Tại sao thị trường tài chính Mỹ không sợ trần nợ?
(Vietstock) - Khi các cuộc đàm phán về trần nợ kết thúc với kết quả đầy thất vọng vào hôm thứ Sáu, ai cũng cho rằng thị trường tài chính Mỹ sẽ lặp lại kịch bản tương tự như khi diễn ra cuộc tranh luận về chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP) năm 2008. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như dự báo.

* IMF: Mỹ phải gấp rút nâng trần nợ
* Nếu Mỹ vỡ nợ, nhà đầu tư đổ tiền vào đâu?
* Ngày 10/08 có thể là hạn chót nâng trần nợ Mỹ
* PIMCO: Mỹ có thể tránh vỡ nợ nhưng dễ bị hạ tín nhiệm
* Đàm phán nợ thất bại, Tổng thống Obama kêu gọi họp khẩn
Được biết, vào năm 2008, chỉ số Dow Jones lao dốc 777 điểm sau khi Hạ viện bỏ phiếu phản đối TARP . Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo Quốc hội chuyển ý và phê chuẩn gói giải cứu này.
Tuy nhiên, đà giảm điểm trong ngày thứ Hai không mạnh đến mức khiến các nhà lập pháp phải nâng trần nợ. Khép phiên, Dow Jones mất 88.36 điểm (tương đương 0.7%), S&P 500 rớt 7.59 điểm (tương đương 0.56%). Hơn nữa, các chỉ số vẫn còn giữ sắc xanh trong năm nay.
Tương tự, thị trường trái phiếu cũng không chứng kiến sự biến động lớn. Lợi suất trái phiếu kho bạc ngắn hạn, tài sản chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, vẫn không thay đổi. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chỉ tăng 0.04% lên 3%.
Chỉ còn 8 ngày nữa là đến hạn chót nâng trần nợ, và các cuộc thảo luận tại Washington vẫn tiếp diễn nhưng phản ứng của thị trường khá nhẹ nhàng.
Một trong những yếu tố đem lại sự ổn định không ngờ cho thị trường là thông tin trên Fox Business News. Hôm 25/07, kênh truyền hình này cho biết các quan chức Nhà Trắng đã bí mật thông báo cho các ngân hàng lớn tại Mỹ rằng nguy cơ vỡ nợ sẽ không thành sự thật ngay cả khi Quốc hội không nâng trần nợ. Tuy nhiên, Fox Business News không loại bỏ khả năng ngày càng lớn rằng Mỹ có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm do sự bế tắc về vấn đề trần nợ.
Bên cạnh đó, có lẽ thị trường vẫn bình tĩnh vì không có biện pháp triệt để nào nhằm đề phòng nguy cơ vỡ nợ. Xét cho cùng thì các nhà kinh tế cũng không biết chính xác việc gì sẽ ập đến nếu Mỹ không thể nâng trần nợ. Hậu quả duy nhất mà các nhà kinh tế có thể dự báo được là điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế toàn cầu hoặc hầu bao của người dân Mỹ.
Ngoài ra, một yếu tố khác chính là bản thân nội tại của Wall Street. Các báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 khả quan cho thấy mọi người vẫn có thể làm ra tiền, dù là một doanh nghiệp hay một nhà đầu tư nếu họ giữ được niềm lạc quan. Những người thận trọng có thể dõi theo sát các cuộc đàm phán của Quốc hội, nhưng nhiều người vẫn còn tin tưởng rằng các nhà lập pháp sẽ đi đến thỏa thuận cuối cùng, đặc biệt là do hậu quả thảm khốc nếu điều ngược lại xảy ra.
Và đó là một phần của sự nghịch lý đã đem lại cho thị trường phản ứng khá bất ngờ như trong thời gian qua. Đa số các dự báo đều cho rằng hậu quả của sự thất bại trong việc nâng trần nợ là vô cùng thảm khốc, và nhà đầu tư tin tưởng rằng các nhà lập pháp sẽ không để điều này xảy ra, ít nhất là tại thời điểm này.
Tuy nhiên, nếu Mỹ không nâng trần nợ, thị trường sẽ có thể lãnh đủ tác động của các cuộc tranh luận chính trị sau ngày 02/08. Và khi đó, chúng ta có thể thực sự chứng kiến kịch bản tương tự như năm 2008.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)



Xem bài viết: Tại sao thị trường tài chính Mỹ không sợ trần nợ?