Threaded View
-
07-08-2011 09:11 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Vietstock Weekly 08 - 12/08: Dòng tiền vẫn đang hiện hữu!
Vietstock Weekly 08 - 12/08: Dòng tiền vẫn đang hiện hữu!
(Vietstock) – Mặc dù có những biến động trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng khối lượng khớp lệnh vẫn tiếp tục đà tăng. Sự sôi động trở lại của giao dịch cho thấy sự quan tâm của dòng tiền vẫn hiện diện, và điều này sẽ giúp hãm lại đà giảm điểm (nếu có) trong ít nhất là vào tuần sau.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TUẦN QUA
Kinh tế thế giới: Không khí ảm đạm bao trùm
Ngày 02/08, Quốc hội Mỹ đã đạt thỏa thuận về nâng trần nợ công thêm 2.1 ngàn tỷ USD và cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang 2.5 ngàn tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ tới. Nguy cơ vỡ nợ quốc gia tuy tạm lắng xuống nhưng nỗi lo nợ công vẫn đeo bám giới đầu tư toàn cầu. Ngày 03/08, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nợ công của nước này đã vượt 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Sau khi đạt thỏa thuận lịch sử, Mỹ sẽ phải đối mặt với những cắt giảm mạnh trong chi tiêu. Theo các chuyên gia kinh tế, việc thắt chặt ngân sách trong tình hình hiện nay có nguy cơ đưa kinh tế Mỹ rơi vào một cuôc suy thoái khác.
Các tổ chức tín nhiệm cũng đã cảnh báo về khả năng đánh tụt xếp hạng của Mỹ nếu kỷ luật ngân sách không được siết lại và tăng trưởng kinh tế tiếp tục xấu đi. Điều này đã trở thành hiện thực khi cuối tuần, S&P đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+ với triển vọng tiêu cực, do lo ngại về khoản thâm hụt ngân sách ngày càng phình to của nước này.
Diễn biến tích cực là trong tháng 7, Mỹ tạo thêm 117,000 việc làm, cao hơn so với dự báo 85,000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 cũng giảm nhẹ xuống 9.1% từ mức 9.2% trong tháng 6.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, và đang có nguy cơ lây sang Ý và Tây Ban Nha… Trước tình hình này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang khởi động lại chương trình mua trái phiếu chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực.
Những bất ổn kinh tế tại Mỹ và châu Âu đã đẩy đồng JPY tăng giá; và Nhật Bản đang phải can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ngăn chặn đà leo thang của đồng JPY. Mặc dù nợ công của Nhật đã lên mức 229% GDP (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF), giới đầu tư vẫn xem đây nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh hiện nay.
Thị trường chứng khoán Á – Âu - Mỹ đều đã phản ứng rất tiêu cực trước nguy cơ rơi vào suy thoái của kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ công ngày càng diễn tiến nghiêm trọng tại châu Âu.
Vàng cũng có cơ hội liên tục lập những kỷ lục mới và hiện vẫn đang dao động quanh mức cao 1,650 USD/oz.
Chính phủ nhiệm kỳ mới
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với những khó khăn, bất ổn, thì nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới với những tư duy đột phá trong chính sách đã mang lại luồng gió mới cho nền kinh tế.
Theo ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, việc chọn 3 vấn đề về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng làm “đột phá” cho chính sách là biến Chính phủ từ cơ quan điều hành thành cơ quan kiến tạo phát triển.
Có thể hy vọng một nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới lấy việc tái cấu trúc nền kinh tế làm trọng tâm sẽ từng bước ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ “chặt chẽ”, nhưng sẽ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sau khi được phê chuẩn việc bổ nhiệm đã khẳng định chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chặt chẽ để vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Thông tin đáng chú ý khác là một loạt các biện pháp kinh tế có thể sẽ được tung ra ngay trong tháng 8 này và dự kiến lãi suất sẽ giảm về 17-19% từ tháng 9.
