Doanh nghiệp kêu thiếu điện, EVN nói chỉ hụt 3%
Mặc dù EVN khẳng định lượng điện năng thiếu hụt hàng năm chỉ khoảng 3%, nhưng người dân liên tục kêu ca vì bị cắt điện luân phiên, cơ sở sản xuất phải đóng cửa 1 ngày/tuần vì thiếu điện. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại lại chưa mặn mà “nhảy” vào lĩnh vực này.

Đó là những trao đổi tại Hội nghị Quốc tế về Điện năng Việt Nam diễn ra trong hai ngày 22 và 23 tháng 6 tại Hà Nội.
Ngành điện... hụt hơi
Theo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), dự báo 5 năm tới nhu cầu điện sẽ tăng bình quân khoảng 15% mỗi năm và mức cung tương ứng tăng khoảng 14,5%.
Đặc biệt, hiện có 10 tỉnh phía Bắc hoàn toàn sử dụng điện nhập khẩu nhưng nguồn điện mua từ Vân Nam (Trung Quốc) cũng khó khăn dù giá cao hơn bình quân hiện nay vì đối tác cũng phụ thuộc thủy điện.
Mặc dù EVN khá "lạc quan" về cung cầu điện trong 5 năm tới, nhưng ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurocham) "vặn" lại: "Làm việc thường xuyên với các nhà sản xuất kinh doanh, tôi khẳng định nhiều cơ sở phải đóng cửa 1 ngày/tuần do thiếu điện."
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Trưởng ban Kế hoạch của EVN khẳng định trong những năm vừa qua, lượng điện năng thiếu hụt chỉ khoảng 3% và chủ yếu xảy ra vào mùa khô, tức là 6 tháng đầu năm. Đặc biệt từ năm 2011, Nhà nước có chính sách đảm bảo điện cho sinh hoạt và hoạt động thương mại, dịch vụ nên EVN sẽ thông báo với các cơ sở sản xuất để có kế hoạch sử dụng điện hợp lý.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng thừa nhận ở một số tỉnh thành, tình trạng thiếu điện có thể lên tới 5% tới 10%. Ông Khánh khuyên các nhà đầu tư khi đầu tư vào các dự án xi măng, thép... nên tìm hiểu xem có nằm trong năng lực ngành mà Chính phủ khuyến khích đầu tư không. Khi lĩnh vực sản xuất đã nằm trong quy hoạch của ngành rồi thì cung cầu về điện phải được điều chỉnh đưa vào quy hoạch phát triển điện của tỉnh đó.
Ông Khánh dẫn một ví dụ ở Bà Rịa Vũng Tàu, trong 5 năm qua có trên 30 dự án thép dồn dập đầu tư, phá vỡ quy hoạch phát triển điện của tỉnh gấp 5 lần. Thực tế trong mùa khô 2010, nhiều nhà máy thép đã khốn đốn vì thiếu điện.
"Trong một thời gian ngắn, với công suất lớn như vậy thì không có cách nào đảm bảo nguồn điện và lưới điện," ông Khánh khẳng định. "Bản thân nhà đầu tư phải tìm hiểu năng lực cấp điện và ngành của mình. EVN cũng phải có thời gian chuẩn bị tài chính và vật lực."
Theo ông Khánh thì một nhà máy thép công suất khoảng 2 triệu tấn/năm chỉ mất 2 năm để hoàn thành nhưng để đảm bảo nguồn và lưới điện cấp cho nhà máy đó thì mất tới 4 năm.
Nhà đầu tư ngoại không mặn mà với điện VN
Để đáp ứng nhu cầu điện sắp tới, hiện đang có 38 dự án nguồn điện trong quá trình xây dựng và sẽ hoàn thành trước 2015. Nhu cầu vốn cho đầu tư vào điện rất lớn, EVN ước tính mỗi năm, tập đoàn này cần khoảng 3 tỷ USD để đầu tư. Hiện nay, phần lớn nguồn vốn này là huy động trong nước. Thứ hai là nguồn tài trợ quốc tế và thứ ba là tín dụng xuất khẩu của các nước, chẳng hạn như nhà thầu Trung Quốc vào xây dựng thì họ lo luôn phần vốn.
Trong thời gian qua, có một số dự án BOT cho ngành điện đã được khởi công. Theo quy định thì trước khi đầu tư phải đàm phán giá với EVN theo những quy chuẩn do Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, có những dự án đã khởi công mà vẫn chưa đàm phán về giá, thậm chí phát điện rồi mà vẫn chưa đàm phán xong.
Trước kia, phát biểu trên báo chí, ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng dầu khí (Bộ Công thương) - khẳng định: "Với tốc độ tăng trưởng như vậy, một mình ngành điện sẽ không lo xuể. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư theo các hình thức BOT, BO, IPP... là sự lựa chọn tối ưu. Đặc biệt phải có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì mới cáng đáng nổi".
Tuy nhiên, vướng mắc là trong khi giá điện của Việt Nam còn khá thấp so với khu vực và thế giới, thì các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT thường "hét" giá "trên trời". Giá bán điện bình quân của Việt Nam năm 2010 là 1.061 đồng/kWh (tương đương %,44 US cent/kWh).
Một nhà đầu tư đến từ Canada cho biết công ty của ông đã đầu tư vào thị trường điện ở Lào nhưng vẫn còn đang đợi tới khi giá điện VN tăng lên mới tính tới chuyện nhảy vào Việt Nam.
"Lạm phát cao, giá bán thấp, những rủi ro về tỷ giá và sự độc quyền của EVN khiến chúng tôi lo ngại đầu tư vào điện ở Việt Nam," ông này chia sẻ.
Lan Hương
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Doanh nghiệp kêu thiếu điện, EVN nói chỉ hụt 3%