, tập đoàn dệt may nọ lập dự án bất động sản trên nền nhà máy sát vách khu đô thị. Vốn thừa tới mức dồn ứ lại không được dùng đầu tư nâng cấp và mở rộng dây chuyền, đào sâu cải tiến công nghệ mà đuổi nhau từ mua bán tài sản vô hình này sang tài sản hữu hình khác. Mục tiêu chung là làm ra lợi nhuận nhanh nhất, chứ không phải là xây dựng năng lực lõi bền vững nhất cho doanh nghiệp.
Tâm ly đám đông từ những hành động đó vận vào những thực thể có liên quan. Một thời gian dài, mỗi tờ báo lớn đều có một phụ trương về chứng khoán, giống như truyền thông thường làm khi phải vớt lấy sức nóng của môn bóng đá trong khoảng thời gian 1 tháng mỗi khi World Cup tới. Sức nóng của chứng khoán và bất động sản còn hun đốt các cá nhân hơn thế. Vô số nhà đầu tư khi lên các loại "sàn", hoặc cổ vẫn đeo lủng lẳng các loại thẻ ra vào cơ quan, hoặc tay xách tòng teng chiếc làn đi chợ.
Nền kinh tế Việt Nam đã đứng trước sự được mùa hiếm có trong lịch sử đương đại. Nếu khôn ngoan hơn và biết đầu tư phần tương xứng vào những kỹ nghệ tiên tiến, những dịch vụ căn bản mà xã hội đương đại cần, vào việc tích tụ ruộng đất để tạo nên những sản phẩm năng suất cao sản lượng lớn, vào những thương hiệu có sức cạnh tranh ít nhất ở tầm khu vực và những hàng hóa chất lượng vượt trội và ổn định, có lẽ mọi chuyện đã khác. Giá như những cánh đầu đàn như Vinashin, thay vì tràn lan mua những công ty phân bón, xi măng hay vận tải chở khách, đã tập trung vốn liếng vào "nắm đấm" công nghiệp đóng tàu, đẩy nó từ trình độ sơ khai lên mức ưu việt như Hyundai đã làm cách đây 30 năm, chưa chắc tình trạng cạn kiệt mang hiệu ứng dây chuyền hiện tại đã xảy ra.
Nhìn vào cách sống của nhiều "bạch thủ khởi gia" ngoại quốc, có thể thấy sự khác biệt lớn với nhiều đại gia Việt Nam cả quốc doanh và dân doanh phất lên trong giai đoạn hưng thịnh của thị trường tài chính và bất động sản. Ingvar Kamprad, ông chủ IKEA, thương hiệu toàn cầu đầy tự hào của Thụy Điển, sử dụng xe ô tô Volvo "nội". Với tài sản 33 tỷ đô la (2007), ông là khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair. Warren Buffet, nhà đầu tư huyền thoại của phố Wall mà mỗi bữa trưa cùng ông được đấu giá cả triệu USD, bấy lâu nay không chịu thay nhà.
Trong khi đó, nhiều doanh nhân Việt Nam, miệng khẳng định thiếu vốn là căn bệnh kinh niên của doanh nghiệp trong nước, nhưng ga-ra vẫn xếp hàng Roll Royce, Bentley hoặc Ferrari. Nhiều doanh nghiệp thiếu tiền nợ lương công nhân hàng loạt trong nhiều tháng trời, nhưng ông bà chủ vẫn không khó tìm vốn góp vào các suất nhà VIP mỗi khi có dự án đô thị cao cấp nào đó chào mời.
Một quan chức ngoại giao cao cấp của Thụy Sỹ lúc trà dư tửu hậu kể lại chuyện ấn tượng nhất khi gặp một đoàn Việt Nam sang thăm nước này. Sau câu chào xã giao là một lời hồ hởi, người đồng nhiệm Việt Nam của ông khoe mình vừa mua được một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ thứ thiệt. Giá của nó là 20.000USD. Quan chức Thụy Sỹ kinh ngạc. Mặc dù hiểu đó là ý tốt của vị khách Việt Nam, mua hàng "ủng hộ" đất nước của đồng hồ, vị quan chức Thụy Sỹ cũng không thể hiểu nổi làm thế nào vị đồng nhiệm kia mua được món đồ xa xỉ đó. Đơn giản, vì ông cũng không dám mua, mặc dù giá của nó chỉ bằng lương tháng của...chính ông.
