Cơ chế chuyển đổi hạn mức giữa các NH: Lợi cả đôi đường
Việc định nghĩa phân loại tín dụng trên thị trường tài chính vẫn đang là những bàn luận chưa thống nhất. TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa tài chính – ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Luật (TP HCM) đã đưa ra những biện pháp mà theo ông là nếu ứng dụng, có thể khắc phục vấn đề thiếu hiệu quả trong thực thi phân loại tín dụng hiện nay.

- Thưa TS, với góc nhìn của ông thì tình hình thực thi phân loại và cơ cấu tín dụng trong các TCTD hiện nay, cần được xem xét ra sao?
Theo tôi, cần phải nhìn nhận lại từ đầu về vấn đề phân loại tín dụng sản xuất và tín dụng phi sản xuất. Việc NHNN lựa chọn tiêu chí mục đích sử dụng vốn dựa trên yếu tố “sản xuất” để chia làm hai loại sản xuất và phi sản xuất là chưa hợp lý, bởi trên thực tế việc phân định ranh giới giữa sản xuất và phi sản xuất rất khó. Ngay NHNN vẫn chưa đưa ra được khái niệm thuyết phục. Mặt khác, trên phương diện lý thuyết lẫn thực tế, chưa kể kết luận tín dụng phi sản xuất (theo cách hiểu của NHNN) là đem lại tác động xấu hơn so với tín dụng sản xuất để đi đến kết luận rằng cần phải hạn chế tín dụng phi sản xuất hơn tín dụng sản xuất.
- Vậy theo TS việc phân loại tín dụng như đang thực hiện sẽ mang đến những hệ quả nào?
Căn cứ phân loại không đem lại kết quả phân loại tách bạch, rõ ràng thì việc kiểm soát, giám sát sẽ rất khó, kém hiệu quả. Mặt khác, thời gian để các NHTM thực hiện kéo giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất theo quy định của NHNN là khá gấp rút, nếu không muốn nói là không thể. Hậu quả là để không bị phạt vì vi phạm, các NHTM sẽ sử dụng nhiều “chiêu lách” để làm đẹp số liệu báo cáo. Rủi ro sẽ gia tăng bởi vì tính minh bạch kém. Như vậy, liệu mục tiêu của NHNN cắt tín dụng phi sản xuất nhằm kiểm soát tốt hơn lạm phát liệu có đạt được trong thực tế dù rằng số liệu danh nghĩa là có thể đạt được?
- Nhưng dù sao thì việc kiểm soát tín dụng cũng đã đi được nửa đường. Nếu phải hoàn tất công việc này, có thể bổ sung và dựa trên những tiêu chí gì để các NH không chỉ đạt được “số liệu danh nghĩa”?
Nếu cần thiết phải áp dụng kiểm soát tín dụng thì có bốn vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, cơ chế truyền dẫn ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng sản xuất, phi sản xuất (theo cách phân loại của NHNN) đến lạm phát chưa được xác định rõ, nhưng lại vội vàng thắt chặt tín dụng phi sản xuất khiến cho việc phân bổ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế dễ bị bóp méo. Hậu quả là hiệu quả thực sự của việc kiểm soát tín dụng phi sản xuất đến kiểm soát lạm phát chưa rõ ràng nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các DN và ngân hàng lại rất rõ ràng. Do đó, cần xác định tiêu chí phân loại rõ ràng để có thể phân lập chính xác từng loại. Hai, áp dụng chỉ tiêu kiểm soát mang tính khuyến cáo kèm các biện pháp chế tài theo từng mức vượt chỉ tiêu. Ba, cho phép các ngân hàng mua bán phần hạn mức dưới chỉ tiêu chưa sử dụng hết, hoán chuyển cho nhau để có hiệu quá tốt nhất. Việc khống chế chỉ tiêu áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng trong khi thiếu cơ chế cho phép chuyển đổi hạn mức giữa các ngân hàng đang gây tác động tiêu cực vì mỗi ngân hàng có đặc thù khác nhau. Cách làm này chẳng khác gì sử dụng toa thuốc đặc trị cho tất cả các bệnh nhân dù cơ địa và mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân khác nhau. Bốn, thời gian để các ngân hàng chuẩn bị phải hợp lý, cần tính đến chi phí chấp hành của các NHTM.
