Tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội, Hà Nội
Thực tế cho thấy, phòng ngừa bất ổn kinh tế - xã hội vĩ mô thường tốt, dễ và “rẻ” hơn so với chi phí ngăn chặn và khắc phục chúng khi đã xảy ra.
Quá trình bầu cử Ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam về cơ bản đã khép lại với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục tại vị. Tôi và đông đảo cử tri cả nước đang kỳ vọng rằng đội ngũ lãnh đạo mới sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam...
Tôi cho rằng, triển vọng phát triển bền vững, kìm chế lạm phát ở mỗi quốc gia phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị, nhận thức, thể hiện dưới 5 cách thức sau:
1. Phối hợp hài hòa bàn tay Nhà nước pháp quyền và bàn tay thị trường:
Thực tế cho thấy, không chỉ nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung thái quá không mang lại hiệu quả như mong đợi, mà ngay cả thị trường tự do cao độ cũng không giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân, khắc phục được sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp, giai cấp... Nói cách khác, khi “bàn tay hữu hình” của Nhà nước hoặc nắm quá chặt, hoặc bị buông lỏng quá mức, cũng có thể tạo ra những nguồn lực và thị trường “ảo”, gây đổ vỡ và tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế - xã hội và môi trường…
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay chứng tỏ rằng, các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được sửa chữa bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của Nhà nước. Tôi cho rằng về trung và dài hạn, VN cần chuyển nhanh từ mô hình “Nhà nước - nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng hiện nay, sang mô hình “nhà nước - nhà quản lý công”. Có nghĩa là chúng ta cần mạnh tay cắt giảm các chi tiêu công, cũng như cần ngăn chặn kịp thời “sự liên minh ma quỷ” giữa các doanh nghiệp - ngân hàng và quan chức.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ, lành mạnh. Đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả trên thực tế của Chính phủ trong công tác giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan; ngăn chặn hiện tượng lạm dụng trục lợi cá nhân, thậm chí biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, phường hội và phe nhóm...
2. Coi trọng tính đồng bộ và tính 2 mặt của các giải pháp chính sách:
Theo tôi, các giải pháp và công cụ chính sách cần có trọng tâm, được cụ thể hóa trong thực tiễn. Đồng thời, cần có sự đồng bộ, nhất quán giữa việc ban hành, triển khai, giám sát, kiểm tra và chế tài hiệu quả các vi phạm chính sách; giảm thiểu các hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách” vì lợi ích nhóm, cục bộ...
Tôi cho rằng điều cấp thiết hiện nay là cần nâng cao chất lượng công tác và dịch vụ thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng.
Ngoài ra, Chính phủ cần coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu thống kê và dữ liệu thông tin quốc gia và chuyên ngành hiện đại, có chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng về quản lý nhà nước các cấp. Đồng thời khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hóa thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý thông tin, gây khó khăn và đắt đỏ cho các cấp có nhu cầu tiếp cận...
3. Đa dạng hóa và phối hợp các nguồn lực trong nước và quốc tế:
Thế giới hiện đại và ngày càng “phẳng” hơn đang làm cho các nước xích lại gần nhau hơn bởi những quan tâm chung trong cuộc chiến với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Vấn đề then chốt để giải cứu một nền kinh tế thành công là các chính sách phát triển được lựa chọn phải phù hợp cả với bối cảnh quốc tế, lẫn các điều kiện lịch sử cụ thể trong nước, cho phép khai mở, cộng hưởng cao nhất các tiềm năng và hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước, tham gia sớm, ngày càng chặt chẽ và hiệu quả vào “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”. Đồng thời, cần chủ động tham khảo, đan xen và phối hợp chính sách giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực, cũng như toàn cầu, trước hết trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ và lao động; coi trọng các yêu cầu và thúc đẩy hoàn thiện các định chế quốc gia và quốc tế... để gia tăng sức mạnh, khả năng và hiệu quả giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu.
4. Giữ vững lòng tin cho khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính:
Có lẽ chưa bao giờ yếu tố thông tin và lòng tin lại có vai trò nhạy cảm và quan trọng như hiện nay, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính. Khi tình trạng các thông tin bất đối xứng, hạn chế, thiếu chính xác càng nặng nề và phổ biến, thì tình trạng khủng hoảng càng trầm trọng và kéo dài.
Tôi cho rằng việc ngăn ngừa sự xuất hiện và phát tán các tin đồn có ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến với các chấn động kinh tế thị trường. Nhiều tin đồn có thể làm lao đao doanh nghiệp, thậm chí có thể làm giảm sút căn bản hiệu lực, hiệu quả của một chính sách quản lý nhà nước, gây tổn hại đến uy tín và tiền của quốc gia.
Những tin đồn thất thiệt loại này thường xuất hiện khi có sự không rõ ràng, nhất quán trong chính sách của Chính phủ. Đó là sự chậm trễ hoặc không có những phát ngôn chính thức có liên quan, hoặc khi do cá nhân, nhóm lợi ích nào đó chủ ý tung ra có mục đích định hướng dư luận. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường và thể chế hóa các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ; Không nên lạm dụng hoặc nhấn mạnh “yêu cầu bảo mật” trong các phát ngôn chính thức làm tổn hại uy tín và mất lòng tin của xã hội vào Chính phủ.
Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động kiểu bầy đàn, vô tình hoặc cố ý tiếp tay và trở thành nạn nhân của tin đồn…
5. Trọng dụng người tài, không khoan nhượng với nạn tham nhũng:
Nếu cuộc đấu tranh với tham nhũng bị xem nhẹ thì không những không thể ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng và lạm phát tương lai, mà còn nảy sinh nguy cơ đưa cuộc cải cách kinh tế hiện nay thoát khỏi sức mạnh của luật pháp, từ bỏ lợi ích cộng đồng, để thiên về lợi ích phe phái. Vì thế, dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội phải được tăng cường, đi đôi với xây dựng hệ thống luật pháp rõ ràng, đồng bộ và nhất quán, hiện đại.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn trong hệ thống cơ quan hành chính phải gắn liền với tăng cường trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng. Đảm bảo mọi tài sản xã hội, mọi luật định và mọi công việc Nhà nước đều có người chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm hình sự cụ thể, rõ ràng.
Tôi cho rằng mọi lao động trong xã hội đều có quyền và nhận được sự giáo dục tốt, cần thiết và sống được bằng lao động chuyên môn của mình. Do vậy, cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài phải tạo sự di chuyển chất xám tự do và nâng cao tính chuyên nghiệp trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên. Đồng thời được thỏa mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài như lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần và thăng tiến cá nhân...
Những vấn đề trên cũng là những thách thức lớn đặt ra cho Ban lãnh đạo Nhà nước vừa được bầu ra. Đồng thời cũng là vấn đề mà cộng đồng cử tri cả nước có quyền đòi hỏi và kỳ vọng vào những lời giải sẽ dần hiện hữu trong thời gian tới...
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
vnexpress



Xem bài viết: Tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam