Giá tăng tại… thống kê
Lạm phát không chỉ do chính sách tiền tệ, đầu tư công mà một phần còn do công tác thống kê, dự báo của Việt Nam.
Không giống như dự báo, tháng 7 này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trở lại, ở mức 1,17%. CPI tăng chủ yếu do thiếu nguồn cung thực phẩm, đẩy giá tăng mạnh, trong đó có giá thịt lợn và gia cầm. Nguyên nhân là do công tác thống kê, dự báo không chính xác, khiến tổng thể thì thừa, mà tại một số thời điểm và ở một số địa phương thì lại thiếu. Do vậy, bên cạnh việc tiếp cận lạm phát từ góc độ chính sách tiền tệ, đầu tư công hay cung cầu hàng hóa, cần tiếp cận thêm lạm phát từ góc độ thống kê, dự báo.

Thống kê sai?
Sau đợt giá thịt tăng đột biến vừa rồi vì thiếu hàng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát để có biện pháp khắc phục cải thiện tình hình. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, dự báo, có thể tháng 8 tới, cung cầu thịt lợn, gia cầm sẽ trở về trạng thái cân bằng hơn, nhờ các biện pháp tái đàn và lượng nuôi đang tăng. Theo dự báo của Cục chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, giá thịt lợn và gia cầm sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, cho dù cung cầu các loại sản phẩm này sẽ trở về trạng thái cân bằng.
Song sự cân bằng này có duy trì được lâu hay không là câu hỏi khó trả lời. Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi đã khuyến cáo người dân đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn. Tuy nhiên, lượng tái đàn bao nhiêu là đủ để tránh việc cung tăng mạnh vượt xa cầu, thì Cục Chăn nuôi cũng không dự báo được. Cho nên, dự báo thị trường thịt sẽ cân bằng hơn vào tháng 8 có lẽ cũng chỉ là áng chừng, ước lượng. Thiếu một cơ sở có tính định lượng trước khi khuyến cáo có thể khiến người chăn nuôi rơi vào cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” đã xảy ra với nhiều loại nông sản suốt nhiều năm qua.
Cái gốc của vấn đề là thiếu số liệu thống kê sát thực tế. Ông Giao, Cục Chăn nuôi, cho biết, ngay như lúc thiếu thịt trầm trọng, đẩy giá lên như vừa rồi ở miền Bắc, số liệu thống kê chung cho thấy lượng thịt cung ứng ra thị trường tăng 6,67%.
Ông Trần Công Xuân, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, cũng cho biết, rất khó đặt hoàn toàn niềm tin vào số liệu thống kê. Nhìn vào số liệu thống kê thì không thấy thiếu, nhưng khi Hiệp hội này rà soát ở nhiều địa phương, trang trại, hộ dân, thì thấy số lượng giảm đến 20%.
Vì thế, hiện nay Cục chăn nuôi khuyến cáo chăn nuôi thêm. Nhưng nếu xảy ra tình trạng nuôi ồ ạt, không loại trừ sẽ xảy ra chuyện cung vượt cầu về sau. Thế nhưng xem ra trước mắt không có giải pháp nào tốt hơn ngoài việc khuyến cáo trên cơ sở ước lượng như thế.
Cần thay đổi phương pháp thống kê
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho biết, cơ quan thống kê lấy số liệu thống kê lượng thịt gia cầm mỗi năm một lần, vào thời điểm 1.8 hay 1.10. Lấy số liệu một lần, nhưng lại dùng đó làm cơ sở tính toán lượng cung gia cầm cho cả năm, theo ông Xuân là thiếu chính xác. Chẳng hạn, quay vòng tới 4 lần/năm (tức khoảng 3 tháng/lứa), mỗi mùa vụ lại có mức độ chăn nuôi khác nhau, nhất là chu kỳ chăn nuôi phục vụ dịp lễ, Tết. Hoặc , quay vòng khoảng 2,2 lần/năm, nhưng cách thống kê hiện nay tính ra chỉ bình quân khoảng 1,7 lần, cũng là chưa chính xác.
Hơn nữa, theo Cục Chăn nuôi, những thời điểm cơ quan thống kê lấy số liệu vào ngày 1.4 hay 1.8 chỉ hợp lý với nuôi hộ gia đình. Trong khi trang trại phát triển ngày càng nhiều, chọn thời điểm như cũ để thống kê là không phù hợp, không mang tính đại diện đối với các trang trại quy mô lớn.
Biện pháp về lâu dài, theo ông Giao, Cục Chăn nuôi, là phải thay đổi cách tính toán để số liệu thống kê được chính xác hơn. Phải dựa vào các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như vòng đời của gia súc, gia cầm. Trước đây thống kê vào các thời điểm mang tính đại diện với hộ nuôi thì nay cần thống kê vào nhiều thời điểm để đại diện cho cả các trang trại.
Nhưng để cung cầu hàng hóa cân bằng, không chỉ phải thống kê lượng thịt có thể cung ra thị trường, mà còn phải thống kê cả lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu, (nhất là xuất nhập khẩu tiểu ngạch), hàng phục vụ thị trường trong nước, để có phương án chăn nuôi hợp lý.
Con số thống kê thường được coi là biết nói. Nhưng bài học giá thịt tăng vừa rồi cho thấy, con số thống kê chưa nói đúng, nói đủ, khiến thiếu thịt rồi mới chạy theo giải quyết. Nếu Cục chăn nuôi, cơ quan thống kê và các địa phương phối hợp tốt hơn, kiểm tra rà soát lấy số liệu chính xác sau đợt dịch cuối năm 2010, có lẽ đã có biện pháp tăng đàn, tái đàn sớm hơn và đã không xảy ra thiếu thịt gây tăng giá đột biến như vừa rồi.
Vũ Dũng
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: Giá tăng tại… thống kê