Blogger: TS Trần Vinh Dự
Thời gian đăng: 29/07/2011


----------------------------------------------------------------
Kiểm toán giá xăng dầu có làm giá xăng dầu giảm? (tiếp theo và hết)



Trong trường hợp giá xăng dầu ở Việt Nam, Điều 17 của Nghị định 84/2009 quy định rõ “thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn” nhưng giá bán lẻ thì bị nhà nước điều tiết theo một số nguyên tắc sau (trong trường hợp tăng giá):


1. Không điều chỉnh giá thường xuyên: Hai lần điều chỉnh tăng giá cách nhau ít nhất là 10 ngày;


2. Trong trường hợp giá cơ sở tăng trong phạm vi nhỏ hơn 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng;


3. Trường hợp giá cơ sở tăng từ 7% đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá với mức tăng bằng 7% của giá bán lẻ hiện hành cộng với 60% của mức giá cơ sở tăng trên 7% đến 12%. Phần 40% còn lại sẽ được bù đắp bởi Quỹ Bình ổn giá;


4. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, quỹ Bình ổn giá, và các phương pháp khác.


Như vậy, cột mốc để nhà nước quyết định cho điều chỉnh giá là “giá cơ sở”. Để tăng giá bán lẻ, nhà phân phối phải chứng minh được giá cơ sở đã có sự thay đổi. Theo Nghị định 84/2009, “giá cơ sở” bằng giá nhập khẩu cộng với các loại thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp Quỹ bình ổn giá, các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trước thuế, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu, và các loại thuế và phí phải nộp khác theo quy định của nhà nước.


Chi phí kinh doanh định mức là một dạng định mức theo đó một doanh nghiệp phân phối có thể chi tối đa theo quy định là bao nhiêu tiền trên một lít xăng dầu bán ra. Và lợi nhuận trước thuế định mức là mức lợi nhuận mà họ được nhà nước đồng ý cho giữ lại. Thí dụ, giá nhập khẩu một lít xăng là 10 nghìn đồng, tất cả các loại thuế và phí là 5 nghìn đồng, chi phí kinh doanh định mức là 3 nghìn đồng và lợi nhuận định mức trước thuế là 200 đồng thì giá cơ sở sẽ là 18200 đồng cho mỗi lít xăng.


Giá cơ sở có thể thay đổi khi giá nhập khẩu xăng dầu tăng, do phá giá VND, do nhà nước thay đổi chính sách thuế, hoặc do nhà nước thay đổi quy định về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trước thuế. Vì thế, để tăng giá cơ sở, doanh nghiệp có thể thực hiện:


(1) Tăng giá nhập khẩu, tức là mua vào với giá cao. Nếu nhà nước không có quy định về việc giá nhập khẩu phải dựa trên giá xăng dầu thế giới thì doanh nghiệp có thể dễ dàng tăng giá nhập khẩu để kiếm lợi bằng cách sử dụng một công ty lập ra ở nước ngoài để mua tận gốc với giá rẻ rồi bán cho doanh nghiệp phân phối ở Việt Nam với giá đắt;


(2) Tăng chi phí kinh doanh và vận động nhà nước điều chỉnh quy định về chi phí kinh doanh định mức. Hiện tượng này cực kỳ phổ biến ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới khi có quản lý giá. Doanh nghiệp thường hay kêu than với nhà nước nhằm xin tăng chi phí kinh doanh định mức để qua đó nâng giá cơ sở. Cũng thí dụ ở trên, nếu nhà nước cho phép họ nâng chi phí kinh doanh định mức lên 4000 đồng thì giá cơ sở sẽ ngay lập tức nâng lên 19200 đồng. Các doanh nghiệp ăn theo cơ chế theo kiểu này thường có động cơ tiêu xài hoang phí vì họ đã có nhà nước giúp chuyển gánh nặng chi phí này tới người tiêu dùng.


(3) Vận động nhà nước điều chỉnh lợi nhuận định mức trước thuế. Điều này khó hơn vì nhà nước ít khi muốn cho các doanh nghiệp phân phối lãi quá nhiều. Tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn có thể kêu than với nhà nước xin điều chỉnh tăng lợi nhuận định mức trước thuế với các lý do như để có vốn tái đầu tư vào tài sản cố định, nâng cao năng lực kinh doanh. Theo tuyên bố mới đây của Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo thì từ quý 4 năm 2011 “lợi nhuận định mức của mỗi lít xăng dầu sẽ là 300 đồng.” Có vẻ như đây là một đợt thay đổi (tăng?) về lợi nhuận định mức có lợi cho các doanh nghiệp phân phối này.


Kiểm toán hay không kiểm toán

Bản chất của kiểm toán giá xăng dầu, nếu thực hiện, sẽ là sử dụng các đơn vị kiểm toán độc lập để tính toán lại giá cơ sở của các doanh nghiệp phân phối. Trên cơ sở đó có thể kết luận các doanh nghiệp này có tính đúng giá cơ sở khi xin điều chỉnh (tăng) giá xăng dầu hay không. Trong trường hợp các doanh nghiệp phân phối tính giá cơ sở quá cao so với số liệu mà kiểm toán tính được thì nhà nước có thể không cho phép các doanh nghiệp này tăng giá bán lẻ xăng dầu. Thậm chí nếu phát hiện các doanh nghiệp này cố tình tính sai giá cơ sở trong quá khứ để xin tăng giá thì nhà nước có thể phạt các doanh nghiệp phân phối này về tội gian lận.


Tuy nhiên, sâu xa hơn, vẫn là câu chuyện về cơ chế hình thành giá xăng dầu. Ngay cả khi các doanh nghiệp tính đúng giá cơ sở thì điều đó không có nghĩa là giá xăng dầu sẽ là mức giá cạnh tranh. Như phân tích ở trên, các doanh nghiệp vẫn có nhiều cách để nâng giá cơ sở một cách hợp pháp để trục lợi và dành phần thiệt thòi về phía người tiêu dùng. Vì thế, về dài hạn, Việt Nam chỉ có thể giải quyết dứt điểm được câu chuyện giá xăng dầu minh bạch, cạnh tranh, và rẻ tương đối cho người tiêu dùng khi Việt Nam xóa bỏ các biện pháp quản lý hành chính về giá, tự do hóa thị trường này, và quyết liệt vận dụng luật cạnh tranh để ngăn chặn các hành vi cấu kết giữa các doanh nghiệp nhằm tăng giá trục lợi.


Quá trình tự do hóa, hay còn gọi là phi tập trung hóa (de-regulation) thị trường xăng dầu là một quá trình phức tạp. Nếu không thực hiện đúng, de-regulation có thể dẫn tới chuyện quyền lực thị trường tập trung hết vào một vài doanh nghiệp có thị phần khống chế. Trên cơ sở nắm được quyền lực này, các doanh nghiệp lớn sẽ nâng giá và bắt chẹt khách hàng. Chính vì vậy, de-regulation phải đi kèm với việc triệt để thực thi luật cạnh tranh. Thế giới đã có nhiều bài học quý giá (và nhiều khi cay đắng) về việc này và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ những sai lầm của họ.