KLS và ẩn số chứng khoán cầm cố
Lâu nay, ẩn số trong hoạt động của các CTCK vẫn tập trung tại các khoản “phải thu khách hàng” hoặc các “khoản nợ với ngân hàng" (NH). Tuy nhiên, vẫn còn một khoản mục khác rất đáng chú ý: “chứng khoán cầm cố”.
Chứng khoán cầm cố (CKCC) nằm trong phần: Các chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán của CTCK. Đầu năm 2011, giá trị CKCC của khách hàng trong nước của CTCK Sài Gòn (SSI) chỉ xấp xỉ 380 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm kết thúc quý II đã tăng lên gần 590 tỷ đồng. Tương tự, giá trị CKCC của CTCK TPHCM (HCM) cũng tăng từ hơn 250 tỷ đồng lên gần 300 tỷ đồng.
TS. Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (Oricombank), cho biết: “Hiện nay, hoạt động cầm cố chỉ được thực hiện giữa NĐT và NH, CTCK chỉ đứng vai trò giữ phong tỏa cho NH, hay nói nôm na là “giữ hộ” nên khoản mục này chỉ để ở ngoại bảng. Trường hợp CTCK có những khoản cầm cố, đó là hợp đồng mang yếu tố “lịch sử” từ lâu nhưng chưa giải quyết xong”.
Trong trường hợp CKCC của CTCK chỉ là giữ hộ thì CTCK khá an toàn vì câu chuyện nằm ở NĐT và NH. Nhưng theo chia sẻ của một chuyên gia môi giới nhiều kinh nghiệm, mặc dù CTCK không làm cầm cố hay repo, tuy nhiên CTCK muốn lách vẫn có rất nhiều cách.
Tiêu biểu nhất là việc NĐT đưa CP của mình cho CTCK rồi làm một hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCK, sau đó CTCK lại đem “cục tiền” giao cho NĐT cũng với danh nghĩa là hợp tác đầu tư. Như vậy, khoản cầm cố này bản chất không khác gì CTCK cung cấp đòn bẩy cho NĐT. Trường hợp này sẽ phải hạch toán trực tiếp trong bảng cân đối kế toán chứ không thể đem ra ngoài.
SSI hay HCM là những CTCK hàng đầu, thị phần lớn, nên việc giá trị cầm cố lớn cũng là điều dễ chấp nhận. Nhưng đối với CTCK Kim Long (KLS), nhiều người không khỏi sửng sốt khi giá trị CKCC tính đến thời điểm kết thúc quý II lên đến 1.650 tỷ đồng, tức lớn gấp 3 lần so với SSI và 5,5 lần so với HCM và so với đầu năm còn tăng khoảng 300 tỷ đồng.
Dân trong nghề nhìn vào sẽ thấy sự “ngược ngạo” bởi lẽ ai cũng biết KLS từ lâu chỉ chuyên tự doanh, hoạt động môi giới thu hẹp, nên về lý sẽ không thể đẩy mạnh hoạt động cầm cố.
Tiến hành so sánh trên bảng cân đối kế toán của KLS, sẽ rất khó tìm ra một khoản mục đối ứng nào thực sự hợp lý với số tiền trên. Chẳng hạn, khoản “mục phải thu” ngắn hạn của KLS chưa đầy 50 tỷ đồng, khoản “phải thu dài hạn” không có.
Trong trường hợp nếu KLS muốn “giấu” cũng có thể ghi nhận vào đầu tư ngắn hạn khác, tuy nhiên giá trị khoản mục này chỉ gần 210 tỷ đồng, tức chỉ bằng 1/8 so với giá trị CKCC. Một số chuyên gia kế toán-kiểm toán cho rằng, số CKCC này thực chất KLS chỉ giữ hộ cho NH. Nhưng KLS giữ cho ai số chứng khoán có giá trị gần bằng số tiền KLS gửi NH? Và ai đi cầm cố tại KLS!
Nghi ngờ được xoáy vào những cổ đông lớn, những người sở hữu KLS với khối lượng lớn, đã tận dụng vị thế của mình để “xoay tiền” từ NH nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Điểm đáng nói là nếu lật lại khoản mục CKCC của KLS vào đầu năm 2010 chỉ hơn 280 tỷ đồng, đến cuối năm lên đến hơn 1.350 tỷ đồng, tức tăng gần 1.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm này KLS đã thực hiện tăng VĐL từ 1.000 tỷ đồng lên 2.025 tỷ đồng. Có chăng một kịch bản, các cổ đông lớn sau khi vay tiền NH để mua CP phát hành thêm đã đem số CP này cầm cố trở lại để trả tiền cho NH?
ĐẠI NGÀN
sài gòn đầu tư tài chính



Xem bài viết: KLS và ẩn số chứng khoán cầm cố