Thà một lần thất vọng cho thị trường hồi sinh
Cần có một tổng kết đánh giá lại bức tranh thực của TTCK và đưa ra chiến lược để phát triển TTCK. Có thể báo cáo tổng kết sẽ gây thất vọng, nhưng thà một lần thất vọng để TTCK có cơ sở để hồi sinh mạnh mẽ và bền vững hơn, lấy lại niềm tin của NĐT.

Nhìn lại TTCK Việt Nam trong 11 năm qua, đối với những người làm nghề chứng khoán cũng như đa số nhà đầu tư đều trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhớ lại những ngày đầu tiên của TTCK chỉ có 1 trung tâm giao dịch, với số lượng cổ phiếu niêm yết đếm trên đầu ngón tay, cùng với giao dịch giản đơn, đến nay TTCK Việt Nam đã có 3 sàn giao dịch, với hơn 900 mã chứng khoán. Phương thức giao dịch cũng phong phú hơn với sự phát triển về hệ thống giao dịch, cũng như dịch vụ tại các CTCK.
Thế nhưng, lúc này đây, TTCK Việt Nam lại đang "chìm nghỉm" trong một thời kỳ suy giảm đã kéo dài từ năm 2008. Thanh khoản của thị trường thấp tạo nên những phiên giao dịch tẻ nhạt trên hai sàn chứng khoán chính là HOSE và HNX. Cảm xúc về một thời vàng son của chứng khoán chỉ còn lại trong ký ức và sự tiếc nuối của nhà đầu tư. Nhiều người được hưởng lợi đột biến từ chứng khoán bởi những đợt sóng tăng mạnh trong giai đoạn đầu thành lập và giai đoạn 2005 - 2007. Nhưng những năm gần đây, nhiều người từ giàu có trở thành vô sản bởi chứng khoán và hệ quả của nó tác động, ảnh hưởng nhiều đến xã hội.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được sự ra đời của TTCK là cần thiết khi nó huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế, cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng, tạo thanh khoản cho các chứng khoán, đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế, tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô…
Tính đến tháng 6/2011, giá trị vốn hóa của TTCK bằng khoảng 32,5% GDP. Thời huy hoàng của chứng khoán năm 2007 khi giá trị vốn hóa toàn thị trường lên tới 40% GDP với 249 mã cổ phiếu niêm yết đã kết thúc. Các CTCK cạnh tranh nhau gay gắt về các sản phẩm dịch vụ, điều này đã tạo nên áp lực cho Bộ Tài chính ra đời Thông tư 74 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, trong đó cho phép các CTCK được cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán cùng phiên hay nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản. Đây là một bước đổi mới trong chính sách của cơ quan quản lý, mở đầu cho các sản phẩm tiếp theo kích thích thị trường.
Trong 11 năm qua, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn từng được hưởng lợi khá nhiều từ thị trường do việc dễ dàng huy động vốn và quảng bá thương hiệu, qua đó giúp cho việc triển khai mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, các công ty bắt đầu gặp khó khăn về việc huy động vốn. Tôi cho rằng, đây không phải do TTCK, mà chính là chính sách kinh tế vĩ mô tác động.
Nhiều nhà đầu tư, nhiều CTCK hiện đang khá chán nản, mất niềm tin, bởi một năm nhìn lại thị trường không có nhiều cơ hội tạo lợi nhuận, cũng như sự quản lý chưa chặt chẽ và quyết liệt của các cấp quản lý đối với TTCK. Đây là giai đoạn tích lũy hay phân phối và cơ hội của đầu tư chứng khoán có hay không, đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Theo tôi, sau một đợt khủng hoảng, cơ hội của nhà đầu tư vẫn còn, đây chỉ là một đợt thanh lọc và để lại những CTCK tốt, những nhà đầu tư chuyên nghiệp và những doanh nghiệp có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, để đạt được sự kỳ vọng này, thì sự thay đổi kịp thời các chính sách, sự quyết liệt và trách nhiệm của các cấp quản lý là yếu tố quyết định.
Sinh nhật lần thứ 11 của TTCK năm nay, các cấp quản lý nên có một tổng kết đánh giá lại một bức tranh thực của TTCK Việt Nam trong 11 năm qua và đưa ra chiến lược, cũng như các giải pháp tổng thể để phát triển TTCK trong thời gian tới. Có thể báo cáo tổng kết sẽ gây thất vọng, nhưng thà một lần thất vọng để từ đó TTCK có cơ sở để hồi sinh mạnh mẽ và bền vững hơn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Đoàn Ngọc Hoàn
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Thà một lần thất vọng cho thị trường hồi sinh