Thị trường xăng dầu: Đã “cộng khổ” - sao chẳng “đồng cam”?
Giá dầu thô hạ nhiệt, trong khi giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm mạnh và tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên cho đến nay, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối không thực hiện giảm giá bán lẻ, thay vào đó lại tăng chiết khấu cho đại lý.
Bên cạnh đó, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng quyết định chưa yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu giảm giá, mặc dù các DN này đang có lãi khá cao. Khi giá xăng dầu lên cao, DN tăng giá xăng dầu thì NTD đã “cộng khổ” chia sẻ gánh nặng này, nhưng đến nay khi giá xăng dầu giảm và DN có lãi, sao DN không “đồng cam” san sẻ lợi ích cho NTD?

Diễn biến có lợi - quyết định bất lợi
Theo bản tin giá cơ sở mới nhất do Petrolimex phát hành ngày 4.7 thì nửa đầu tháng 6.2011, giá dầu thô tương đối ổn định, giá dầu Brent dao động trong ngưỡng từ 115-120USD/thùng và giá dầu WTI dao động ở mức xấp xỉ 100USD/thùng. Nửa cuối tháng 6.2011, giá dầu thô diễn biến theo xu hướng giảm. Bên cạnh đó, nguồn cung dầu không thiếu. Các sản phẩm dầu tại thị trường Singapore tháng 6.2011 biến động theo hướng: Trong nửa đầu tháng 6.2011, giá xăng giảm trong khi các sản phẩm khác vẫn tăng; nửa cuối tháng 6.2011 thì tất cả các sản phẩm dầu đều theo xu hướng giảm.
Có thể nói, đây thực sự là diễn biến có lợi cho việc kinh doanh của các DN đầu mối xăng dầu trong nước. Theo công bố của chính các DN này thì hiện nay, các DN kinh doanh xăng dầu đã lãi khoảng 700đ/lít dầu, lãi hơn 100đ/lít xăng. Tuy nhiên, cần phân tích rõ là con số lãi này thực chất chưa bao gồm định mức lợi nhuận 300đ/lít xăng. Bên cạnh đó, cũng chưa tính đến việc DN kinh doanh xăng dầu đã tăng chiết khấu cho đại lý. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì thực chất con số lãi là cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối thay vì giảm giá bán, san sẻ lợi ích với NTD thì lại tăng chiết khấu cho các đại lý. Ngay cả khi đã tăng chiết khấu cho các đại lý và vẫn có lãi khá cao, song các DN vẫn không giảm giá bán lẻ mặt hàng này. Đồng thuận với DN, các cơ quan quản lý vẫn... tiếp tục theo dõi thị trường mà không hề có động thái yêu cầu DN cần phải giảm giá bán lẻ. Đặc biệt trong thông báo của mình, Bộ Tài chính nhận định các mặt hàng xăng dầu có giảm, song cơ quan này vẫn quyết định chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Nên cân nhắc và linh hoạt
Báo Lao Động đã từng có bài phân tích việc giảm giá xăng dầu có thể coi là việc gỡ nút thắt chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Một điểm đáng lưu ý là trao đổi với báo giới, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đều khẳng định là đã có lãi. Tuy nhiên, “quả bóng” vấn đề có giảm giá hay không lại được các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chuyền cho “người thổi còi” là các cơ quan quản lý. Đại diện các DN cho rằng, quyết định này hoàn toàn do cơ quan quản lý nhà nước quyết định.
Có thể nói đây là điều khiến dư luận bối rối, khi mà theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thì về thời hạn (tính từ thời điểm tăng giá xăng dầu ngày 29.3) cũng như diễn biến đã hội đủ điều kiện để giảm giá bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, nghị định này cũng quy định DN đầu mối kinh doanh xăng dầu hoàn toàn có quyền chủ động giảm giá bán lẻ xăng dầu, chứ không phải hoàn toàn do cơ quan quản lý quyết định.
Theo thông tin ngày 17.7 thì giá dầu thô ổn định ở mức dưới 100USD/thùng. Giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore cũng ổn định. Có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên cân nhắc và linh hoạt trong điều hành với mục tiêu ưu tiên giảm giá để kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11, hơn là cứng nhắc với “lộ trình” nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế NK ở mức hợp lý, rồi sau đó mới thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện). Trên thực tế, việc giảm giá bán không chỉ là hành động mà DN và các đại lý “đồng cam” - san sẻ lợi ích với NTD thông qua việc giảm lợi nhuận và chiết khấu; đồng thời điều này còn có lợi cho kinh tế vĩ mô với việc giảm chi phí đầu vào, tăng cường năng lực sản xuất - kinh doanh cho hệ thống DN.
Phạm Anh - Minh Đồng
lao động



Xem bài viết: Thị trường xăng dầu: Đã “cộng khổ” - sao chẳng “đồng cam”?