Tới khi thất bát lấy ai bạn cùng
Tiền đang đến, còn đến nữa, và đó là thứ tiền dễ. Tiền từ các dự án công ngày càng phình to, từ nước ngoài chảy vào một thị trường mới nổi cần đầu tư và cần "viện trợ", từ những khoản tiết kiệm nằm trong tài khoản lương cho tới các hộp sắt chôn dưới gầm giường, rất nhiều trong số đó tìm cách đi kiếm lợi nhuận từ các thị trường tài sản. Các ngành nghề khác đột nhiên bị nhìn nhận thành "vất vả mà chả chóng nên người", chủ doanh nghiệp sốt ruột, người làm công mất kiên nhẫn, tới cả công chức cũng không đành lòng. Trí lực họ tất nhiên sẽ bớt để tâm vào việc làm chính, nghề nghiệp chính vì mắt đã hướng vào những cơ hội đầu tư mà đám đông ngoài kia đang háo hức ùa theo. Công việc chính, "business" chính đã trở thành "ngô khoai".
Thời hoàng kim ấy đã qua. Cộng với chiếc vòi rồng khủng hoảng tài chính toàn cầu hút sạch vốn liếng của các chính phủ, các doanh nhân và người dân đi đâu không rõ, nguồn tiền tại Việt Nam cũng dần cạn kiệt khi dòng vốn đã thẩm thấu vào vàng, chứng khoán, đô la và đặc biệt là nhà đất. Hàng nghìn dự án khu đô thị bề ngoài để ở, để nghỉ nhưng thực tế trở thành mua đi bán lại đã xúm vào hút cùng chiếc vòi rồng trên kia một lượng vốn cần thiết cho sản xuất - thương mại - dịch vụ, 3 trụ cột của GDP ở bất kỳ quốc gia nào.
Tại hội thảo "Đầu tư 2011-2012: Cơ hội cho ai" vừa qua, một lần nữa các chuyên gia kinh tế - tài chính hàng đầu khẳng định "Doanh nghiệp chết không phải do lãi suất cao". Một nguyên nhân quan trọng mang lại cái chết lâm sàng kiểu này là "lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản".
Nói cách khác, một lượng vốn không nhỏ của doanh nghiệp, đáng lẽ dùng để thanh toán tiền hàng, trả lương, phát triển sản phẩm phục vụ kinh doanh đã và đang bị bốc hơi theo khói đốt bằng cổ phiếu giấy hoặc bị bê-tông hóa trong nhà đất. Quá khứ ào ào lướt ba-tanh (patin) đã và đang làm khổ hiện tại khập khiễng đi nạng.
Trong giai đoạn đầy cam go hiện nay, những ‎kiến giải có l‎ý luận và cơ sở xác thực như trong hội thảo nêu trên là rất đáng tán thưởng. Nó không chỉ giúp cho các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận rõ hơn căn nguyên lịch sử của cơn bệnh hiện tại, để bản lĩnh đối phó các áp lực xuất phát từ nhiều nhóm lợi ích. Người dân có cơ hội tiếp cận thông tin một cách hệ thống hơn và qua đó bớt hoang mang trước thực trạng lạm phát.
Và quan trọng nhất, các nhà doanh nghiệp thuộc mọi thành phần có điều kiện nhìn nhận lại được - mất của mình, để sẵn lòng chia sẻ khó khăn với Chính phủ và xã hội, để thấu hiểu hơn mối liên hệ tưởng như xa xôi giữa những ngôi nhà nhiều tỷ không chịu hạ giá và những bữa ăn thiếu rau đói thịt của người dân.
Bảo Bảo
tuần việt nam



Xem bài viết: Việt Nam với bong bóng tài sản