Nhìn từ đầu tư vốn của SCIC: Người ăn không hết...
Vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, XK hiện cũng đang ở mức trên 20%, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn quá cao. Trong khi đó, tỉ lệ đầu tư của SCIC tính đến hết 2010 mới chỉ đạt 24% vốn điều lệ.

…kẻ lần không ra
Trong một hội thảo vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, GĐ một DN dệt-may tại tỉnh Thanh Hóa cho biết, DN của ông thuộc ngành dệt-may XK, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương nhưng hiện phải đi vay vốn với lãi suất 24%/năm. Nhưng do chủ DN này kinh doanh nhiều ngành nghề tại 6 DN khác nhau, nên có thể luân chuyển vốn dễ dàng trong nội bộ 6 đơn vị. Chính vì vậy, trong hoàn cảnh lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, DN dệt-may của ông mới chỉ phải đi vay NH 30% tổng số vốn để sản xuất. “Chúng tôi như thế là may đấy.
Rất nhiều DN bạn đang “chết” vì phải vay tới 70-80% lượng vốn với lãi suất cao” - vị GĐ này lắc đầu. Theo con số chính thức từ NHNN, lãi suất cho vay nông nghiệp-nông thôn, XK (trong tuần từ 11-17.6) là 16,5-17%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 18-20%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 22-25%/năm. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó tới nay, lãi suất lĩnh vực phi sản xuất được giữ nguyên từ 22-25%, lãi suất lĩnh vực khác tăng nhẹ 1% lên 18-21%, còn lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn và xuất khẩu tăng mạnh lên 16,5 – 20%.
Mới đây, theo thông tin được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế hồi cuối tháng 6, hiện chỉ có từ 360.000 - 370.000 DN đang thực sự hoạt động trên tổng số 580.000 DN được thể hiện trên báo cáo. Theo ước lượng, số DN đang phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm 2010. Điều này cũng kéo theo đó là số dự án đầu tư dài hạn phải dừng lại vô thời hạn cũng tăng theo với số lượng không nhỏ. Theo vị chủ tịch VCCI, việc tiếp cận vốn vẫn đang được xem là vấn đề nan giải của đại đa số DN.
“Ước gì như SCIC”
Trong buổi tổng kết 5 năm hoạt động của TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ngày 18.7, lãnh đạo một DN đã thầm mong được vay lại một phần số vốn đang nhàn rỗi của SCIC. Bởi theo báo cáo hoạt động 5 năm của SCIC (từ khi thành lập năm 2006 đến 31.12.2010), TCty này mới chỉ đầu tư được 6.000 tỉ đồng (bằng 24%) trong số 25.000 tỉ đồng vốn điều lệ. (Cũng tính đến 31.12.2010, tổng tài sản của SCIC đã đạt 52.603 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 21.715 tỉ đồng).
Cũng chính vì thế mà một số ý kiến cho rằng, “siêu” TCty hiện mới chỉ làm chức năng giữ vốn chứ chưa thực sự đầu tư và kinh doanh như tên gọi. “Nếu số vốn do TCty quản lý chưa được mang ra đầu tư mà gửi ở NH chẳng hạn, thì nên cho các DN đang khó khăn về vốn vay lại. Chúng tôi sẽ đảm bảo tiêu chí đảm bảo nguồn vốn theo chỉ số lạm phát cho TCty” - vị lãnh đạo DN tâm sự.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng vốn đầu tư mới của của SCIC dự kiến đạt từ 40.000 – 50.000 tỉ đồng từ các nguồn vốn chủ sở hữu, vốn quản lý và nguồn vốn huy động. Theo báo cáo của SCIC, đến nay SCIC đã thực hiện bán vốn gần 520 DN (trong đó bán hết vốn tại 466 DN) với giá trị sổ sách bán vốn khoảng 1.280 tỉ đồng. Số tiền thu về là khoảng 2.770 tỉ đồng. Số tiền bán vốn dự kiến tiếp tục thu về đến 2012 khoảng 7.800 tỉ đồng.
Tổng cộng lại, số vốn đã bán và số dự kiến bán tiếp khoảng hơn 10.000 tỉ đồng. SCIC cũng cho biết, tổng vốn nhà nước tại SCIC đến 2015 sẽ đạt từ 100.000 – 150.000 tỉ đồng. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ tại 47 bộ và địa phương, hiện vẫn còn gần 200 DN độc lập thuộc diện chuyển giao với số tiền 3.000 tỉ đồng, ngoài ra, có 11 TCty đã cổ phần hóa chưa chuyển giao cho SCIC với số vốn nhà nước trên 4.000 tỉ đồng.
Tính đến 31.12.2010, trên 6.000 tỉ đồng được SCIC đầu tư vào:
1/ Hợp tác với Tập đoàn Điện lực VN đầu tư vào các dự án điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh với số vốn trên 2.500 tỉ đồng.
2/ Hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai dự án đường trục bắc – nam và KĐT Hiệp Phước; Thủy điện Lai Châu, Dự án cầu Vàm Thuật, đầu tư vào CTCP Gemadept, góp vốn vào CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
3/ Đầu tư góp vốn thành lập mới tại 5 DN với tổng số vốn 110 tỉ đồng: CTCP hạ tầng viễn thông CMC, CTCP đầu tư VN- Ooman (VOI), CTCP đào tạo và phát triển nguồn nhân lực miền Trung; CTCP hạ tầng và bất động sản Việt Nam, CTCP công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa dầu khí.
4/ Thành lập DN để triển khai dự án tại 3 DN với tổng số vốn hơn 100 tỉ đồng, trong đó có Cty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC và CTCP đầu tư và dịch vụ Thăng Long.
5/ Thực hiện quyền mua CP, trái phiếu phát hành tăng vốn, cổ tức bằng CP tại 227 DN với số vốn gần 2.800 tỉ đồng.
6/ Mua trái phiếu với số vốn 450 tỉ đồng, trong đó mua trái phiếu BIDV (200 tỉ đồng) và trái phiếu Sông Đà (250 tỉ đồng).

Lưu Thuỷ
lao động



Xem bài viết: Nhìn từ đầu tư vốn của SCIC: Người ăn không hết...