TP Hồ Chí Minh: 7 tháng, nợ xấu và nợ quá hạn chiếm 4,39% tổng dư nợ
Tín dụng huy động được 860.000 tỉ đồng, tăng 6,7%; đồng thời cho vay trên 750.000 tỉ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2010. Tuy vậy, nhiều TCTD huy động vốn với lãi suất vượt trần
Ngày 30/7, lãnh đạo UBND TP
HCM có buổi làm việc với các Ngân hàng thương mại, cổ phần và các Tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố về thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
7 tháng qua, các ngân hàng thương mại, cổ phần trên địa bàn TP
HCM đã huy động được 860.000 tỉ đồng, tăng 6,7%; đồng thời cho vay trên 750.000 tỉ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2010.
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại, cổ phần trên địa bàn thành phố đảm bảo tăng trưởng tín dụng không quá 20% và dư nợ trong lĩnh vực phi sản xuất gồm bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… chiếm 22% theo qui định.
Tuy vậy, cho đến nay nhiều tổ chức tín dụng huy động vốn với lãi suất vượt trần, trên 14%. Nợ xấu, nợ quá hạn chiếm 4, 39% so với tổng dư nợ và có xu hướng tăng.
Đề cập những khó khăn đối với vốn vay, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tại TP
HCM cho biết: Lãi suất vừa qua biến động ở mức cao. Như vậy thì chi phí về lãi suất ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nguồn vốn.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng thương mại, cổ phần trên địa bàn TP
HCM có phương án điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn nhằm tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, bảo đảm tỉ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất phù hợp, không để nợ xấu tăng cao; đồng thời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp về chi phí sử dụng vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP
HCM nhấn mạnh: Qua thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ hệ thống ngân hàng đã thực hiện chính sách tín dụng hết sức nghiêm ngặt. Đặc biệt là ngân hàng không chạy theo mục tiêu lợi nhuận, không đua nhau để cạnh tranh lãi suất, góp phần ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát…”./.
Lạm phát Việt Nam cao nhất khu vực Đông Á
Thứ năm, 28/7/2011, 19:40 GMT+7
Báo cáo Theo dõi kinh tế 6 tháng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy Việt Nam đang phải chịu những tác động nghiêm trọng của lạm phát, trong đó có suy giảm tăng trưởng.
Diễn biến lạm phát tính theo năm của Việt Nam kể từ năm 2007. Theo ADB
Theo ADB, việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do Chính phủ phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này là dễ hiểu khi mặt bằng giá vào thời điểm kết thúc tháng 6/2011 đã cao hơn tới 20,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 14 nền kinh tế Đông Á mà ADB tiến hành khảo sát và cao gấp đôi so với nước xếp ở vị trí thứ 2 là Lào.
Tiền đồng có mức giá giảm mạnh nhất trong khu vực kể từ tháng 3/2011. Nguồn ADB
Cùng với lạm phát Việt Nam cũng phải đối mặt với một loạt các vấn đề vĩ mô khác như thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tỷ lệ cho vay so với huy động của toàn hệ thống tính đến tháng 3/2011, theo số liệu của ADB, đạt gần 106% (cao thứ 2 trong khu vực, sau Hàn Quốc). Bội chi ngân sách tính đến hết tháng 7 cũng lên tới 8%, cao nhất trong số 14 nền kinh tế được khảo sát.
Việt Nam cũng được Ngân hàng phát triển châu Á xác định là nước có dự trữ ngoại hối thấp nhất khu vực Đông Á khi chỉ đáp ứng được 1,6 tháng nhập khẩu. Theo số liệu thương mại 7 tháng đầu năm, con số này tương đương hơn 13 tỷ USD (so với mức 12,4 tỷ USD mà ADB dự báo hồi tháng 4). Do dự trữ ngoại hối thấp, công với thâm hụt thương mại cao, Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm 9,3% giá trị tiền đồng so với đôla Mỹ và là một trong số ít những đồng tiền trong khu vực mất giá so với USD.
Vn-Index của Việt Nam cũng là chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua. Nguồn ADB
Theo đánh giá của ADB, những nguy cơ nói trên, đặc biệt là lạm phát với vòng xoáy lương-giá có thể tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế trong khu vực nói chung. Các nguy cơ khác có thể đến từ sự hồi phục chậm chạp của Nhật Bản, khủng hoảng nợ tại Mỹ cà châu Âu… cũng có thể khiến thị trường tài chính biến động mạnh hơn và dòng vốn đầu tư trở nên kém ổn định.
Bookmarks