Các số liệu tài chính vĩ mô mới được công bố có nhiều chỉ dấu cho thấy chính sách tiền tệ sẽ trở nên “dễ thở” hơn về cuối năm 2011, và ngân hàng thương mại thậm chí cũng đang chịu áp lực phải hạ thấp lãi suất cho vay. Chúng tôi đã có phân tích về vấn đề này tại đây.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thông tư 74: Vạn sự khởi đầu nan
Tuần giao dịch vừa qua là tuần đầu tiên Thông tư 74 chính thức được áp dụng. Hoạt động giao dịch cùng phiên đã được một số CTCK thực hiện, và đã ít nhiều giúp cải thiện tính thanh khoản, giao dịch trở nên sôi động, đặc biệt là trên HNX với biên độ dao động giá lớn hơn.
Tuy vậy, những hướng dẫn và quy định chi tiết về giao dịch ký quỹ (margin) vẫn chưa được ban hành. Việc thực hiện giao dịch margin, như chúng tôi đề cập trước đây, là khá phức tạp, và dường như cơ quan quản lý đã chưa chuẩn bị đầy đủ nhất để đưa Thông tư 74 có hiệu lực toàn diện từ ngày 01/08.
Dù sao thì chúng tôi vẫn nghĩ rằng Thông tư 74 là một diễn biến tích cực và là một chất xúc tác đáng kể cho một giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Diễn biến đáng chú ý trong tuần
(1) Mặc dù được có hai phiên tăng đểm mạnh về cuối tuần nhưng VN-Index vẫn giảm 1.19% trong tuần qua, đứng ở mức 400.88 điểm. HNX sụt giảm mạnh hơn, mất 1.45% về 68.54 điểm.
Chỉ số VS-100 chỉ sụt giảm nhẹ 0.12%, thể hiện đúng trạng thái đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua. Với một tuần giảm điểm, các chỉ số Market Cap tiếp tục đi lùi; trong đó, VS-Mid Cap sụt giảm mạnh nhất 2.56%, tiếp theo là VS-Micro Cap giảm 0.97%, VS-Small Cap giảm 0.71% và VS-Large Cap giảm nhẹ nhất 0.53% trước sự nâng đỡ ở các cổ phiếu vốn hóa lớn.
(2) Thanh khoản tăng mạnh trên cả hai sàn: Trên HOSE, tổng khối lượng giao dịch đã tăng gần như gấp đôi so với tuần trước. Ngoài đột biến ở giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh trong tuần cũng đạt gần 100 triệu đơn vị, tăng đến 43%. Khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng tăng mạnh mẽ khi đạt gần 112 triệu đơn vị, tăng gần 55% so với tuần trước.
(3) Giao dịch thỏa thuận diễn ra đột biến ở một số mã cổ phiếu trên cả hai sàn.
• Trên HOSE, STB đứng đầu danh sách cổ phiếu có khối lượng thỏa thuận cao nhất với tổng cộng 83.2 triệu cổ phiếu, trong đó có 74.7 triệu cổ phiếu được khối ngoại chuyển nhượng thỏa thuận nội khối. Giao dịch này liên quan đến việc thoái vốn của quỹ thuộc Dragon Capital và việc mua vào của người liên quan đến Hội đồng Quản trị của ngân hàng này.
Tiếp theo trong danh sách là KTB (6.5 triệu cổ phiếu), VIC (2.7 triệu, khối ngoại bán thỏa thuận), EIB (2.7 triệu) và FPT (2 triệu, khối ngoại mua thỏa thuận).
• Trên HNX, KLS được thỏa thuận đến 3.4 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SHB (2.5 triệu ), PVX (2.2 triệu) và SHS (2.1 triệu).
(4) Trong tuần, khối ngoại mở rộng bán ròng mạnh 230.4 tỷ đồng trên cả hai sàn, gồm 234 tỷ đồng trên HOSE và 6.4 tỷ đồng trên HNX.
