Ngành điện Việt Nam hấp dẫn đầu tư nhất khu vực


Theo kết quả khảo sát của Công ty tư vấn đa quốc gia KPMG, ngành điện Việt Nam là một trong những ngành hấp dẫn đầu tư nhất khu vực do tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện năng của Việt Nam đang tăng cao.

Theo khảo sát, các nhà đầu tư chiến lược có xu hướng thích đầu tư vào các dự án phát triển dưới hình thức doanh nghiệp điện độc lập và liên doanh, còn các nhà đầu tư tổ chức lại có xu hướng tìm kiếm cổ tức và lãi do chênh lệch giá từ việc đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hoá ngành điện.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, ngành điện đứng thứ 4 về mức độ hấp dẫn đầu tư sau viễn thông, ngân hàng và dầu khí.

Đưa ra kết quả này trong hội thảo tư vấn cho quá trình cổ phần hoá ngành điện được tổ chức hôm nay tại Hà Nội, đại diện KPMG cũng cho biết, nhu cầu điện năng tăng cao, tỷ suất hoàn vốn và mức độ đa dạng hoá đầu tư cao là những yếu tố hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tính thiếu ổn định trong các quy định pháp lý chi tiết về ngành điện là một trong những lo ngại chính của các nhà đầu tư.

Trong khuôn khổ dự án tư vấn và xây dựng chương trình thực hiện cổ phần hoá ngành điện Việt Nam, tại hội thảo này, các nhà tư vấn cũng đưa ra một số giải pháp về tổ chức bộ máy, quản trị công ty cổ phần, phân tích mô hình tài chính, của các doanh nghiệp ngành điện, các hình thức huy động vốn cho phát triển ngành này.

Theo ý kiến của các nhà tư vấn, để thực hiện tốt quá trình cổ phần hóa ngành điện Việt Nam, mục tiêu đầu tiên là tăng cường đầu tư tư nhân, cải cách các chính sách về thuế quan, hỗ trợ cho nông thôn, đặc biệt là các vấn đề về cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu vốn lớn, khoảng 6 tỷ USD cho giai đoạn 5 năm tới. Các giải pháp chính đáp ứng nguồn vốn này thời gian tới là phát hành trái phiếu, cổ phiếu trong nước và trái phiếu quốc tế.