Không thể lơ là với lạm phát, chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ
Gần đây, trong một số cuộc hội thảo và trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện những đề xuất về việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Về vấn đề này xin có một số ý kiến sau.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo tháng sau so với tháng trước, nếu 4 tháng đầu năm có xu hướng cao lên, thì tháng 5 và tháng 6 đã có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể lơ là với việc kiềm chế lạm phát. Điều này xuất phát từ nhiều lý do.
Thứ nhất, tốc độ tăng GDP sau 6 tháng (tức là tháng 6/2011 so với tháng 12/2010) đã tăng 13,29%. Sau 1 năm (tức là tháng 6/2011 so với tháng 6/2010) đã tăng 20,82%; bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 16,03%. Nếu tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm nay:
- Bằng với tốc độ tăng 6,65% của cùng kỳ 2010 thì cả năm nay sẽ tăng 20,82%;
- Bằng với tốc độ tăng 3,74% của cùng kỳ 2009 thì cả năm nay sẽ tăng 17,53%;
- Bằng với tốc độ tăng 1,22% của cùng kỳ 2008 thì cả năm nay sẽ tăng 14,67%;
- Bằng với tốc độ tăng 7,06% của cùng kỳ 2007 thì cả năm nay sẽ tăng 21,29%;
- Bằng với tốc độ tăng 2,45% của cùng kỳ 2006 thì cả năm nay sẽ tăng 16,07%;
- Bằng với tốc độ tăng 2,95% của cùng kỳ 2005 thì cả năm nay sẽ tăng 16,63%;
- Bằng với tốc độ tăng 2,05% của cùng kỳ 2004 thì cả năm nay sẽ tăng 15,61%...
Theo đó, mục tiêu định hướng của Chính phủ đã đưa ra cho cả năm CPI tăng trong khoảng 15- 17% là phù hợp với con số thống kê lịch sử từ 2004 đến nay.
Thứ hai, trong thời gian từ nay đến hết năm 2011 vẫn có nhiều yếu tố gây áp lực làm tăng CPI, bao gồm cả những yếu tố đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm và những yếu tố mới phát sinh.
Về chi phí đẩy, hiện còn nhiều yếu tố tác động gây áp lực làm tăng CPI. Hiệu quả đầu tư trong năm nay có thể được cải thiện hơn (nhưng chủ yếu tác động đến chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong các năm sau), trong khi hiệu quả đầu tư của các năm trước còn thấp (hệ số ICOR năm 2009 là 8 lần, năm 2010 xấp xỉ 6,2 lần). Lãi suất vay vốn ngân hàng cao hơn năm trước 3- 4% và vượt quá khả năng sinh lời của các doanh nghiệp. Chi phí thuê, mua mặt bằng sản xuất, kinh doanh ở mức cao. Chi phí nguyên nhiên vật liệu ở trong nước và nhập khẩu đều tăng. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ là một tất yếu, mặc dù mức độ, liều lượng, thời gian được cân nhắc thận trọng. Thiên tai, dịch bệnh có thể diễn biến bất thường vừa làm tăng chi phí đẩy, vừa làm tăng cầu kéo…
Về cầu kéo, cũng có nhiều yếu tố tác động đến tốc độ tăng GDP. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng trong 6 tháng cuối năm, theo hạn mức 20% của cả năm, còn cao gần gấp đôi tốc độ tăng đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trong 6 tháng cuối năm, theo hạn mức 15- 16% của cả năm, còn cao gấp khoảng 4 lần tốc độ tăng đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm. So với dự toán cả năm, trong 6 tháng đầu năm, chi ngân sách mới đạt 49%, bội chi ngân sách mới đạt 23%, điều đó có nghĩa là “dư địa” về chi ngân sách và bội chi ngân sách trong 6 tháng cuối năm còn nhiều hơn mức thực hiện trong 6 tháng đầu năm.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, tuy đã thấp hơn trước, nhưng vẫn còn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó chứng tỏ tiêu thụ trong nước- một yếu tố cầu kéo quan trọng- vẫn tăng khá cao.
Một yếu tố quan trọng tác động lớn đến tốc độ tăng CPI trong 6 tháng qua (có tỷ trọng trong tổng tiêu dùng lớn nhất và có tốc độ tăng cao nhất bình quân 6 tháng tăng lên đến 24,38% và sau 6 tháng tăng tới 22,21%) và hiện đang tăng rất cao, gây lo ngại cho người tiêu dùng- đó là tốc độ tăng giá thực phẩm. Nguyên nhân làm cho giá thực phẩm tăng cao có từ hai phía cung và cầu, đặc biệt là phía cầu. Về phía cung, theo kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 1/4/2011, đàn trâu giảm 3,5%, đàn bò giảm 5,2%, đàn lợn giảm 3,7%, sản lượng thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ (tăng 3,2% so với tăng 4,9%, trong đó cá tăng 2,6% so với 4,8%, tôm tăng 5,3% so với tăng 5,8%). Đàn lợn giảm do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân về giá giống, vốn, thức ăn trong thời gian dài; có nguyên nhân do dịch bệnh trong các năm trước; có nguyên nhân do tỷ lệ hộ nông nghiệp trống chuồng khá cao (từ 38,5% xuống còn 23%). Sản lượng rau xanh của miền Bắc bị ảnh hưởng bởi các trận mưa lớn của cơn bão số 2…
Thứ ba, giá cả thế giới hiện rất khó dự đoán về xu hướng biến động, về mức độ giá, về nhóm, loại hàng. Có dự đoán giá thế giới sẽ còn tăng cao. Có dự đoán thế giới sẽ rơi vào giảm phát (giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế) và sẽ kéo theo thiểu phát (giá giảm). Các dự đoán này xuất phát từ diễn biến trên thế giới rất phức tạp, khó lường, khó dự đoán. Tình hình kinh tế Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro gây lo ngại cho cuộc khủng hoảng tài chính mới và tác động đến toàn thế giới. Giá vàng thế giới lập những kỷ lục mới kéo giá vàng trong nước tăng theo và đạt đỉnh điểm mới, ảnh hưởng đến tâm lý lạm phát.
Đành rằng việc kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, trong đó có lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, vì vậy, một mặt phải tìm mọi cách để hạ mặt bằng lãi suất chung; mặt khác phải ưu tiên cả về lượng vốn, cả về lãi suất đối với nông nghiệp, nông thôn (trước hết là việc sản xuất thực phẩm để tăng cung, giảm giá thực phẩm), đối với công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thực hiện đúng hạn mức cả năm về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán.
Ngọc Minh
chính phủ



Xem bài viết: Không thể lơ là với lạm phát, chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