Cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD sẽ lao dốc nếu Mỹ vỡ nợ

(Vietstock) - Thời gian cho việc nâng trần nợ và tránh nguy cơ vỡ nợ không còn nhiều nhưng Wall Street vẫn chưa bộc lộ bất kỳ dấu hiệu sợ hãi nào. Tuy nhiên, nếu điều không tưởng này xảy ra, tác động của việc vỡ nợ đến các thị trường tài chính còn mạnh hơn so với sức tàn phá của một trận động đất. Vậy các thị trường sẽ như thế nào nếu Mỹ vỡ nợ?
* S&P cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ trong 90 ngày tới
Thậm chí một đợt vỡ nợ chóng vánh cũng có thể gây ra những dư chấn khó lường. Trước hết, cổ phiếu, trái phiếu, và đồng USD sẽ lao dốc.
Đa số các nhà kinh tế đều đồng ý rằng sự vỡ nợ có thể đẩy chi phí vay mượn tăng cao đối với mọi người dân. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có vai trò như một mức sàn cho các loại lãi suất cho vay khác, vì thế nếu lợi suất gia tăng thì lãi suất thế chấp cũng tăng cao, các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tài trợ các khoản chi tiêu mới, và các chính quyền địa phương cũng khó vay mượn hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết dự báo chính xác về tác động của việc vỡ nợ đối với thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ sau ngày 02/08 sẽ thực tế hơn vì đây là hạn chót cho việc nâng trần nợ.
Về phía mình, nhà đầu tư cho rằng tác động tức thời có thể tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào tháng 9/2008. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục trượt dài. Được biết, trong tháng sau khi diễn ra vụ sụp đổ của Lehman Brothers, S&P 500 lao dốc 28%.
Trong khi đó, vàng có thể trở thành một nơi trú ẩn an toàn. Nỗi lo sợ đã khiến giới đầu tư đổ xô mua vào kim loại này trong những năm vừa qua và đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 1,594 USD/oz vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, hai kênh đầu tư từng là nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, đồng USD và trái phiếu kho bạc, có thể “thất sủng” khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi Mỹ.
Một nỗi lo sợ còn lớn hơn đó chính là sự vỡ nợ có thể đóng băng thị trường lãi suất ngắn hạn, nơi đóng vai trò duy trì sự dịch chuyển của đồng tiền trong hệ thống tài chính. Trái phiếu kho bạc và các khoản nợ Chính phủ khác có thể được sử dụng rộng rãi như các khoản thế chấp cho vay trên các thị trường này.
Theo chiến lược gia John Briggs từ Ngân hàng Hoàng gia Scotland, nếu Mỹ vỡ nợ và bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, niềm tin đối với các khoản thế chấp này sẽ bị chao đảo. Các nhà cho vay sẽ yêu cầu những người đi vay thế chấp nhiều hơn, và buộc những người này phải bán các khoản đầu tư để đáp ứng yêu cầu trên. Một chu kỳ bán tháo tương tự cũng đã diễn ra ồ ạt trên khắp các thị trường khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008.
Tác động dây chuyền thậm chí còn tồi tệ hơn
Thế nhưng, tác động dây chuyền từ sự vỡ nợ của Mỹ thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Thực vậy, đa số các nhà phân tích đều đồng ý rằng nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể thanh toán được nợ, hậu quả sẽ thảm khốc hơn. Đó là lý do tại sao từ trước đến nay, giới phân tích đều tin tưởng rằng **** Cộng hòa và Tổng thống Barack Obama sẽ đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã vẽ nên một bức tranh vô cùng ảm đạm trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày thứ Năm. Ông cho rằng việc vỡ nợ sẽ là một thảm họa và gây ra cú sốc tài chính nghiêm trọng. Hệ thống tài chính toàn cầu dựa vào trái phiếu kho bạc vì từ lâu đây đã là một kênh đầu tư an toàn nhất trên thế giới.
Ông Bernanke nói: “Sự vỡ nợ có thể khiến hệ thống tài chính trở nên hỗn độn”.
Tuy nhiên, theo ông Briggs, lực xả hàng trên diện rộng có thể trở thành một lợi thế. Làn sóng bán tháo hoảng loạn có thể buộc Washington nhanh chóng hành động để nâng trần nợ. Được biết, vào tháng 9/2008, sau khi Hạ viện bỏ phiếu phản đối dự luật giải cứu để tạo ra chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP) vào ngày 29/09, chỉ số Dow Jones tụt không phanh 777 điểm. Chỉ sau đó 4 ngày, Quốc hội thông qua dự luật TARP và Tổng thống George W. Bush nhanh chóng ký thành luật.
Nhà kinh tế Neil Dutta từ Bank of America-Merrill Lynch nhận định: “Chúng ta đang ở trong thời điểm tương tự như lúc thông qua dự luật TARP. Các chính trị gia không đạt được nghị quyết nhưng thị trường cần một nghị quyết như thế”.
Hiện các chuyên viên giao dịch vẫn còn trông chờ vào việc nâng trần nợ trước thời hạn chót là ngày 02/08. Đó là lý do tại sau chứng khoán và lợi suất trái phiếu vẫn còn tương đối ổn định ngay cả khi Moody’s và Standard & Poor's cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Chiến lược gia thị trường Tony Crescenzi của quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới Pimco và các nhà đầu tư khác tin tưởng rằng các cuộc đàm phán sẽ kéo dài đến phút chót.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ chào đón thỏa thuận nâng trần nợ bằng một đợt phục hồi mạnh. Tác động sẽ ngược lại với việc vỡ nợ: Cổ phiếu, trái phiếu, và đồng USD sẽ cùng tăng vọt. Sau khi Tổng thống Bush ký TARP thành luật vào năm 2008, chỉ số Dow Jones nhảy vọt tới 946 điểm.
Ông David Kelly, chiến lược gia thị trường của Quỹ đầu tư J.P. Morgan cho rằng khi Washington nâng trần nợ, giá trái phiếu kho bạc có thể sụt giảm vì nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào các khoản đầu tư rủi ro hơn.
Tuy nhiên, tâm lý thoải mái có thể không kéo dài. Nếu thỏa thuận trên dẫn đến các khoản cắt giảm chi tiêu mạnh tay hơn, các chuyên gia kinh tế trên Wall Street cho rằng điều này sẽ cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế. Tương tự như vào cuối năm 2008, đà phục hồi mạnh sẽ biến mất khi cuộc khủng hoảng tài chính tạm lắng. Chỉ số S&P 500 chạm đáy vào tháng 3/2009.
Chi tiêu liên bang chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các nhà kinh tế Goldman Sachs dự báo thỏa thuận cắt giảm 2 ngàn tỷ USD chi tiêu ngân sách có thể cắt xén đà tăng trưởng GDP bớt 0.8%. Trước đó, ngân hàng này dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.1% trong năm 2012.
Phạm Thị Phước (Theo AP)



Xem bài viết: Cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD sẽ lao dốc nếu Mỹ vỡ nợ