Đây là bài em đọc hồi tháng 09/09/2005 trên vneconomy, em ấn tượng mạnh về nó đến nỗi bây giờ em cũng còn nhớ rất rõ.

Mời các bác đọc lại nhé!

" Ngân hàng thương mại đối mặt 5 rủi ro

(Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)



"Theo tôi, các ngân hàng thương mại hiện đang phải đối mặt với 5 rủi ro lớn.

Thứ nhất là nợ xấu. Cũng cần đánh giá một cách khách quan rằng tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam đã giảm, từ 14,7% năm 2001 xuống còn 2,8% vào cuối năm 2004. Đây là một xu hướng đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn mực mức trung bình khá của quốc tế, tỷ lệ đó đang ở khoảng 14 - 15%, như là tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn mực Việt Nam cách đây 4 - 5 năm.

Báo cáo của các ngân hàng gần đây cho thấy tỷ lệ này rất thấp, nhưng tính chính xác của các số liệu báo cáo cần phải xem xét lại; còn nhiều sơ hở trong quy định để các ngân hàng thương mại tận dụng, chế biến thành những con số này theo mục đích của họ.

Hiện có nhiều tổng giám đốc ngân hàng cũng không nắm được con số chính xác về tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mình. Rủi ro lớn nhất trong quản trị tín dụng là chính chúng ta cũng không kiểm soát nổi tình trạng nợ xấu tới mức nào và đã được cải thiện tới đâu.

Thứ hai là rủi ro về tỷ giá hối đoái. Trong vòng 4 - 5 năm qua, lạm phát đã tăng khoảng 25%, trong khi tỷ giá hối đoái chỉ tăng khoảng 2,5%. Nếu tính rất đơn giản là l y lạm phát trừ đi chỉ số tăng tỷ giá hối đoái, rồi trừ đi lạm phát của Mỹ chẳng hạn, thì có thể thấy đồng tiền Việt Nam đã tăng giá vào khoảng 12,5- 15% từ năm 2001 đến nay. Điều này nói lên cái gì? Tức là một tỷ giá tương đối ổn định trong một chu kỳ lạm phát cao như vậy sẽ dẫn đến một hậu quả tất yếu là thâm hụt thương mại ngày càng lớn, thâm hụt vãng lai ngày càng lớn, từ đó tạo sức ép tăng cầu ngoại tệ, tăng tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, vì lạm phát cao, ngân hàng không dám điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái và càng để lâu tình trạng không nới lỏng này thì càng hàm chứa một cú sốc về tỷ giá. Đó là một rủi ro tiềm ẩn.

Thứ ba, theo dự báo của tôi, ngân hàng đang rơi vào một chu kỳ mới: chu kỳ lãi suất tăng. Chu kỳ này tôi dự đoán là mới bắt đầu. Kỳ vọng về khả năng sinh lời cao như trong những năm qua đã bắt đầu chững lại và sẽ kết thúc, nhất là với các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Và trong chu kỳ như vậy vấn đề đặt ra là rủi ro về lãi suất sẽ rất lớn và các rủi ro sáp nhập, mua lại, đầu tư chứng khoán trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng lên. Và có thể dự báo rằng xu hướng lãi suất tăng còn có thể kéo dài trong một vài năm.

Thứ tư, kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay cũng như kế hoạch 5 năm tới đều đặt ra mức rất cao. Một loạt các dự án đầu tư lớn của Chính phủ đang được đẩy nhanh, lượng tiền xuất ra đã là 33 ngàn tỷ đồng, rồi 16 công trình trọng điểm của Chính phủ với tổng số vốn là 99 ngàn tỷ đồng nữa cộng với hàng ngàn công trình đầu tư của các tỉnh tạo ra một áp lực rất lớn về vốn, góp phần làm cho xu hướng tăng lãi suất càng trở nên hiện thực hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước khó khăn là khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng và nếu tiếp cận được thì phải chấp nhận một mức lãi suất cao, cộng với các phí khác tăng làm cho sức cạnh tranh của họ yếu.

Thứ năm là rủi ro trong quá trình hội nhập. Rủi ro này đã được đề cập nhiều, tôi chỉ xin đưa ra một số thông tin mới cần chú ý. Đó là trong một cuộc khảo sát gần đây của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra con số bất ngờ: 42% doanh nghiệp và 50% dân chúng được hỏi đều trả lời rằng họ sẽ lựa chọn vay ở các ngân hàng nước ngoài hơn là các ngân hàng nội địa khi mà chúng ta mở cửa tài chính.

Lý do là các ngân hàng này có tính chuyên nghiệp cao hơn, thủ tục đơn giản hơn, dịch vụ tốt hơn và mức độ tin cậy cao hơn.

Tuy nhiên, điều đó chưa đáng ngại lắm bằng thông tin sau đây: 50% doanh nghiệp và 62% dân chúng được hỏi cho rằng họ sẽ lựa chọn ngân hàng nước ngoài để gửi tiền. Quá bất ngờ! Và trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, ngân hàng nào nắm được tiền gửi trong tay thì sẽ chiếm được ưu thế".


Đọc xong xin hỏi các bác một câu: Các bác sẽ gởi, vay hoặc hoặc mở tài khoản giao dịch ở ngân hàng khoai tây hay ngân hàng khoai lang khi VN vào WTO?