Bí quyết đầu tư của ông trùm chứng khoán – Warren Buffet

1. Đầu tư vào công ty chứ không đầu tư vào cổ phiếu
Warren Buffett quan niệm rằng cổ phiếu chỉ là tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty đó. Ông không đầu tư vào cổ phiếu, mà đầu tư vào công ty. Nói một cách khác, ông hoàn toàn không quan tâm đến việc mua đi bán lại cổ phiếu trong thời gian ngắn. Thay vào đó, ông áp dụng chiến lược “buy and hold

2. Đầu tư theo giá trị thực:
Warren Buffett chịu ảnh hưởng sâu sắc của Benjamin Graham – người tiên phong về đầu tư theo giá trị. Ông cho rằng về lâu dài giá thị trường của cổ phiếu sẽ phản ảnh giá trị nội tại của nó. Do đó những cổ phiếu tốt là những cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp (underpriced).
Theo ông, khoảng cách giữa giá thị trường và giá trị nội tại này càng lớn thì biên độ an toàn, cũng như lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được từ cổ phiếu sẽ càng cao. Để có lợi nhuận, phải tính được giá trị thật hay giá trị nội tại của cổ phiếu hay công ty đó. Các nhà đầu tư nổi tiếng khác như Benjamin Graham, đôi khi đưa ra những công thức xác định giá trị thực theo kiểu của mình, dĩ nhiên dựa vào những công thức cơ bản. Riêng Warren Buffett thì không đưa ra một công thức cụ thể nào của riêng ông. Do đó, theo một số tác giả, công thức tính giá trị thực của ông là một bí ẩn. Tuy vậy, theo phần lớn các tác giả và nhà nghiên cứu khác, Buffett sử dụng nguyên tắc xác định giá trị thật cơ bản như những nhà đầu tư, phân tích tài chính khác.
Cái khác duy nhất làm cho ông thành công là ông nghiên cứu rất kỹ và rất sâu từng công ty ông sắp đầu tư. Ông đã từng nói: “Để là nhà đầu tư thành công, chúng tôi đọc hàng trăm, hàng trăm báo cáo thường niên của các công ty”. Ngoài những chỉ số tài chính, ông còn quan tâm hết sức đặc biệt đến vị trí, lợi thế cạnh tranh của công ty và năng lực của ban lãnh đạo.
Những câu hỏi Warren Buffett đặt ra trước khi quyết định chọn công ty/cổ phiếu để đầu tư như công ty có phát triển tốt không, có lợi thế cạnh tranh không? Warren Buffett chỉ muốn mua cổ phiếu của công ty có lợi thế cạnh tranh cao; là công ty dẫn đầu thị trường của ngành kinh doanh chính của nó hoặc là có thương hiệu được khách hàng đánh giá cao.
Ông không muốn đầu tư vào những công ty không có lợi thế cạnh tranh. Ông còn xét xem công ty mà ông sắp đầu tư có nguy cơ bị công ty lớn mạnh khác nhảy vào cạnh tranh hay không. Ông là người sáng chế ra từ “economic moat” ngụ ý công ty đó có lợi thế cạnh tranh và tạo ra “hàng rào” ngăn cản sự cạnh tranh của các công ty khác.
Warren Buffett luôn đặt ra cho mình những câu hỏi:
- Công ty đó có mô hình kinh doanh đơn giản không? Ông chỉ đầu tư vào các công ty có mô hình đơn giản, dễ hiểu, không quá phức tạp. Ông chỉ đầu tư vào những ngành mà ông biết rất rõ. Lợi nhuận công ty tốt, tăng trưởng ổn định không?
- Tỷ số nợ trên vốn có thấp không? Tỷ số lợi nhuận trên nợ có cao không? Giả sử lợi nhuận không đạt được mức kỳ vọng, công ty có khả năng trả được nhũng món nợ đến hạn không?
- Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROE) có tốt không? Đây là một trong những chỉ số mà Buffett đặc biệt quan tâm. Ông chỉ đầu tư vào những công ty tạo ra mức lợi nhuận tốt.
- Chi phí vận hành của công ty có ở mức chấp nhận được hay không?
- Dòng tiền mặt để đầu tư có đủ lớn để tạo ra lợi nhuận và sự tăng trưởng?
- Công ty có giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư hay không? Việc công ty chia cổ tức hay không chia cổ tức là một trong những điểm khác biệt giữa Benjamin Graham và Warren Buffett. Benjamin Graham cho rằng công ty nên chia cổ tức cho nhà đầu tư. Đối với ông, cổ tức được chia tốt hơn cổ tức được giữ lại trong công ty. Trong khi đó, Warren Buffett muốn công ty giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư. Ông cho rằng, nếu như công ty đang làm ra lợi nhuận tốt – bằng hay cao hơn mức lãi suất mong muốn – thì công ty nên giữ lợi nhuận lại để tái đầu tư. Khi đó công ty sẽ trở thành một máy in tiền với tốc độ ngày càng tăng cao nhờ hiệu ứng tuyệt vời của lãi suất kép.
- Ban lãnh đạo có giỏi, có tầm nhìn, có bề dày thành tích về quản lý kinh doanh, có đạo đức không? Buffett chỉ đầu tư vào những công ty ông tin rằng ban lãnh đạo có năng lực.
Chọn thời điểm mua
Buffet không bao giờ vội vã mua những cổ phiếu có biên độ an toàn không rõ ràng. Thường thì ông sẽ đợi khi thị trường vào giai đoạn điều chỉnh hoặc khi thị trường đang thời kỳ giảm giá mạnh. Khi đó ông sẽ mua được cổ phiếu của công ty với giá thấp hơn giá trị nội tại của nó. Phương pháp đầu tư đơn giản này đã giúp ông thành công lớn và trở thành một trong những người có tài sản lớn nhất thế giới. Nó cũng giúp ông thoát được tổn thất trong những giai đoạn mà hầu hết mọi người đều bị thiệt hại, ví dụ như giai đoạn cổ phiếu các công ty Internet bùng nổ và sụp đổ. Tuy vậy, ông bị một số người phê bình là quá thận trọng và vì thế đã bỏ qua những cơ hội lớn.
Không quan tâm
Với chiến lược đầu tư nói trên Warren Buffett không quan tâm nhiều đến sự lên xuống của giá cả thị trường chứng khoán cũng như chu kỳ kinh tế. Nói đúng hơn ông chỉ quan tâm đến việc lên xuống giá khi ông chọn thời điểm mua. Khi đã mua rồi, ông không quan tâm đến sự lên xuống của giá nữa.
Một điểm nữa khá đặc biệt là ông rất ít quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư. Warren Buffett không theo trường phái đa dạng hóa này. Ông cho rằng nếu đã chọn được doanh nghiệp tốt để đầu tư thì sẽ đạt lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, tức là chọn thêm những cổ phiếu khác vào danh mục đầu tư sẽ giảm lợi nhuận cao tạo ra từ công ty/cổ phiếu chính yếu.
Theo ông, nếu “lỡ” đầu tư vào doanh nghiệp có lãi suất thấp hơn kỳ vọng, thì hãy rút ra càng sớm càng tốt, vì càng để lâu, nhà đầu tư càng bị lỗ và vì thế mất cơ hội đầu tư ở công ty tốt. Còn nếu đã đầu tư đúng công ty làm ăn hiệu quả, thì đừng rút tiền gốc và cổ tức ra khỏi doanh nghiệp. Càng để lâu bao nhiêu thì lợi nhuận sinh ra càng cao bấy nhiêu.