'Nghi án' thị trường vàng bị thao túng giá
Giá vàng trong nước đang dần chạm mốc 40 triệu đồng, song điều đáng chú ý là khoảng cách mua bán lại ngày càng bị thu hẹp lại. Có không ít doanh nghiệp, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng hiện chỉ 50.000 - 80.000 đồng một lượng.
Giá vàng trong nước chiều nay tiếp tục đà tăng mạnh và dần áp sát mốc 40 triệu đồng. Nếu như mở cửa sáng nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội niêm yết giá mua – bán phổ biến ở mức 39,72 – 39,80 triệu đồng một lượng thì tới khoảng 14h40 chiều, giá vàng bán ra đã được đẩy lên 39,87 triệu đồng. Thậm chí, kết thúc ngày hôm nay, giá vàng SJC đã "sừng sững" ở mốc 39,84 - 39,92 triệu đồng.

Cụ thể, lúc đầu giờ chiều, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu và vàng miếng SJC của Phú Quý hiện đều được giao dịch ở mức mua vào 39,77 và bán ra 39,87 triệu đồng. Có mức giá mua – bán cao nhất trên thị trường hiện phải kể đến giá vàng niêm yết tại một số ngân hàng thương mại, như vàng miếng SJC tại Ngân hàng Á Châu (mua vào 39,82 – bán ra 39,89 triệu đồng) và Ngân hàng Eximbank (mua vào 39,79 – bán ra 39,88 triệu đồng). Chênh lệch giữa giá mua và bán ngày càng bị rút ngắn khi chỉ một giờ sau đó, một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng giá mua vào hoặc hạ thấp giá bán ra. Có biên độ giá mua bán thấp nhất là vàng miếng SJC tại thị trường Đà Nẵng, mua vào 39,82 - bán ra 39,87 triệu đồng một lượng, chênh nhau 50.000 đồng một lượng.
Tuy giá vàng dần chạm ngưỡng 40 triệu đồng nhưng lượng khách giao dịch tại Hà Nội chiều nay vẫn khá trầm. Lúc 15h, khi vàng đã thiết lập đỉnh 39,87 triệu đồng thì tại quầy hàng vàng miếng và trang sức của Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông chỉ có khoảng 4 – 5 khách hàng. Một lúc sau đó, lượng khách tới có vẻ nhỉnh hơn, song vẫn khá thưa thớt.
Tại Phú Quý, PNJ Phú Nhuận và một số doanh nghiệp vàng nhỏ lẻ quanh “phố vàng” Trần Nhân Tông như Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Minh Đức…, không khí mua bán trong hôm nay cũng như suốt đợt vàng tăng giá vừa qua khá trầm lắng, người đến kẻ đi cũng có lúc đông, lúc vắng, song đa phần là thăm dò giá chứ ít giao dịch thật. $0 $0Thậm chí đại diện của Tâp đoàn vàng bạc đá quý Doji còn bình luận rằng thị trường vàng trong nước tại khu vực Hà Nội và các tính phía Bắc gần như đóng băng. Đến hôm nay, dù giá vàng đã lập kỷ lục mới những các nhà đầu tư còn tiếp tục nghe ngóng tình hình nên chưa có động thái gì. Tổng lượng giao dịch của Doji trong sáng nay chỉ đạt khoảng 1.600 lượng.
Đúng như nhận định của một lãnh đạo của PNJ Phú Nhuận trước đó, giá vàng trong nước chỉ có thể chạm mốc 40 triệu đồng nếu giá thế giới tăng khoảng trên dưới 30 USD một ounce so với mức giá 1.593 USD một ounce thời điểm đó. Trên thị trường thế giới, giá vàng mở cửa phiên châu Á sáng nay bất ngờ vọt lên đỉnh cao mới 1.624 USD một ounce, do đồng USD suy yếu và giới đầu tư tập trung mạnh vào vàng sau khi cuộc tranh luận về thoả thuận ngân sách giữa Tổng thống Mỹ Obama và quốc hội vẫn chưa có kết quả.
Anh Trần Nhật Nam, phụ trách kinh doanh Bảo Tín Minh Châu, nói: “Với mức giá thế giới 1.624 USD một ounce, nhà đầu tư và người dân có quyền hy vọng vào việc vàng trong nước chạm mốc 40 triệu đồng trong một vài tuần tới".
Đáng chú ý, đây lại là thời điểm khiến giới đầu tư và các doanh nghiệp vàng nghi ngờ thị trường đang bị thao túng giá bởi một số tập đoàn tài chính và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Thậm chí giám đốc một doanh nghiệp vàng lớn có đại lý trên phố Trần Nhân Tông còn cho rằng, đây là thời kỳ khủng hoảng của ngành vàng kể từ khi mở cửa.
Vị này cho biết, việc thao túng giá trên thị trường vàng của một số tập đoàn tài chính và doanh nghiệp vàng được thực hiện ngấm ngầm một thời gian dài qua. Khi giá vàng tăng, một số tập đoàn tài chính và doanh nghiệp tham gia vào thị trường vàng, họ tung tiền ra thu gom vàng khiến vàng vật chất trở nên khan hiếm, vì thế giá tăng đột biến. Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp vừa bán xong lại phải đổ tiền mua vào cao hơn mức giá mình đã bán. Điều này gây lãi giả, lỗ thực cho doanh nghiệp vàng, còn người dân phải mua vàng với giá quá cao, nhưng không phải giá trị thực. Khi giá vàng giảm, họ cũng làm tương tự vậy, vội vã xả hàng nhằm chốt lời, khiến các doanh nghiệp cũng phải đua bán theo.
Hiện, theo ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Bảo Tín Minh Châu, chiêu thao túng của các tổ chức trên là thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và bán một cách không bình thường. Giá vàng đã gần chạm ngưỡng 40 triệu đồng nhưng một số tổ chức chỉ để chênh lệch giữa giá mua và bán 4 – 6 giá (tức chênh lệch chỉ 40.000 – 60.000 đồng một lượng). Những doanh nghiệp khác muốn cạnh tranh cũng buộc phải thu hẹp biên độ lại, khiến thiệt hại đáng kể.
“Tôi nghĩ nếu như lãi suất tiền vay, tiền gửi ngân hàng, mức tăng giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán, hay sự tăng giảm của tỷ giá USD cũng cần có biên độ, thì Nhà nước nên đưa ra biên độ về chênh lệch giá mua và bán vàng, để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tuân theo. Như vậy, người dân sẽ an tâm hơn khi mua bán, và không ai có thể tùy tiện kéo giãn hay thu hẹp giá vàng quá mức nhằm trục lợi”, ông Châu nói.
Đông Nhiên
đất việt



Xem bài viết: 'Nghi án' thị trường vàng bị thao túng giá