Ngân hàng thương mại sẽ khó duy trì được lợi nhuận
Tính đến hết quý 2/2011, một loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), ACB, Eximbank (EIB), Sacombank (STB) và Techcombank đều đạt tăng trưởng lợi nhuận như kỳ vọng. Trái ngược với diễn biến trên, đa số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị lỗ hoặc giảm lãi đáng kể do khó khăn cả đầu ra lẫn đầu vào. Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại có thực sự cao và bền vững?
Theo một nghiên cứu của IMF năm 2009, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình của các ngân hàng thương mại trên thế giới trong giai đoạn 2003 – 2008 hầu hết dưới 20%/năm, trừ các ngân hàng ở Indonesia. Nghiên cứu này không bao gồm các ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam.

Tìm hiểu của chúng tôi về lợi nhuận của các NHTM của Việt Nam cho thấy, ROE của hầu hết các NHTM niêm yết đều dưới 20% trong năm 2010. Cụ thể, ngoại trừ VCB, ACBCTG có ROE lần lượt đạt 20,39%, 20,52%, và 18,74% thì các ngân hàng niêm yết khác chỉ đạt ROE ở mức dưới 15% như EIB đạt 13,43%, HBB đạt 13,48%, STB đạt 13,35%, và SHB đạt 11,81%. Điều này cho thấy các NHTM của Việt Nam đạt được mức lợi nhuận trung bình so với các NHTM trên thế giới trong giai đoạn nền kinh tế ổn định.
Trần lãi suất và bất ổn tỷ giá giúp NHTM
Trong năm 2011, các NHTM của Việt Nam hầu hết đều duy trì kế hoạch lợi nhuận tương tự năm 2010. Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của các NHTM cho thấy đa số đều hoàn thành trên 50% kế hoạch. Điều này cho thấy tỷ suất lợi nhuận của các NHTM Việt Nam không hề giảm trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn do Chính phủ thắt chặt tiền tệ. Đây là điều khác thường so với hoạt động của các NHTM trên thế giới. Chẳng hạn, khi FED thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ vào năm 2007 và 2008, ROE trung bình của các NHTM của Mỹ đã giảm từ mức 12,3% xuống mức 7,8% và 3,3%.
NHTM Việt Nam duy trì được lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm nay chủ yếu là do sự chênh lệch rất lớn giữa lãi suất huy động và cho vay. Trần lãi suất huy động 14% khiến chi phí huy động của NHTM trên thực tế được giảm. Thay vì phải huy động toàn bộ các khoản vốn với lãi suất cao, tới 17 – 18%, thì chỉ có những khách hàng gửi lượng tiền lớn và có khả năng đàm phán mới nhận được lãi suất vượt trần. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất cao lên tới 22 – 25%.
Kinh doanh ngoại tệ cũng góp phần giúp ngân hàng thương mại kiếm lợi do biến động tỷ giá lớn trong sáu tháng đầu năm 2011. Tỷ giá USD/VND tăng nhanh trong quý 1/2011 rồi giảm dần về mức ổn định 20.600 đồng do các chính sách điều hành tỷ giá tương đối hiệu quả của ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua. Sự sôi động của thị trường này giúp nhiều NHTM có được lợi nhuận lớn nhờ làm trung gian với lợi thế là người chào giá. Trên thực tế Vietinbank có được lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ sáu tháng đầu năm 2011 là 266 tỉ đồng, tăng vọt so với mức 24 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái, Vietcombank đạt 622 tỉ đồng tăng gấp ba lần năm 2010.
Doanh nghiệp gặp khó khăn từ nhiều phía
Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2011 của Việt Nam chậm lại đã nói lên một phần khó khăn của các doanh nghiệp. GDP chỉ tăng 5,57%, thấp hơn so với mức 6,18% của cùng kỳ năm 2010. Thông tin gần đây về các doanh nghiệp khó khăn và thua lỗ đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, theo đánh giá sơ bộ tình hình sáu tháng đầu năm 2011 của uỷ ban Chứng khoán, 61/105 công ty chứng khoán đang chịu lỗ luỹ kế và 27/47 công ty quản lý quỹ chịu lỗ. Trong lĩnh vực xây dựng và các ngành liên quan đến xây dựng, các tập đoàn xây dựng lớn như tổng công ty Sông Đà, tập đoàn HUD đều đang gặp khó khăn lớn trong triển khai sản xuất ximăng. Các công ty thuộc tập đoàn ximăng Việt Nam Vicem chỉ đạt lợi nhuận 2 – 3% trên vốn điều lệ trong sáu tháng đầu năm. Các doanh nghiệp kinh doanh thép đang tồn kho cao và có nhiều khả năng thua lỗ khi giá thép giảm trong khi lĩnh vực bất động sản có thể bị đóng băng. Trong lĩnh vực vận tải biển, các doanh nghiệp vận tải lớn như Vosco, Vitaco, Vipco, PV Trans… hiện cũng chỉ lãi từ vài tỉ đến vài chục tỉ trên vốn điều lệ cả ngàn tỉ đồng.
Doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay do rất nhiều nguyên nhân. Chính sách kinh tế thay đổi và chuyển hướng đột ngột khiến cho doanh nghiệp không thể đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp. Tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm do tín dụng thắt chặt khiến vòng quay vốn bị chậm, lượng hàng tồn kho tăng cao làm tăng nhu cầu đi vay tài trợ vốn. Lãi suất tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ còn chịu biến động lớn từ tỷ giá.
Rủi ro hệ thống đang lớn dần
Với sự ràng buộc lẫn nhau trong quan hệ tín dụng nên nếu các doanh nghiệp tiếp tục bị thua lỗ thì chính các NHTM cũng sẽ gặp khó. Khi kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp sẽ không thể trả gốc cũng như lãi cho NHTM đúng hạn, tạo ra các khoản nợ xấu cho các NHTM. Chi phí trích lập dự phòng của các NHTM có thể tăng mạnh lên khiến cho lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới cũng có thể bị ảnh hưởng lớn.
Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, nợ xấu và nợ quá hạn đang có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 10.6.2011, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng lên mức 2,72% trong tổng dư nợ từ mức 2,17% trước đó. Còn tính cho bảy tháng, tại TP.HCM, nợ xấu và nợ quá hạn đã chiếm tới 4,39% tổng dư nợ. Mức độ trích lập dự phòng đối với các khoản nợ của các NHTM vì thế có xu hướng tăng lên khi các khoản nợ đủ tiêu chuẩn lần lượt chuyển dần sang các nhóm nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.
Hiện tại, diễn biến trên thị trường vẫn chưa thực sự sáng sủa. Lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại vì CPI tháng 7 tiếp tục duy trì ở mức cao 1,17% so với tháng 6. Tiêu dùng người dân thắt chặt khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng lên. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn hơn và hệ thống các NHTM sẽ gặp những rủi ro lớn hơn trong giai đoạn sáu tháng cuối năm 2011.
Nguyễn Minh Cường
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Ngân hàng thương mại sẽ khó duy trì được lợi nhuận