- TS cho biết rõ hơn về cơ chế cho phép chuyển đổi hạn mức giữa các NH?
Giả sử NHNN duy trì cơ chế kiểm soát tín dụng phi sản xuất như hiện nay. NH A có mức tăng dư nợ phi sản xuất là 12%, thấp hơn mức quy định của NHNN, trong lúc NH B có mức tăng dư nợ phi sản xuất là 17%, cao hơn mức quy định của NHNN, thì NHNN có thể cho phép sự hoán chuyển giữa hai ngân hàng này. Bởi mục tiêu cuối cùng của NHNN khi ban hành mức khống chế 16% là áp dụng chung cho toàn hệ thống, nên có ngân hàng cao hơn, có ngân hàng thấp hơn là điều bình thường, miễn sao tổng số không quá 16% là đạt mục tiêu. NH quản trị tốt có thể đưa về và thấy cần đưa về, thì họ sẽ đưa về; nếu NH nào không thể hoặc không muốn thì họ phải chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí cho ngân hàng chưa sử dụng hết. Cơ chế này nếu áp dụng cũng không phức tạp, nhưng nó sẽ giúp việc phân bổ không mang tính đánh đồng vì mỗi ngân hàng có đặc thù khác nhau, quan trọng là tổng thể hệ thống đạt được điều mà NHNN mong muốn.
- Cụ thể cơ chế chuyển đổi này (giả sử được cấp phép) sẽ được các ngân hàng tiến hành như thế nào, thưa TS?
Ví dụ cụ thể hơn là nếu NHNN khống chế NH A chỉ được phép cho vay 10 đồng, NH B được phép cho vay 9 đồng, tổng cộng hai NH được phép cho vay 19 đồng. Nhưng trong trường hợp NH A đến thời điểm X chỉ cho vay 5 đồng, và còn dư hạn mức 4 đồng, nhưng NH B cũng đến thời điểm X đã cho vay vượt tới 11 đồng, thì cơ chế cho phép chuyển đổi hạn mức giữa các NH sẽ giúp NH B được vay lại từ NH A ít nhất 2 đồng chỉ tiêu, để bù vào phần hạn mức đã vượt. NH B sẽ phải mất một khoản phí thỏa thuận cho NH A. Trên sổ sách hạch toán, cả hai NH vẫn đều cho vay và dư nợ vẫn không vượt hạn mức quy định, trong khi, cũng không bỏ phí dư địa hạn mức của từng NH, đồng thời, lại giúp mỗi một NH có thêm cơ hội kinh doanh và gia tăng lợi nhuận.
- Trong bối cảnh này, việc kiểm soát tín dụng là khả thi, hay còn có những cơ sở khác mà nếu thực hiện kiểm soát, hiệu quả sẽ tối ưu hơn?
Theo tôi, NHNN nên kiểm soát dựa trên tổng phương tiện thanh toán (M2). Nếu cần thiết phải kiểm soát tín dụng thì chỉ kiểm soát tổng dư nợ chứ không nên kiểm soát chi tiết hóa mang tính hành chính.
Thực tế cho thấy mối liên hệ giữa tín dụng và các mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là ít và kém hơn nhiều so với mối liên hệ giữa M2 với lạm phát, vì vậy NHNN tập trung vào kiểm soát M2 sẽ tốt hơn và an toàn hơn, nhưng tất nhiên là khó hơn so với kiểm soát tín dụng. Việc hạn chế tối đa các can thiệp trực tiếp mang nặng tính hành chính, thay vào đó sử dụng cơ chế mềm dẻo hơn để điều hành sẽ giúp DN, NH và nền kinh tế sẽ tránh được những ảnh hưởng mang tính "giật cục" như vừa qua.
- Xin cảm ơn TS!
Lê Mỹ thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp



Xem bài viết: Cơ chế chuyển đổi hạn mức giữa các NH: Lợi cả đôi đường