Nên để ngân hàng được quyền ấn định lãi suất
Đã đến lúc cho ngân hàng thương mại (NHTM) được quyền ấn định mức lãi suất (LS) huy động vốn theo khoản 1, Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ giảm LS cho vay (đầu ra), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quy định trần LS huy động tối đa bằng VND 14%/năm và bằng USD 2%/năm (giảm đầu vào làm cơ sở cho giảm đầu ra). Giải thích cho quyết định này, có lãnh đạo NHNNN đã dẫn ra khoản 3, Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 rằng trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định LS trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, có lẽ chưa thật đúng khi coi lạm phát cao là diễn biến bất thường trong hoạt động ngân hàng. Việc quy định trần để “ấn” LS huy động xuống là duy ý chí, vì LS huy động chỉ giảm khi có hai điều kiện: 1/ Nền kinh tế vĩ mô đã ổn định, thoát khỏi tình trạng lạm phát cao. 2/ Kỳ hạn gửi tiền gửi của khách hàng tăng lên (gửi kỳ hạn dài LS cao, kỳ hạn ngắn LS thấp, nghĩa là có đường cong LS). Lúc đó nguồn vốn huy động mới ổn định và các NHTM sẽ không phải dùng LS cao để giữ tiền gửi nữa.
Khi bắt bệnh không đúng thì thuốc kê không hiệu quả. Minh chứng là sự can thiệp hành chính vào LS huy động có rất ít hiệu lực, bên cạnh đó còn đẩy các ngân hàng thương mại buộc phải “lách luật” (LS huy động VND cao nhất trong thực tế gần gấp rưỡi so LS trần, LS huy động USD cao nhất đến nay đã gấp LS đôi trần), khiến công chúng mất niềm tin vào tính công khai, minh bạch của hoạt động ngân hàng, người gửi lượng tiền giá trị thấp bị thua thiệt, dư luận nghi ngờ về vai trò, năng lực quản lý của NHNN.
Thực trạng LS huy động trong thực tế thì ai cũng biết, và chắc chắn NHNN cũng biết. Nhưng lý do gì mà đến nay NHNN chưa bỏ quy định LS trần? Sợ không kiểm soát được sự cạnh tranh lãi suất của các NHTM gây bất ổn thanh khoản hệ thống? Sợ không thực hiện được mục tiêu hạ LS cho vay?... Rất có thể có những nguyên nhân bắt nguồn từ nội tại của hệ thống ngân hàng khiến NHNN chưa dám “thả” LS huy động; nhưng rõ ràng là NHNN Việt Nam còn hạn chế trong việc sử dụng “bàn tay vô hình”.
Một ngân hàng trung ương giỏi là biết cách dùng những công cụ của mình (dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khẩu và nghiệp vụ thị trường mở...) để gây ảnh hưởng tức thời đến mức lãi suất vốn (ví dụ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thay đổi lãi suất liên bang thì những lãi suất do thị trường quyết định như lãi suất thế chấp hay lãi suất ưu tiên... của các tổ chức tín dụng sẽ thay đổi theo cùng hướng), từ đó tạo ra một chuỗi các phản ứng lan truyền tác động của chính sách đó tới toàn bộ nền kinh tế theo mục tiêu mình mong muốn, mà không phải can thiệp trực tiếp vào LS giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Đã có một vài tín hiệu cho thấy, khả năng thời gian tới NHNN sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ của mình, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở (là hoạt động ngân hàng trung ương mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường; thông qua đó, tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường).
Đối tượng đầu tiên mà NHNN nhắm tới là ổn định lãi suất thị trường liên ngân hàng (thị trường chỉ có các tổ chức tín dụng vay mượn lẫn nhau), qua đó giảm dần lãi suất kinh doanh (huy động và cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng). Nếu nhận thức và hành động về nguyên tắc lãi suất theo thông lệ quốc tế được thống nhất thì đã đến lúc cần cân nhắc việc bỏ quy định trần lãi suất huy động VND và để cho các tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức LS huy động vốn theo khoản 1, Điều 91 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.
Tuấn Thành
lao động



Xem bài viết: Nên để ngân hàng được quyền ấn định lãi suất