Trong làm ăn thì có người này người khác, có kẻ xây người phá, và trong ngân hàng cũng vậy. Có những ngân hàng được xây dựng với chiến lược rõ ràng, quản trị đúng đắn để trở thành các ngân hàng lớn nhưng cũng có những ngân hàng được mở ra với các toan tính rất riêng như tài trợ cho hoạt động của tập đoàn, như đầu tư chứng khoán, như lũng đoạn một phần khúc thị trường của ngành này nọ. Thậm chí có những ngân hàng được biết tới như của đại gia này, đại gia kia để tài trợ riêng cho dự án của các vị.

Có những ngân hàng của đại gia bán xe máy, của bà bán nông sản, có ngân hàng của chú thợ điện, có ngân hàng của bác thợ may, đúng là nhà nhà làm ngân hàng, người người là chuyên gia tiền tệ. Có không ít ngân hàng được lập ra với các giấc mơ đẹp về hầm vàng hầm bạc, nhưng lại chẳng xây dựng một quy trình đúng đắn để quản lý dòng tiền, quản lý rủi ro vốn không chỉ quan trọng đối với ngân hàng mà còn đối với cả nền kinh tế; và điều nguy hiểm hơn, chẳng biết tại sao mà SBV lại rất sẵn lòng đặt bút ký duyệt cho các ngân hàng này thành lập

Đi cùng với sóng ngân hàng là sóng nhân sự tài chính. Trong những năm đầu thế kỷ khi các ngân hàng được thành lập ồ ạt, nhân sự có sẵn không thể đáp ứng được nhu cầu tăng vọt này nên nảy sinh hiện tượng giành giật nhân sự giữa các ngân hàng thương mại, giữa thương mại và quốc doanh. Và sau đó đến màn giành giật dự án, giành giật khách hàng.

Làm ăn như thế, môi trường như thế và nhân sự như thế, ngoài trừ một số ngân hàng đã có vị thế tốt, biết đi tiên phong, chủ trọng vào chiến lược, quản trị và nhân sự để bứt phá lên, để tận dụng được những cơ hội vàng của một nền kinh tế đang phát triển, rất nhiêu ngân hàng lại níu áo nhau ở lại.

Nợ xấu - đặc biệt từ BĐS - bắt đầu manh nha, ban đầu được khỏa lấp bởi những quả đầu tư (phải nói là đầu cơ mới chính xác) từ chứng khoán, dự án và cổ phần hóa nhưng sau đó lại bị chính các khoản đầu tư này làm trầm trọng thêm khi TTCK và TT BĐS tụt dốc.