• Trên HOSE, VIC bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với tổng giá trị 331.5 tỷ đồng, trong khi FPT được mua ròng mạnh nhất với 130.2 tỷ đồng.
• Trên HNX, BVS đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 6.7 tỷ đồng; ở chiều ngược lại, KLS bị bán ròng với 9.8 tỷ đồng.
(5) Đà sụt giảm mạnh của BVH và VIC đã kéo hai chỉ số ngành VS-Insurance và VS-Real Estate giảm điểm mạnh nhất, tương ứng với 5.97% và 5.58%. Trong khi đó, chỉ số VS-Accomodation (6.5%), VS-MiningOil (3.18%), VS-Seafood (2.1%) đã tăng điểm mạnh nhất trong tuần. Với 2 phiên tăng điểm mạnh cuối tuần, chỉ số VS-Securities bất ngờ có mặt trong nhóm tăng điểm với mức tăng 0.94%.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 08/08 – 12/08/2011
Thị trường đã có phiên hồi sinh mạnh mẽ vào ngày 04/08 chấm dứt chuỗi 5 phiên mất điểm liên tiếp của VN-Index. Có hai yếu tố chính giúp thị trường phục hồi mạnh, đó là:
(1) Sự xuất hiện của dòng tiền ”tham lam” đã giúp thanh khoản tăng trở lại vào đầu tuần, giúp tâm lý của giới đầu tư bớt phần lo lắng, và tạo động lực cho đà tăng điểm vào cuối tuần.
(2) Sự kỳ vọng từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới với những tư duy đột phá trong chính sách sẽ mang lại luồng gió mát cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần hoạt động chốt lời trên HNX đã khiến cho chỉ số sàn này không còn duy trì đà tăng điểm. Trong khi đó, VN-Index lại có phiên tăng điểm nhờ trợ lực của các mã Large Cap chủ chốt. E ngại của giới đầu tư nay lại quay sang các bất ổn của kinh tế thế giới và giá vàng tăng lên các kỷ lục mới không ngừng nghỉ.
Việc thị trường dao động mạnh (tăng giảm liên tục) trong thời gian gần đây thể hiện mức độ rủi ro của thị trường và sự cảnh giác cao độ của giới đầu tư. Như đề cập ở trên, sôi động trở lại của giao dịch thể hiện qua khối lượng cho thấy sự quan tâm của dòng tiền vẫn hiện diện; và điều này sẽ giúp hãm lại đà giảm điểm (nếu có) trong ít nhất là vào tuần sau.
Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ “dễ thở” khi càng về cuối năm 2011, và đang chờ đợi những diễn biến cụ thể hơn trong các động thái chính sách vĩ mô. Chúng tôi có nghe nói đến từ 15/8, NHNN sẽ có những biện pháp (kinh tế?) cứng rắn hơn đối với các ngân hàng vi phạm trần lãi suất huy động 14%, và đây có lẽ là xuất phát điểm để hạ lãi suất trên thị trường.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Xuất hiện weekly hammer. Theo biểu đồ weekly, có thể thấy một cây nến Hammer khá điển hình xuất hiện cùng với sự đột biến về mặt khối lượng. Điều này giúp báo hiệu khả năng phục hồi mạnh của VN-Index trong tuần sau là rất lớn.
Mặt khác, khoảng cách giữa hai đường –DI và +DI của hệ thống Directional Movement System tiếp tục thu hẹp (còn 19 đơn vị) cho thấy khả năng thay đổi xu hướng từ giảm sang tăng là khá cao.
Phân kỳ giá lên của MACD Histogram cũng rất đáng chú ý vì đây là tín hiệu đã phát huy hiệu quả rất cao trong những giai đoạn tạo đáy trước đây như giai đoạn tháng 12/2009, tháng 11/2010...
Vùng kháng cự trong vài phiên tới của VN-Index là vùng chống đỡ cũ (nay là vùng kháng cự): 420 – 425 điểm. Nếu vượt qua được vùng này thì giá sẽ có cơ hội lớn để hình thành Double Bottom.
HNX-Index – Sắp test middle của Bollinger Bands. Khối lượng tiếp tục được duy trì ở mức cao và tăng trưởng trong phiên giao dịch cuối tuần. Điều này thể hiện một thực tế là dòng tiền bắt đáy đang ngày càng được bơm mạnh vào thị trường và duy trì khá ổn định.
Trong những phiên đầu tuần sau, giá sẽ test lại middle của Bollinger Bands. Đây là ngưỡng kháng cự đã nhiều lần ngăn cản thành công đà phục hồi của giá và mang tính quyết định trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khả năng bứt phá đang rất lớn do nhóm dao động (momentum) đã bị nén quá lâu trong vùng oversold nên việc cho tín hiệu mua mạnh là rất dễ dàng. Việc mua vào ở mức 40% – 50% cổ phiếu là không quá rủi ro.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng trưởng nhẹ (+0.15%) trong phiên giao dịch ngày 05/08/2011, VS 100 khép lại một tuần giao dịch gần như đi ngang.
Điểm đáng chú ý nhất là khối lượng của chỉ số này luôn được duy trì ở mức rất cao (cao hơn gần 100% so với 3 tuần trước). Tín hiệu này cho thấy dòng tiền vào các mã trụ cột đang tăng mạnh.
VS-Market Cap: Nhóm VS-Large Cap bất ngờ tăng trưởng mạnh trong phiên cuối tuần và vẫn giữ được vị trí dẫn đầu của tuần trước. Đồng thời, nhóm này cũng đã vượt lên trên EMA 10 và mở ra khả năng phá vỡ luôn EMA 20 để tạo tín hiệu mua mạnh.
VS-Micro Cap, VS-Small Cap đã có sự cải thiện tích cực so với tuần trước. Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao nhóm này trong thời gian tới khi mà các tín hiệu mua đang dần xuất hiện.
(*) VS 100, VS-Sector Index, VS-Market Cap là các chỉ số thuộc hệ thống VS-Index do Vietstock phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội.
VS 100 được tính toán dựa trên 100 cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Các cổ phiếu này được chọn lọc một cách kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cơ bản, vốn hóa thị trường và có tính đại diện cho từng ngành...
VS 100 có trọng số tính toán dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated), giúp khắc phục nhược điểm của hầu hết các bộ chỉ số trên thị trường hiện nay.
VS-Sector Index là hệ thống 24 Chỉ số Ngành do Vietstock xây dựng, cũng được dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated).
VS-Market Cap gồm VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giúp phân tích hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của các chỉ số thị trường VN-Index và HNX-Index.
IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 01/08 – 05/08/2011
Phòng Nghiên cứu Vietstock
Xem bài viết: Vietstock Weekly 08 - 12/08: Dòng tiền vẫn đang hiện hữu!
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Vietstock Weekly 25 - 29/07: Cẩn trọng những phiên hồi phục kỹ thuật
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 4Bài viết cuối: 24-07-2011, 10:57 PM -
Vietstock Daily 15/07: Hết bán tháo, nhưng dòng tiền vẫn rất yếu
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 10Bài viết cuối: 15-07-2011, 02:20 PM -
Vietstock Weekly 11 – 15/07: Thị trường tiếp tục “uể oải”
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 26Bài viết cuối: 11-07-2011, 08:41 AM -
Vietstock Weekly 27/06 – 01/07: Chưa “thoát khỏi” xu hướng đi ngang
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 20Bài viết cuối: 27-06-2011, 08:21 AM -
Vietstock Weekly 20 – 24/06: Thận trọng với xu hướng điều chỉnh
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 43Bài viết cuối: 20-06-2011, 08:51 AM
Bookmarks